Thể chế là quyền Nhà nước, bỏ tiền là quyền nhà đầu tư

(BĐT) - Thảo luận tại tổ về Dự thảo Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) ngày hôm qua (11/11), đa số đại biểu Quốc hội tán thành về sự cần thiết ban hành Luật. Thậm chí, các đại biểu cho rằng việc ban hành luật này là cấp bách, cần làm sớm để có khung pháp lý đồng bộ thu hút vốn tư nhân, trong bối cảnh cần đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội mà nguồn lực nhà nước rất hạn hẹp.
Dự thảo Luật PPP thiết kế 2 cơ chế bảo đảm của Chính phủ, giúp nhà đầu tư yên tâm tham gia các dự án hạ tầng lớn của đất nước. Ảnh: Lê Tiên
Dự thảo Luật PPP thiết kế 2 cơ chế bảo đảm của Chính phủ, giúp nhà đầu tư yên tâm tham gia các dự án hạ tầng lớn của đất nước. Ảnh: Lê Tiên

Gỡ thể chế để hút vốn tư nhân

Đại diện cơ quan thẩm tra Dự án Luật PPP, ông Vũ Hồng Thanh - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, Ủy ban cơ bản nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết ban hành Luật PPP nhằm góp phần hoàn thiện, thống nhất khung pháp lý điều chỉnh hoạt động đầu tư mang tính đặc thù, phản ánh bản chất của mối quan hệ đối tác công và tư; khắc phục những khó khăn, bất cập đang tồn tại hiện nay và bảo đảm tính pháp lý ổn định, nâng cao hiệu quả thực hiện, tính khả thi của các dự án PPP dài hạn, nhiều rủi ro, đầu tư quy mô lớn, cũng như tính pháp lý đồng bộ với các luật có liên quan.

Thảo luận tại tổ, đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) đồng tình cần sớm ban hành Luật PPP, bởi Việt Nam còn cần nhiều công trình, vốn, trình độ công nghệ, quản lý của khu vực tư sẽ giúp chất lượng dịch vụ công tốt hơn.

Cùng quan điểm, đại biểu Vũ Tiến Lộc (Thái Bình) cho rằng, việc xây dựng Luật PPP vào thời điểm này là hết sức cần thiết. Trước đây, cơ sở pháp lý của các hợp đồng PPP chỉ là ở cấp nghị định. Chúng ta đã có đến 336 hợp đồng PPP với tổng giá trị lên đến 1,6 triệu tỷ đồng vốn đầu tư, xấp xỉ tổng mức đầu tư công trong 5 năm qua, từ 2015 đến 2019. Nguồn lực lớn như vậy, nhưng do thời gian qua, khuôn khổ pháp lý của Việt Nam về đầu tư PPP vừa thiếu, vừa yếu đã dẫn đến một số dự án PPP gây bức xúc dư luận. Sự phản ứng của người dân tạo ra rủi ro cho các dự án PPP. Bởi vậy mà vài năm qua, dòng tiền đổ vào PPP bị chững lại.

“Nhiệm vụ xây dựng Luật PPP lần này là phải làm sao vực dậy được dòng vốn tư nhân đổ vào cơ sở hạ tầng. Muốn làm được điều đó, tôi kiến nghị tập trung vào 2 giải pháp sau: Bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư và công khai, minh bạch với người dân”, ông Lộc chia sẻ.

Khẳng định vai trò của Luật PPP, đại biểu Phạm Phú Quốc (TP.HCM) nhấn mạnh, quy định Luật PPP mang tính ưu tiên áp dụng khi có những tác động trái với luật khác là phù hợp để khuyến khích đầu tư theo phương thức này.

Làm rõ thêm về Dự Luật, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, trước đây chúng ta mới đề cập đến PPP ở cấp nghị định, song nhà đầu tư không tin nghị định mà chỉ tin luật, bởi luật mới bảo vệ được cho họ. Thủ tướng cũng cho rằng, vai trò của Nhà nước cần phải hạ thấp xuống và đề cao vai trò của tư nhân trong một số lĩnh vực không cần thiết đầu tư công. Bên cạnh đó, hiện nay do pháp luật còn chồng chéo, vướng mắc nên nhà đầu tư nước ngoài chưa nhiệt huyết đầu tư vào Việt Nam. Do đó, việc xây dựng Luật PPP để kêu gọi nhiều nguồn lực phát triển đất nước là một hướng đi hết sức cần thiết. “Thể chế là rất quan trọng, nếu gỡ được thể chế thì không khí đầu tư vào Việt Nam sẽ rất tốt”, Thủ tướng nhận định. 

Chia sẻ rủi ro là cốt yếu

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, vấn đề bảo đảm, chia sẻ rủi ro là khó nhất khi thiết kế luật này. Dự thảo Luật thiết kế 2 cơ chế bảo đảm của Chính phủ gồm cân đối ngoại tệ và chia sẻ rủi ro về doanh thu. Cơ chế này không áp dụng tràn lan, có thiết kế chặt chẽ để khi triển khai không bị lạm dụng.

“Về bản chất, dự án PPP là dự án được triển khai nhằm mục đích cung cấp các sản phẩm, dịch vụ công (mục đích công) thông qua đầu tư tư (vốn tư) và/hoặc quản lý tư. Nhà nước muốn kêu gọi nguồn lực tài chính, tận dụng được tri thức, năng lực quản lý từ các thành phần kinh tế để bù đắp thiếu hụt về ngân sách thì Nhà nước cũng cần có trách nhiệm, nghĩa vụ trong việc bảo đảm tính khả thi của dự án thông qua các công cụ hỗ trợ, bảo đảm, bảo lãnh, mà không thể đẩy toàn bộ trách nhiệm, rủi ro của việc thực hiện dự án mục đích công này cho tư nhân như đối với dự án đầu tư kinh doanh, thương mại thông thường”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phân tích.

Người đứng đầu ngành kế hoạch và đầu tư cho rằng, Nhà nước có nhiều quyền nhưng nhà đầu tư có một quyền là có chấp nhận bỏ tiền ra đầu tư hay không. Vì thế phải tạo hành lang pháp lý để họ yên tâm bỏ tiền ra đầu tư, tham gia các dự án, công trình hạ tầng lớn của đất nước.

Nhiều đại biểu Quốc hội đồng tình cần có cơ chế chia sẻ rủi ro tại Dự thảo Luật. Theo ông Hoàng Văn Cường, cơ chế chia sẻ rủi ro là cần thiết, cốt yếu vì dự án PPP là dự án mục đích công. Tuy nhiên, cần xác định rõ thế nào là rủi ro về doanh thu, nếu do năng lực nhà đầu tư dẫn đến rủi ro thì không được hưởng cơ chế này.

Đại biểu Đỗ Văn Sinh (Quảng Trị) góp ý, phải quy định rõ hơn điều kiện bảo đảm ngoại tệ, tùy thuộc vào mức độ dự án, như: quy định rõ nội dung nào chi tiêu tại Việt Nam bằng tiền Việt Nam thì không chuyển đổi, không cần quy định mức 30%. Cơ chế bảo đảm chỉ được phép áp dụng đối với dự án quan trọng do Quốc hội, Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư là chưa hợp lý vì đã quy định trong Luật thì có thể điều chỉnh cho các loại dự án để đảm bảo bình đẳng.

Tin cùng chuyên mục