TP.HCM sẽ tận dụng PPP để phát triển hạ tầng

(BĐT) - Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TP.HCM (HFIC) đang hoàn thiện đề án huy động các nguồn vốn để đầu tư cho các dự án phát triển kết cấu hạ tầng. Theo đó, HFIC được kỳ vọng sẽ là một định chế tài chính quan trọng khởi tạo vốn nhằm phát huy tối đa các tiềm lực của TP.HCM trong các dự án PPP, đồng thời, giải bài toán khát vốn để phát triển hạ tầng TP.HCM trong giai đoạn 2016 - 2020.
Cơ hội để TP.HCM kêu gọi đầu tư theo hình thức PPP đang rõ nét hơn bao giờ hết. Ảnh: Đinh Tuấn
Cơ hội để TP.HCM kêu gọi đầu tư theo hình thức PPP đang rõ nét hơn bao giờ hết. Ảnh: Đinh Tuấn

Khung pháp lý giúp tăng tính khả thi

Ông Nguyễn Hồng Văn, Trưởng phòng PPP thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) TP.HCM cho biết, kể từ khi Nghị định 15/2015/NĐ-CP có hiệu lực thi hành, tính đến quý II/2016, Thành phố đã thực hiện kêu gọi đầu tư tổng cộng 19 dự án theo hình thức PPP (gồm các hình thức hợp đồng BOT, BT, BTO, BOO…) với tổng vốn đầu tư khoảng 1,56 tỷ USD. “Điều này phản ánh rất đúng tính năng động, sáng tạo của TP.HCM với phương châm luôn chủ động đề xuất, xây dựng, thực hiện nhiều cơ chế đa dạng hóa các hình thức huy động vốn ngoài ngân sách nhà nước để phát triển”, ông Văn khẳng định.

Hiện nay, danh mục các dự án kêu gọi đầu tư theo hình thức PPP đã bao quát tất cả các lĩnh vực như giao thông, môi trường, y tế, văn hóa, giáo dục… Đến thời điểm hiện nay, số lượng dự án đang xin chủ trương đầu tư, đang lập đề xuất dự án, thẩm định đề xuất dự án trong danh mục khoảng 66 dự án với tổng vốn đầu tư kêu gọi ước tính khoảng 215 tỷ USD. Để có được những con số khả quan nói trên, đại diện Sở KH&ĐT TP.HCM cho biết, điều quan trọng nhất là chính sách về đầu tư theo hình thức PPP ngày càng tiệm cận với thông lệ thế giới.

Theo đó, cơ hội để TP.HCM triển khai thực hiện kêu gọi đầu tư theo hình thức PPP được nhận diện rõ nét hơn bao giờ hết. Cụ thể, tính chủ động và thẩm quyền của các cơ quan có thẩm quyền ở địa phương được tăng lên nhờ chủ trương phân cấp trách nhiệm triệt để. Cơ chế này đã tạo điều kiện cho phép các cơ quan chuyên môn (sở, ngành) hoặc cơ quan cấp huyện được chịu trách nhiệm toàn bộ quy trình lựa chọn nhà đầu tư cũng như thực hiện ký kết, thực hiện các hợp đồng dự án nhóm C, B, tạo thuận lợi trong việc triển khai các dự án PPP tại những địa phương lớn như TP.HCM. Đồng thời, việc mở rộng lĩnh vực đầu tư và bổ sung thêm các hình thức hợp đồng PPP sẽ giúp đẩy mạnh việc thu hút đầu tư. Bên cạnh đó, tính khả thi của việc triển khai kêu gọi, lựa chọn nhà đầu tư cho các dự án PPP sẽ cao hơn trước đây.

Tận dụng nội lực để phát triển

Ông Phạm Phú Quốc, Tổng giám đốc HFIC cho biết, để duy trì tốc độ phát triển như hiện nay, TP.HCM sẽ cần đến nguồn vốn khoảng 1 triệu tỷ đồng. Dù đã triển khai nhiều kênh huy động vốn ngoài ngân sách nhưng tiềm năng của TP.HCM vẫn chưa được phát huy hết. Nhận diện nguồn lực nội tại để triển khai huy động vốn cho các dự án PPP nhằm phát triển hạ tầng là khâu then chốt. HFIC đang hoàn thiện đề án huy động vốn, huy động nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng bằng các dự án PPP để trình UBND Thành phố. “HFIC sẽ phát huy tốt hơn vai trò của mình, tạo bước đột phá trong huy động vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đô thị. Đây sẽ là điểm nhấn để TP.HCM thực hiện được phương châm “hạ tầng đi trước” cho cả nước” - ông Quốc khẳng định.

Chuyên gia Huỳnh Thế Du cho rằng, theo kinh nghiệm của các nước, một chiến lược tài chính, cụ thể là thiết lập cấu trúc vốn cho dự án một cách hợp lý, sẽ quyết định sự thành công của mô hình PPP. Vì vậy, cần xây dựng một cấu trúc tài trợ tiêu chuẩn cho một dự án PPP triển khai tại TP.HCM bao gồm: vốn khởi tạo, vốn chủ sở hữu và nợ.

Còn theo chuyên gia Trần Du Lịch: “Vốn mồi từ ngân sách của TP.HCM thực hiện vai trò thu hút đầu tư ngoài ngân sách là cách mà TP.HCM đã thực hiện từ lâu và thực sự hiệu quả. TP.HCM đã từng thành công với việc sử dụng vốn mồi và huy động được hàng ngàn tỷ đồng từ tư nhân cho lĩnh vực giáo dục”. Ông Lịch cũng cho rằng, trong thời gian tới, cần ưu tiên tập trung vốn mồi cho các dự án hạ tầng giao thông.

TP.HCM sẽ tận dụng PPP để phát triển hạ tầng ảnh 1
TS. Trần Du Lịch:
“PPP cần được luật hóa hơn bao giờ hết để phát huy hết vai trò của một kênh huy động vốn hiệu quả cho các dự án phát triển kết cấu hạ tầng. Riêng tại TP.HCM cần có một tổ chức tài chính đầu mối để trở thành nơi khởi tạo vốn hiệu quả cho các dự án PPP. HFIC cần được sử dụng như một công cụ hiệu quả nhất để thu hút nguồn vốn đầu tư cho kết cấu hạ tầng”. 

Tin cùng chuyên mục