Thu hút đầu tư nước ngoài: Những cam kết mạnh mẽ

(BĐT) - Trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động và những hạn chế nội tại của nền kinh tế trong nước chưa được giải quyết, làm thế nào tranh thủ được thời cơ, vận hội để bứt phá trong thu hút đầu tư nước ngoài (ĐTNN)? 
Nhà đầu tư đến Việt Nam được coi như công dân của Việt Nam. Ảnh: Lê Tiên
Nhà đầu tư đến Việt Nam được coi như công dân của Việt Nam. Ảnh: Lê Tiên

Đây là câu hỏi được Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đặt ra tại Hội nghị Định hướng thu hút và sử dụng vốn ĐTNN trong thời gian tới, do Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) phối hợp với UBND tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức ngày 21/12, tại Vĩnh Phúc.

Mục tiêu mới trong thu hút ĐTNN

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Vũ Đại Thắng cho biết, thực hiện nhiệm vụ được Chính phủ giao, Bộ KH&ĐT đã chủ trì xây dựng Đề án Định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách nâng cao chất lượng, hiệu quả thu hút và sử dụng ĐTNN đến năm 2030. Dự thảo Đề án đặt mục tiêu tập trung thu hút vốn ĐTNN vào những ngành, lĩnh vực ưu tiên như công nghệ cao, công nghệ mới, tiên tiến, quản trị hiện đại; mở rộng kết nối thị trường trong nước và nước ngoài; tham gia sâu hơn vào mạng sản xuất, chuỗi giá trị toàn cầu, phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ và tăng cường kết nối với doanh nghiệp (DN) trong nước. Từ đó, góp phần nâng cao năng suất lao động, trình độ công nghệ của nền kinh tế, năng lực cạnh tranh quốc gia, thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng trên nền tảng công nghệ 4.0.

Cụ thể, phấn đấu đến năm 2030, tỷ lệ vốn ĐTNN trong tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội duy trì bình quân khoảng 20 - 25%; năng lượng tiêu hao trên một đơn vị giá trị sản lượng của khu vực DN ĐTNN thấp hơn trung bình của cả nước; tăng giá trị tăng thêm của khu vực ĐTNN trong GDP cao hơn mức trung bình của cả nước; tăng giá trị tăng thêm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của khu vực ĐTNN trong GDP cao hơn mức trung bình cả nước; tăng cường thu hút ĐTNN quy mô lớn từ các công ty xuyên quốc gia trong danh sách Global 2000 của Forbes vào các ngành sử dụng công nghệ cao, công nghệ mới, tiên tiến và dịch vụ hiện đại.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp

Dưới góc nhìn của các nhà ĐTNN, ông Tetsu Funayama - Trưởng Ban Diễn đàn DN, Hiệp hội DN Nhật Bản tại Việt Nam (Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Mitsubishi Corporation Việt Nam) khuyến nghị với Chính phủ về việc sớm hoàn thiện chính sách thu hút vốn tư nhân vào phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng thông qua hình thức đối tác công tư (PPP). Những nội dung được các nhà ĐTNN cũng như tổ chức quốc tế quan tâm nhiều nhất là vấn đề mở rộng phạm vi áp dụng pháp luật nước ngoài; mở rộng quyền thế chấp tài sản của DN dự án; rủi ro chuyển đổi tỷ giá; bảo lãnh Chính phủ...

Để thu hút nhiều hơn và chất lượng hơn nguồn vốn ĐTNN, ông Kim Han Yong - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam cho rằng, cần giải quyết những khó khăn mà các DN, nhà đầu tư đang gặp phải như: phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, có khả năng tiếp thu công nghệ chuyển giao; giảm chi phí tuân thủ và chi phí sản xuất, hoạt động; cởi mở hơn trong cấp visa cho người nước ngoài, đơn giản hóa thủ tục hành chính... Các chính sách ưu đãi phải có sự ổn định, lâu dài.

Về phía các địa phương, nhiều ý kiến đặt ra những yêu cầu về liên kết vùng trong phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng; tạo lập cơ chế phối hợp giữa các cơ quan trung ương và địa phương, giữa các địa phương để phát huy cao nhất hiệu quả của dòng vốn ĐTNN; kết nối, liên thông về thông tin, cơ sở dữ liệu; phát triển các trung tâm dịch vụ cao cấp về tài chính, công nghệ, nghiên cứu và phát triển để hỗ trợ chung cho các địa phương khác.

Thể hiện cam kết với các nhà ĐTNN, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng khẳng định, Chính phủ sẽ tiếp tục nỗ lực tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, hỗ trợ khởi nghiệp và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; xây dựng Chính phủ điện tử để giảm thời gian và chi phí cho DN; cải cách hành chính, cắt giảm, phối hợp liên thông các thủ tục hành chính; sắp xếp, tổ chức bộ máy quản lý theo hướng thu gọn đầu mối quản lý; đổi mới công tác xúc tiến đầu tư... Nhà đầu tư đến Việt Nam sẽ được coi như công dân của Việt Nam và Chính phủ phải có trách nhiệm hỗ trợ.

Ngược lại, các nhà đầu tư cũng cần thực hiện đúng các cam kết khi đầu tư tại Việt Nam, quan tâm nghiên cứu, phát triển công nghệ mới, gắn kết với DN Việt Nam để hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, liên kết phát triển công nghiệp hỗ trợ; đầu tư đồng bộ sản xuất với hạ tầng... và tuyệt đối bảo vệ môi trường.

Về phía các bộ, cơ quan ngang bộ, Phó Thủ tướng chỉ đạo cần tập trung hoàn thiện chính sách pháp luật, từ đất đai, ngân sách, bảo vệ môi trường, xây dựng, đầu tư...; đẩy mạnh cải cách hành chính, đặc biệt là thủ tục hành chính; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức. “Nếu DN chưa đủ điều kiện thì phải hướng dẫn, thậm chí đến tận nơi để tháo gỡ khó khăn”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Đối với các địa phương, cần phải làm cho những nhà đầu tư đã đến Việt Nam thấy hài lòng với môi trường đầu tư cũng như cơ chế hỗ trợ của chính quyền các cấp, từ đó sẽ tạo nên sự lan tỏa, kết nối với nhiều nhà đầu tư khác.

Tin cùng chuyên mục