Thúc đẩy DN mở rộng đầu tư, kinh doanh

(BĐT) - Nghị quyết 02/2019/NQ-CP của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021 vừa được ban hành đã chỉ ra một loạt tồn tại trong phương thức quản lý nhà nước tạo rủi ro cho doanh nghiệp (DN). 
Năm 2019 sẽ tiếp tục bãi bỏ, đơn giản hóa các quy định về điều kiện kinh doanh. Ảnh: Lê Tiên
Năm 2019 sẽ tiếp tục bãi bỏ, đơn giản hóa các quy định về điều kiện kinh doanh. Ảnh: Lê Tiên

Tạo đà bứt phá cho năm 2019, Chính phủ đã đưa ra hàng loạt giải pháp tháo gỡ, tạo hứng khởi cho DN thúc đẩy đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh ngay từ những ngày đầu năm mới.

Vẫn còn điều kiện kinh doanh “trá hình”!

Theo bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh quốc gia thuộc Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), 5 năm qua (2014 - 2018), các bộ, ngành, địa phương ngày càng chủ động, tích cực thực hiện Nghị quyết số 19 hàng năm của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Nhiều bộ, ngành, địa phương đã chỉ định đầu mối, thiết lập cơ chế theo dõi thực hiện Nghị quyết 19 cũng như theo dõi việc cung cấp thông tin và kết quả đánh giá, xếp hạng của các tổ chức quốc tế như: Bộ Công Thương (tiếp cận điện năng); Bộ Tài chính (nộp thuế)…

Tuy nhiên, bà Thảo cho rằng, đổi mới phương thức quản lý nhà nước, nhất là từ tiền kiểm sang hậu kiểm và quản lý rủi ro ở một số ngành, cơ quan còn chậm, thiếu chủ động, chưa quyết liệt; mới tập trung vào các chỉ số nhằm tháo gỡ vướng mắc khi có sức ép mạnh từ cộng đồng DN hoặc chỉ đạo trực tiếp của cấp trên. Bất cập này cũng được Nghị quyết 02 của Chính phủ nhấn mạnh, đó là một số hành động cải cách chưa thực chất, còn hình thức, kéo theo chi phí cơ hội, chi phí không chính thức của DN trong khởi sự kinh doanh, trong hoạt động cũng như chi phí về thời gian, tiền bạc của người dân trong tiếp cận các dịch vụ công dù đã giảm nhưng vẫn còn nhiều.

“Thẳng thắn nhìn nhận, rào cản kinh doanh vẫn còn phổ biến, nhất là trong các văn bản”, bà Thảo nói và dẫn chứng, dù điều kiện kinh doanh (ĐKKD) không còn được quy định tại 1 nghị định nữa, nhưng lại được tham chiếu phải tuân thủ theo quy chuẩn kỹ thuật ở một văn bản khác. “Cho dù ĐKKD tại nghị định đó không được liệt kê trong văn bản tham chiếu, nhưng thực sự không có nghĩa là ĐKKD đó đã được cắt bỏ”, hoặc có trường hợp ĐKKD được sửa để tránh gây sự chú ý… “Số ĐKKD bất hợp lý mới cắt được một phần; còn nhiều ĐKKD cần tiếp tục rà soát để kiến nghị loại bỏ. Song quan trọng hơn là phải làm sao hiện thực hóa những ĐKKD đã được bãi bỏ trong năm 2018 trên thực tế”, đại diện CIEM bày tỏ.

Tiếp tục gỡ rào cản

Theo Chính phủ, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và cạnh tranh quốc tế ngày càng gia tăng, các quốc gia, nền kinh tế đều nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh và chú trọng đổi mới, nâng cao năng lực công nghệ, sáng tạo nhằm thích ứng với nền sản xuất mới. Mục tiêu tăng thứ hạng trên thế giới, vào nhóm 4 quốc gia dẫn đầu trong khu vực ASEAN năm 2019 đòi hỏi chúng ta phải nỗ lực hơn trước rất nhiều.

Chú trọng nội dung này,  Nghị quyết 02 của Chính phủ quán triệt, năm 2019 tiếp tục bãi bỏ, đơn giản hóa các quy định về ĐKKD; thực thi đầy đủ, triệt để những cải cách về ĐKKD đã thực hiện trong năm 2018.

Cụ thể, Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ tiếp tục rà soát, trình Chính phủ bãi bỏ, đơn giản hóa các ĐKKD không rõ ràng, không cụ thể, không khả thi trước quý III/2019; đẩy nhanh tiến độ soạn thảo Luật sửa đổi các luật có liên quan trình Chính phủ để trình Quốc hội bãi bỏ, đơn giản hóa ĐKKD được quy định tại các luật chuyên ngành theo phương án đã được phê duyệt; công bố đầy đủ các ĐKKD đã được bãi bỏ, các ĐKKD đã được đơn giản hóa trong năm 2018.

Chủ tịch UBND cấp tỉnh theo dõi, chỉ đạo các sở, ngành, ủy ban nhân dân cấp huyện đảm bảo thực thi đầy đủ việc bãi bỏ ĐKKD, những nội dung được đơn giản hóa của các quy định về ĐKKD; không tự đặt thêm ĐKKD trái quy định của pháp luật; xử lý nghiêm những cán bộ, công chức không thực hiện đúng, đầy đủ các quy định mới về ĐKKD.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì đánh giá mức độ thay đổi và tác động thực chất của những cải cách, bãi bỏ, đơn giản hóa các quy định về ĐKKD do các bộ, ngành thực hiện năm 2018 đối với DN và báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 6/2019. Đồng thời, Bộ có trách nhiệm theo dõi, đánh giá tình hình và kết quả thực hiện cải cách toàn diện các quy định về ĐKKD ở các bộ, ngành, địa phương; định kỳ hàng quý báo cáo và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo giải quyết ngay các chậm trễ, sai lệch, biến tướng và các vấn đề mới phát sinh; chủ trì xây dựng, trình Chính phủ Đề án cắt giảm ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo quy định của Luật Đầu tư trong quý IV/2019.

Đối với thủ tục kiểm tra chuyên ngành, tiếp tục thực hiện cải cách toàn diện công tác quản lý, kiểm tra chuyên ngành và kết nối Cổng thông tin một cửa quốc gia trên cơ sở thay đổi tư duy quản lý tạo thuận lợi cho DN…

Bên cạnh các nội dung trên, Nghị quyết 02 chú trọng đến yêu cầu đẩy mạnh thanh toán điện tử và cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4, cũng như hỗ trợ, khuyến khích DN đổi mới sáng tạo.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhằm tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi cho DN, đến nay, hồ sơ Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và Luật DN giao Bộ chủ trì đã được hoàn thành để chuẩn bị lấy ý kiến theo quy định. Dự kiến, ngoài Phụ lục sửa đổi, bổ sung một số ngành nghề trong Danh mục ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, Luật dự kiến sửa đổi 21 điều, bổ sung 1 điều, bãi bỏ 13 điều của Luật Đầu tư năm 2014. Dự án Luật cũng dự kiến sửa đổi 22 điều, bãi bỏ 1 điều và 3 khoản của Luật DN năm 2014.

“Nếu những đề xuất sửa đổi được chấp thuận, môi trường kinh doanh của Việt Nam trong những năm tới có thể tăng tới hàng chục hạng trong Bảng xếp hạng Doing Business của Ngân hàng Thế giới”, một chuyên gia kinh tế nhận định.

Tin cùng chuyên mục