Thiếu vốn đầu tư năng lượng tái tạo

(BĐT) - Theo dự báo, đến năm 2030, Việt Nam sẽ thiếu 60 - 70% vốn đầu tư vào năng lượng tái tạo. Để giảm thiểu tác động tiêu cực từ biến đổi khí hậu khi chuyển sang phát triển và sử dụng nguồn năng lượng sạch này thì rất cần vai trò của khu vực doanh nghiệp.
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Thách thức lớn

Ông Phạm Hoàng Hải, Trưởng ban Ban thư ký Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD) thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) lưu ý, dự báo nêu trên là thách thức lớn, nhất là khi vẫn thiếu các cơ chế khuyến khích dành cho các dự án năng lượng tái tạo. Chưa kể, sẽ không có nhiều năng lượng sản xuất thương mại từ các nguồn năng lượng tái tạo khác (địa nhiệt, mặt trời, thủy triều, gió, chất thải...).

Điều đáng nói, mục tiêu của Việt Nam từ nay đến năm 2030 là giảm 8% mức khí thải nhà kính. Nhưng tỉ trọng năng lượng mới và năng lượng tái tạo trong cơ cấu thương mại năng lượng còn quá khiêm tốn, dự báo chỉ chiếm 5% vào năm 2020 và 11% vào năm 2050.

Trong khi đó, theo ông Phạm Hoàng Hải, những thách thức về nguồn năng lượng của Việt Nam được dự đoán là sẽ thiếu năng lượng sơ cấp đến 52,6 triệu TOE vào năm 2020 và 143,3 triệu TOE vào năm 2030. Ước tính, tỉ trọng nhập khẩu năng lượng sơ cấp của Việt Nam sẽ chiếm 36% vào năm 2020 và 57% vào năm 2030.

Vấn đề cần lưu ý ở đây là việc sử dụng năng lượng ở trong nước lại không hiệu quả. Đặc biệt là hiệu quả năng lượng trong các nhà máy điện chạy bằng than và xăng ở mức thấp, chỉ là khoảng 28-32%, thấp hơn 10% so với các nước đang phát triển khác.

Theo bà Phạm Thị Cẩm Nhung, Giám đốc Dự án Năng lượng bền vững của tổ chức Bảo tồn thiên nhiên thế giới (WWF) Việt Nam, năng lượng tái tạo là một cơ hội đầu tư vàng cho các doanh nghiệp (DN) bởi trữ lượng gần như vô tận, trong khi giá thành năng lượng ổn định và có thể đoán trước được.

Nhưng để khắc phục những hạn chế đầu tư, giới chuyên gia năng lượng khuyến nghị nên tiếp tục ưu đãi thuế và giá bán năng lượng tái tạo nhằm thu hút vốn vào lĩnh vực này.

Doanh nghiệp cần tham gia

 Mục tiêu của Việt Nam từ nay đến năm 2030 là giảm 8% mức khí thải nhà kính. Nhưng tỉ trọng năng lượng mới và năng lượng tái tạo trong cơ cấu thương mại năng lượng còn quá khiêm tốn, dự báo chỉ chiếm 5% vào năm 2020 và 11% vào năm 2050.
Trong bối cảnh thiếu vốn như dự báo, giới chuyên gia cho rằng, hình thức đầu tư đối tác công tư (PPP) là giải pháp tốt cho việc thu hút đầu tư các dự năng lượng tái tạo trong dài hạn.

Với những DN Việt Nam muốn triển khai các dự án tiết kiệm năng lượng hiện nay, theo ông Amarnath Reddy, cố vấn cao cấp của Chương trình Hỗ trợ đầu tư xanh (GIF), được sự hỗ trợ của Chính phủ Đan Mạch, bên cạnh khía cạnh kỹ thuật và kinh tế thì các DN này cần khảo sát tính khả thi của dự án đề xuất nhằm cân đối giữa lợi ích và chi phí đầu tư.

Phía GIF kỳ vọng sẽ hỗ trợ cho 100 DN vừa và nhỏ (SME) trong giai đoạn 2015 - 2017 với quy mô 110 tỷ đồng nhằm khuyến khích các khoản đầu tư vào lĩnh vực tiết kiệm năng lượng. Ông Amarnath cho biết, GIF sẽ bảo lãnh tín dụng tới 50% giá trị khoản vay (200 triệu tới 4 tỷ đồng) cho các SME theo đuổi tiết kiệm năng lượng, thậm chí sẽ trả thưởng từ 10 - 30% giá trị khoản vay dựa trên kết quả tiết kiệm năng lượng/giảm phát thải thực tế của các SME.

Tuy nhiên, tiêu chí mà GIF đặt ra cũng không hề đơn giản. Dự án tiết kiệm năng lượng của các SME sẽ phải giảm ít nhất 20% năng lượng tiêu thụ hoặc khí thải CO2. Khoản vay để đầu tư vào dự án đề xuất phải trên 400 triệu đồng. Tổng mức tài trợ DN nhận được từ GIF và cơ chế với nhà tài trợ khác không vượt quá 30% khoản vay dùng cho dự án.

Tin cùng chuyên mục