Thúc đẩy liên kết phát triển Vùng Thủ đô Hà Nội theo hướng hiệu quả, bền vững

(BĐT) - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa ký ban hành Quyết định số 768/QĐ-TTg, ngày 06/5/2016 phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch xây dựng Vùng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, phạm vi Vùng Thủ đô Hà Nội được mở rộng thêm, bao gồm toàn bộ ranh giới của Hà Nội và 9 tỉnh xung quanh với tổng diện tích 24.315 km2.
Vùng Thủ đô Hà Nội vẫn là một trong hai trung tâm công nghiệp chủ lực của cả nước
Vùng Thủ đô Hà Nội vẫn là một trong hai trung tâm công nghiệp chủ lực của cả nước

Ba mục tiêu lớn trong quy hoạch Vùng Thủ đô Hà Nội lần này gồm: (i) Đáp ứng các yêu cầu phát triển, công tác quản lý quy hoạch và đầu tư xây dựng Vùng có sự phân công, hợp tác, chia sẻ và liên kết giữa các địa phương trong Vùng; (ii) Đáp ứng nhu cầu xây dựng đồng bộ và hiện đại hệ thống mạng lưới hạ tầng kỹ thuật và xã hội của Vùng và (iii) Làm cơ sở cho lập và điều chỉnh các quy hoạch xây dựng vùng tỉnh và các quy hoạch khác. Để các mục tiêu đặt ra ở trên thành hiện thực, việc thúc đẩy liên kết phát triển các địa phương trong Vùng Thủ đô Hà Nội theo hướng hiệu quả, bền vững là yêu cầu mang tính tiên quyết. Tuy nhiên, thực tế các liên kết phát triển trong Vùng hiện còn khá khiêm tốn, nhiều hoạt động còn mang tính hình thức và thiếu hiệu quả. 

Các hạn chế trong liên kết phát triển vùng Thủ đô Hà Nội hiện nay

Thứ nhất, tuy đã có những hoạt động mang tính chủ động nhưng nhìn chung sự liên kết, phối hợp giữa các tỉnh trong vùng vẫn mang tính tự phát. Nhiều hoạt động chỉ dừng lại ở mức độ cam kết thỏa thuận giữa lãnh đạo các địa phương, thậm chí một số hoạt động phối hợp không có ký kết cam kết, vì thế thiếu căn cứ pháp lý, nội dung cụ thể cũng như phương thức phối hợp liên kết.

Với một số địa phương trong Vùng, nếu không phải vì sự giáp ranh về địa lý thì gần như Hà Nội chưa từng thực hiện liên kết nào mang tính chủ động1. Ngoài các chương trình đầu tư cơ sở hạ tầng với sự chủ trì của các bộ: Giao thông vận tải, Xây dựng, còn lại phần lớn các hoạt động liên kết mang tính cục bộ, không bảo đảm tính đồng bộ hay thống nhất toàn vùng, vì thế chưa phát huy được lợi thế so sánh của toàn Vùng hoặc từng địa phương trong Vùng.

Thứ hai, phạm vi liên kết giữa các địa phương trong Vùng tuy đã có sự mở rộng nhưng vẫn hạn hẹp và đơn điệu. Các liên kết về kinh tế chưa dựa trên sự chuyên môn hóa hay phân công lao động mà chủ yếu là liên kết giữa các doanh nghiệp, các địa phương giáp ranh thực hiện việc cùng đầu tư, sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, di dời địa điểm, đầu tư đổi mới công nghệ... với các nội dung nhỏ, sự vụ, không có tính lâu dài. Về kinh tế, thậm chí giữa các địa phương khác nhau trong Vùng còn có nhiều hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh với nhau trong thu hút vốn đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng.

Thứ ba, các liên kết thuộc các lĩnh vực đều diễn ra chậm chạp, thiếu hiệu quả, cụ thể: Một số chương trình hợp tác đã được ký kết nhưng việc triển khai thực hiện rất chậm hoặc không thể thực hiện được, như: việc hỗ trợ các tỉnh trong đào tạo đội ngũ công nhân có trình độ chuyên môn giỏi làm việc trong các ngành công nghiệp kỹ thuật cao. Hạ tầng giao thông kết nối giữa Hà Nội và các tỉnh trong vùng chưa được thực hiện đồng bộ, nhất là tại địa bàn những nơi giáp ranh. Trong bảo vệ môi trường, tuy có sự phối hợp về việc kiểm soát những cơ sở sản xuất công nghiệp gây ô nhiễm nặng nhưng cho đến nay, ô nhiễm môi trường nhất là ô nhiễm nguồn nước do chất thải công nghiệp và đô thị đang có xu hướng ngày càng tăng2.

Thứ tư, liên kết trong sử dụng hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ logicstics hay tiện ích công giữa các địa phương trong vùng còn kém hiệu quả do thiếu quy hoạch trên phạm vi toàn vùng về phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng, hệ thống tiện ích công, dịch vụ logicstics và đặc biệt là các ngành công nghiệp hỗ trợ… 

PGS. TS. Hoàng Văn Cường

Các giải pháp thúc đẩy liên kết phát triển Vùng thủ đô Hà Nội theo hướng hiệu quả, bền vững

Thứ nhất, tăng cường trao đổi thông tin giữa các địa phương trong Vùng: Về nội dung trao đổi, Hà Nội cần chủ động liên kết với các địa phương để tạo kênh trao đổi thông tin thường xuyên: thông tin thị trường, thông tin về các định hướng quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương đã được phê duyệt hoặc những điều chỉnh, bổ sung; trao đổi kinh nghiệm về quản lý nhà nước, quản lý đô thị, quản lý quy hoạch, thu hút đầu tư để hỗ trợ lẫn nhau cạnh tranh lành mạnh, tránh trùng lặp trong quy hoạch, lãng phí trong đầu tư; thường xuyên trao đổi những giải pháp, cơ chế chính sách áp dụng của mỗi địa phương nhằm đẩy mạnh việc phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương và cả vùng.

Các hình thức trao đổi cần đa dạng như: mạng thông tin kinh tế - xã hội giữa các địa phương; Tổ chức các cuộc tiếp xúc với các doanh nghiệp trong và ngoài nước trên địa bàn vùng để cùng tuyên truyền, giới thiệu về môi trường đầu tư, giải quyết các vướng mắc trong đầu tư phát triển; Hình thành trang web của toàn Vùng.

Chủ động tổ chức các hội nghị để bàn thảo về các vấn đề cần giải quyết mang tính liên tỉnh trong Vùng cùng với sự tham gia của các Bộ, ngành liên quan như: Sử dụng hiệu quả quỹ đất gắn với bố trí lại các khu công nghiệp nhằm khắc phục tình trạng lãng phí đất và tắc nghẽn giao thông; Đào tạo nghề chất lượng cao để giải quyết vấn đề thiếu lao động có kỹ năng nghề nghiệp một cách trầm trọng; Xử lý ô nhiễm các dòng sông; Hệ thống giao thông kết nối liên tỉnh chung toàn vùng; Hệ thống cấp, thoát nước cho vùng; Vấn đề nhà ở cho công nhân…

Ưu tiên hoàn thiện hệ thống giao thông giữa Hà Nội và các tỉnh

Thứ hai, quy hoạch xây dựng hành lang công nghiệp vùng gắn với trung tâm dịch vụ Hà Nội. Trước mắt cũng như trong dài hạn, Vùng Thủ đô Hà Nội vẫn là một trong hai trung tâm công nghiệp chủ lực của cả nước. Hướng phát triển công nghiệp theo quy hoạch là tập trung vào các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, sức cạnh tranh lớn, phục vụ xuất khẩu như: sản phẩm phần mềm, điện tử - viễn thông, thép, vật liệu xây dựng cao cấp; cơ khí chế tạo, thiết bị, chế biến thực phẩm, dệt may, da giày…, trong đó công nghiệp điện tử - viễn thông - tin học trở thành ngành mũi nhọn, phát triển đồng bộ cả phần cứng lẫn phần mềm, đưa Vùng trở thành một trung tâm mạnh về sản xuất linh kiện điện tử và sản xuất phần mềm của khu vực Đông Nam Á.

Do đó cần điều chỉnh lại hướng phân bố công nghiệp trên địa bàn toàn Vùng, chủ yếu bám theo quốc lộ 18, quốc lộ 1, quốc lộ 2, vành đai 5 và hạn chế phát triển thêm trên quốc lộ 5. Trong hành lang công nghiệp này, Hà Nội cần đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ xây dựng Khu công nghệ cao Hòa Lạc; gắn khu công nghệ cao với Trường Đại học quốc gia Hà Nội, Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học FPT… nhằm phục vụ cho sự chuyển dịch cơ cấu công nghiệp của cả Vùng. Đây là hành lang có nhiều ưu thế và còn dư địa rất lớn để phát triển công nghiệp, kích thích sự hình thành và phát triển các đô thị có bán kính từ 30 km đến 50 km so với Hà Nội, tạo nên các đô thị công nghiệp của Vùng. Với vị trí của mình, Hà Nội sẽ thúc đẩy phát triển các ngành dịch vụ, trước hết là dịch vụ phục vụ cho phát triển công nghiệp của Vùng như: dịch vụ phục vụ hoạt động xuất khẩu; dịch vụ tài chính - tín dụng - ngân hàng - bảo hiểm; dịch vụ khoa học - công nghệ - tư vấn - chuyển giao… 

Thứ ba, liên kết xây dựng đồng bộ mạng lưới hạ tầng kỹ thuật. Để phát triển mạng lưới cơ sở hạ tầng kỹ thuật của toàn Vùng, các tỉnh trong vùng cần liên kết xây dựng những tuyến đường bộ xuyên Vùng; phối hợp xây dựng và nâng cấp những tuyến đường kết nối các đô thị trung tâm của các tỉnh; lập kế hoạch chung trong việc xây dựng tuyến vận chuyển hành khách và hàng hóa, dịch vụ ăn uống cho hành khách; cải tạo đường thủy, nâng cấp các cảng sông. Trước tiên, cần lập kế hoạch phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng, làm cơ sở để các tỉnh trong Vùng xây dựng hạ tầng, đảm bảo tính nhất quán phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của toàn Vùng. Hà Nội cần tiếp tục thúc đẩy liên kết để phát triển đồng bộ mạng lưới hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là hệ thống giao thông nhằm giải quyết căn bản tình trạng tắc nghẽn tại Hà Nội; giảm bớt sự tập trung cao về dân số tại trung tâm Hà Nội bằng cách nâng cấp, hiện đại hóa các tuyến trục và ngoại vi.  

Thứ tư, phát triển nguồn nhân lực và thúc đẩy ứng dụng KHCN: Bên cạnh việc quy hoạch, dự báo nhu cầu nguồn nhân lực, đầu tư xây dựng các trung tâm đào tạo, cần quan tâm đào tạo các chuyên gia khoa học đầu đàn cho cả Vùng; thiết lập hệ thống thông tin trao đổi giữa các nhà khoa học trong Vùng, đẩy mạnh và phát triển các hoạt động hợp tác trong nghiên cứu khoa học trong Vùng, tránh tình trạng trùng lắp trong hoạt động nghiên cứu. Các địa phương cũng cần có giải pháp đồng bộ nhằm nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật, hình thành đội ngũ doanh nhân giỏi cho toàn Vùng. Cần phát huy thế mạnh của Hà Nội là có các trường đại học lớn. 

Thứ năm, liên kết chặt chẽ trong bảo vệ môi trường: Việc xác định các nội dung và dự án  bảo vệ môi trường cần được phối hợp chặt chẽ trên quy mô toàn Vùng, bao gồm cả vấn đề cấp nước và thoát nước gắn liền với các sông chính của Vùng. Cụ thể, xây dựng, rà soát quy hoạch cấp, thoát nước trên toàn Vùng, đặc biệt là các khu vực đô thị, khu vực tập trung khu công nghiệp. Đối với các địa phương sử dụng nguồn nước mặt, cần tính đến ảnh hưởng của môi trường nước do việc xử lý chưa tốt nước thải của các khu công nghiệp. Cải tạo hệ thống thoát nước, xử lý nước thải, giải quyết dứt điểm tình trạng ngập úng tại các đô thị, đặc biệt là các thành phố lớn. Nghiên cứu xây dựng các khu vực chứa chất thải, những nhà máy xử lý chất thải cho các đô thị, chọn vị trí thích hợp trên địa bàn Vùng. Ngoài việc xử lý chất thải rắn và rác sinh hoạt, cần quan tâm đến công tác phối hợp quản lý và xử lý chất thải nguy hại, đặc biệt là tại các thành phố lớn và các KCN tập trung, các khu dân cư. Cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa Hà Nội và các tỉnh, thành phố trong Vùng khi xem xét các dự án đầu tư lớn, có tác động đến môi trường của cả Vùng.

Thứ sáu, xây dựng và đưa nội dung liên kết vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm của Hà Nội và mỗi địa phương trên các mặt. Về giao thông vận tải, ưu tiên phối hợp đầu tư cải tạo, nâng cấp, hoàn thiện hệ thống giao thông giữa Hà Nội và các tỉnh để đảm bảo tính đồng bộ và hiệu quả của công trình đầu tư (chú ý giao thông vùng giáp ranh và giao thông liên tỉnh). Phối hợp tăng cường vận tải hành khách liên tỉnh bằng đường bộ và đầu tư xây dựng hệ thống bến xe.

Trong hợp tác phát triển thương mại, cần ưu tiên đẩy nhanh tiến độ xây dựng các chợ đầu mối, hỗ trợ, tạo điều kiện xây dựng các trung tâm thương mại, các văn phòng đại diện của các tỉnh trong Vùng nhằm giới thiệu và tiêu thụ các sản phẩm của các tỉnh trên địa bàn toàn Vùng. Trong nông nghiệp, ưu tiên phối hợp xây dựng các cơ sở chế biến nông sản và xây dựng vùng nguyên liệu cho các nhà máy chế biến trong vùng. Tăng cường hợp tác kiểm dịch động vật vào thành phố lớn của Vùng, trao đổi và cung cấp giống cây con chất lượng cao cho nhau. Trong hợp tác phát triển du lịch, ưu tiên đẩy mạnh hợp tác phát triển các tour du lịch giữa Hà Nội với các tỉnh trong Vùng. Thiết lập một chương trình quảng bá chung trên các phương tiện thông tin về các dự án đầu tư, các chương trình phát triển du lịch, các tuyến, điểm, và các tour du lịch.

Thứ bảy, hình thành các cơ sở vệ tinh y tế, giáo dục tại các tỉnh nhằm giảm tình trạng quá tải ở Hà Nội thông qua việc khuyến khích các cơ sở đào tạo, cơ sở khám và chữa bệnh có uy tín mở thêm chi nhánh tại các tỉnh trong Vùng để phục vụ người dân tại chỗ, đồng thời góp phần phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn các tỉnh của toàn Vùng.


1. GS. TS Nguyễn Văn Nam, GS. TS Ngô Thắng Lợi và một số tác giả khác (2010): Chính sách phát triển bền vững các vùng Kinh tế trọng điểm ở Việt Nam. NXB Thông tin - Truyền Thông, 2010.

2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2006): Qui hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng KTTĐBB thời kỳ 2006 - 2010. 

Tin cùng chuyên mục