TP.HCM nghiên cứu xây dựng hồ trữ nước thô

(BĐT) - Tại Hội thảo “Hồ trữ nước đảm bảo cung cấp nước an toàn cho TP.HCM” do Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Giao thông vận tải TP.HCM phối hợp cùng Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco) tổ chức, các nhà khoa học đã đưa ra nhiều khuyến nghị để phát triển bền vững nguồn nước cho Thành phố.
Nước mặm xâm nhập kéo dài có thể khiến các nhà máy nước ngưng trệ hoạt động. Ảnh: H.C - VnExpress
Nước mặm xâm nhập kéo dài có thể khiến các nhà máy nước ngưng trệ hoạt động. Ảnh: H.C - VnExpress

Nguy cơ thiếu nước sinh hoạt

Theo lãnh đạo Sawaco, nguồn nước cho TP.HCM ngày càng bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi nước biển dâng và sự sụt lún đất do khai thác nước ngầm quá mức. Bên cạnh đó là ô nhiễm nặng nề do nước thải sinh hoạt và công nghiệp của các vùng cư dân, khu công nghiệp thuộc TP.HCM và những vùng lân cận.

Hơn nữa, chất lượng nước ở sông Đồng Nai và sông Sài Gòn hiện đang khá thấp do hàm lượng chất hữu cơ cao. Lưu lượng dòng chảy của nước mưa lớn cũng làm ảnh hưởng xấu tới các yếu tố khác như màu sắc, hàm lượng mangan, trực khuẩn… Những thông số này đều vượt quá chuẩn cho phép của Việt Nam và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) về nước cấp cho cộng đồng. Hiện nay, kỹ thuật xử lý nước của Sawaco có khả năng loại bỏ được những tạp chất nói trên và đưa những thông số chất lượng nước về đúng tiêu chuẩn nước sạch.

Tuy nhiên, tình trạng xâm nhập mặn ngày càng gay gắt trên hệ thống sông Sài Gòn - Đồng Nai đang ngày càng nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động khai thác và sản xuất nước sạch của các nhà máy nước. Tiêu biểu là trong năm 2016, Nhà máy Nước Tân Hiệp đã nhiều lần phải tạm ngừng lấy nước thô do độ mặn vượt quá mức cho phép. Vì vậy, nếu không có biện pháp ứng  phó kịp thời, nguy cơ thiếu nước sinh hoạt đảm bảo chất lượng sẽ ngày một gia tăng.

Cần thiết xây dựng hồ trữ nước

Để phát triển bền vững nguồn nước cho TP.HCM, Sawaco đã đưa ra bản thảo kế hoạch gồm các biện pháp: xây dựng hồ chứa nước thô một ngày; xây dựng hồ chứa nước thô nhiều ngày; xây dựng hồ chứa nước thô đa chức năng; lắp đặt đường ống truyền dẫn nước thô từ hồ Dầu Tiếng (Bình Dương) về TP.HCM.

Trong đó, phương án cấp bách được đưa ra là xây dựng hồ trữ nước đa năng nhằm phục vụ cho việc sản xuất, cung ứng nước sạch. Sawaco đã đề xuất Thành ủy, UBND TP.HCM xây hồ dự trữ nước thô có dung tích 1,35 triệu m3 với diện tích 23 ha tại huyện Củ Chi, ngay trong giai đoạn 2016 - 2017.

Tại Hội thảo, đa số nhà khoa học và chuyên gia  đánh giá cao về tác dụng của hồ dự trữ nước thô trong việc cải thiện và tăng sự ổn định của chất lượng nước trước khi được xử lý tại nhà máy. Những hồ  này cũng sẽ rất có ích khi có sự cố tràn hóa chất công nghiệp hoặc nông nghiệp, cũng như khi hàm lượng Chloride tăng cực điểm do triều cường lên.

Bên cạnh phương án xây dựng hồ trữ nước thô, các chuyên gia cũng đánh giá cao các phương án khác như xây dựng đường ống truyền dẫn nước tới hồ Dầu Tiếng hay xây dựng hồ trữ nước đa năng vừa đóng vai trò cung cấp nước sạch, vừa đóng vai trò kiểm soát lũ, tưới tiêu, bảo vệ thiên nhiên...

Tin cùng chuyên mục