Tìm lối ra cho Dự án Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận

(BĐT) - Khởi động vào tháng 2/2015, cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận được kỳ vọng hoàn thành sau 3 năm thi công (năm 2018), rút ngắn thời gian lưu thông từ TP.HCM đến các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, giảm tải cho tuyến Quốc lộ 1, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khu vực Tây Nam Bộ. 

Tuy nhiên, đã gần 4 năm, Dự án vẫn đối mặt với muôn vàn khó khăn khiến thời hạn hoàn thành công trình trở nên xa vời. Thậm chí, Dự án còn đang đứng trước bờ vực đổ vỡ.

Gỡ vướng từ ngân hàng

Một nguồn tin từ Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận cho biết, vướng mắc nổi cộm nhất tại Dự án hiện nay là phương án tài chính bị phá vỡ và nguồn vốn tín dụng chưa được giải ngân.

Theo quy định của hợp đồng tín dụng, các ngân hàng tài trợ vốn đưa ra 20 điều kiện tiên quyết đối với Dự án và phải hoàn thành trước ngày giải ngân vốn. Trong đó, 14 điều kiện thuộc trách nhiệm, thẩm quyền giải quyết của doanh nghiệp dự án và nhà đầu tư, đến nay cơ bản đã được tháo gỡ. 6 điều kiện tiên quyết phụ thuộc vào thẩm quyền phê duyệt, chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Giao thông vận tải (GTVT). Trong đó, hai điều kiện liên quan đến việc thế chấp tài sản (quyền thu phí hoàn vốn, cổ phần của các cổ đông trong doanh nghiệp dự án); 3 điều kiện liên quan đến lãi suất vốn vay và phần hỗ trợ của Nhà nước cho Dự án; 1 điều kiện liên quan đến việc chuyển nhượng quyền và nghĩa vụ theo hợp đồng dự án.

Các vướng mắc trên nằm ngoài tầm xử lý của doanh nghiệp dự án nêu trên khiến nguồn tín dụng cho Dự án chưa được khơi thông. Mặt khác, Công ty TNHH Yên Khánh (nhà đầu tư) đang liên quan đến nhiều vụ án hình sự đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến các bên liên quan của Dự án. Đặc biệt, các ngân hàng tài trợ vốn cho Dự án yêu cầu phải thay thế Nhà đầu tư Yên Khánh và xác định đây là điều kiện tiên quyết để giải ngân vốn tín dụng.

Bên cạnh đó, phương án tài chính của Dự án Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận hiện cũng đang bị phá vỡ. Cụ thể, lãi suất vốn vay trong phương án tài chính được Bộ GTVT phê duyệt điều chỉnh tại Quyết định 1700 ngày 15/6/2017 là 7,82%/năm, thấp hơn lãi suất tại hợp đồng tín dụng đã ký với ngân hàng là 10,8%/năm (thấp hơn 2,98%/năm), do đó không giải ngân được vốn vay tín dụng do chênh lệch lãi suất theo quy định với hợp đồng tín dụng quá lớn. Đặc biệt, nguồn doanh thu thu phí tại Dự án Cao tốc TP.HCM - Trung Lương để hỗ trợ Dự án Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận theo phương án tài chính ban đầu cũng không thể thực hiện được do những quy định ràng buộc của Luật Quản lý tài sản công có hiệu lực thi hành từ 1/1/2018.

Tất cả những rắc rối nêu trên khiến tiến độ Dự án bị chậm trễ nghiêm trọng. Báo cáo của Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận cho thấy, đến nay mới triển khai thi công 19/21 gói thầu xây lắp, còn lại 2 gói thầu địa phương chưa bàn giao mặt bằng để triển khai thi công. 

Hai kịch bản tiếp nhận nhà đầu tư mới

Tiến độ của dự án phụ thuộc rất lớn vào quyết định cho phép nhà đầu tư mới tham gia vào Dự án cũng như những quyết sách từ cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Mới đây, Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT chấp thuận Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả (Tập đoàn Đèo Cả) tham gia liên danh nhà đầu tư, thay thế Công ty Yên Khánh để thúc đẩy tiến độ Dự án. Trước đề xuất của Công ty BOT Trung Lương - Mỹ Thuận, ông Trần Văn Thế - Phó chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả cho biết, Tập đoàn Đèo Cả đồng ý với đề xuất của liên danh nhà đầu tư và có kế hoạch hỗ trợ tiếp tục thực hiện Dự án để sớm hoàn thành tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận khi được các cấp thẩm quyền chấp thuận. Trước mắt, Tập đoàn Đèo Cả sẽ cử người tham gia vào cơ cấu nhân sự của liên danh, tham gia cơ cấu lại phương án vốn và kiểm toán Dự án, rà soát tổng mức đầu tư cho phù hợp với thực tế.

Trước khi được mời tham gia giải quyết các vấn đề tồn đọng tại Dự án, Tập đoàn Đèo Cả đã tham gia “giải cứu” Dự án Cao tốc Bắc Giang - Chi Lăng (Lạng Sơn). Báo cáo của Công ty CP BOT Bắc Giang - Lạng Sơn cho thấy, đến nay, khối lượng thi công cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn đã đạt 90%, bù được hai năm bị dừng và vượt tiến độ 10%, đảm bảo sẽ hoàn thành trong năm 2019.

Trở lại câu chuyện tại Dự án BOT Trung Lương - Mỹ Thuận, một nguồn tin từ doanh nghiệp dự án cho biết đang đề xuất 2 phương án để Tập đoàn Đèo Cả tham gia vào Dự án. Một là bổ sung nhà đầu tư mới vào doanh nghiệp dự án, hai là các cổ đông hiện tại của doanh nghiệp dự án đàm phán mua lại cổ phần của Công ty TNHH Yên Khánh sau đó chuyển nhượng lại cho Tập đoàn Đèo Cả.

Đại diện Tập đoàn Đèo Cả cho biết, tiến độ của dự án này ra sao hiện phụ thuộc rất lớn vào quyết định cho phép nhà đầu tư mới tham gia vào Dự án cũng như những quyết sách từ cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Tin cùng chuyên mục