Tranh luận về 3 phương án thiết kế cầu vượt sông Hương

(BĐT) - Lần thứ 3 tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức thi tuyển thiết kế kiến trúc công trình cầu vượt sông Hương trên đường Nguyễn Hoàng (TP. Huế), tuy nhiên 3 tác phẩm lấy ý kiến lần này vẫn chưa nhận được đánh giá cao của giới chuyên môn và cộng đồng. Bên cạnh đó, việc địa phương này không công bố thiết kế của 15 phương án dự thi đã làm giảm tính khách quan của cuộc thi.
1 trong 15 phương án thiết kế cầu vượt sông Hương (TP. Huế)
1 trong 15 phương án thiết kế cầu vượt sông Hương (TP. Huế)

Sở Xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế (cơ quan thường trực Hội đồng thi tuyển) vừa kết thúc thời gian công bố, lấy ý kiến cộng đồng về 3 phương án thiết kế kiến trúc công trình cầu vượt sông Hương trên đường Nguyễn Hoàng. Theo đó, 3 phương án đã vượt qua bước 1 gồm: Phương án có mã số dự thi D781 của Công ty CP Kiến trúc Lập Phương - CUBIC Architects; Phương án có mã số dự thi V126 của Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng và Thực nghiệm kiến trúc và xây dựng thuộc Trường Đại học Kiến trúc TP.HCM; Phương án có mã số dự thi I156 (phương án 2) của Liên danh Công ty TNHH WSP Phần Lan - Công ty CP Tư vấn Kỹ thuật E&R. Các phương án này sau khi được công bố, lấy ý kiến cộng đồng sẽ vào bước 2 chấm thi tuyển.

Theo tìm hiểu của Báo Đấu thầu, Hội đồng thi tuyển đã nhận được 15 phương án thiết kế của 11 đơn vị gửi tham gia thi tuyển. Trong đó có 3 phương án của đơn vị liên danh gồm công ty thiết kế kiến trúc trong nước và quốc tế.

Về 3 phương án được lựa chọn, ông Nguyễn Tấn Vạn, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, thành viên Hội đồng thi tuyển cho biết, Hội đồng tiến hành phân tích phương án và bỏ phiếu kín để lựa chọn các phương án bước vào vòng 2. 3 phương án này được Hội đồng lựa chọn với quan điểm cầu không được làm to, làm cao, lấn át các cảnh quan văn hóa, lịch sử xung quanh (như 2 bờ sông Hương, núi Ngự, chùa Thiên Mụ, cũng như đặc trưng và nếp sống của con người xứ Huế…). Hội đồng cũng loại những tác phẩm hoành tráng, phô trương các kỹ thuật, công nghệ, hình thức về cầu, giao thông, mà chú trọng những phương án thiết kế cầu hài hòa với cảnh quan, giúp kết nối du lịch 2 bên bờ sông.

Tuy nhiên, sau 9 ngày công bố và lấy ý kiến chính thức, có một số quan điểm cho rằng, 3 phương án thiết kế vượt qua bước 1 chưa thực sự ấn tượng. Ths. Hoàng Minh Sơn, kỹ sư cầu đường, cho rằng, cây cầu được xây dựng không chỉ mang ý nghĩa để vượt qua sông mà còn ý nghĩa về văn hóa, lịch sử, biểu tượng của hiện tại và tầm nhìn về tương lai. Huế là một địa phương có nhiều nét khác biệt về lịch sử, văn hóa, con người. Do vậy, khi lựa chọn một cây cầu, cần tìm sự khác biệt so với những cây cầu trước đây, vừa mang nét cổ kính của cố đô vừa mang tính hiện đại, vừa rực rỡ ban ngày vừa hoa lệ vào ban đêm. Khi đánh giá nên đưa nhiều tiêu chí, càng nhiều tiêu chí càng tốt. Ngoài ra, vẻ đẹp kiến trúc và đặc trưng của một cây cầu thể hiện ở nhiều yếu tố, từ 2 đường dẫn đầu cầu, lan can, trụ cầu, mố cầu, đường cong mềm mại, đến chiếu sáng, cây cảnh, chỗ người dân đi bộ, thưởng ngoạn ngắm cảnh, thậm chí là nơi tổ chức các sự kiện lớn (nếu có). Mục đích là để cho thế hệ tương lai nhìn vào, bạn bè quốc tế thấy rõ sự sáng tạo của người Việt Nam, đồng thời thu hút khách du lịch.

Bên cạnh đó, tất cả các phương án đề xuất (15 phương án tham gia dự thi) phải được tôn trọng và xem xét. Nên công bố rộng rãi 15 phương án này trên các phương tiện thông tin đại chúng để xin ý kiến tham khảo, có thêm nhiều góc nhìn từ các chuyên gia, các nhà văn hóa, lịch sử, các nhà quy hoạch… Ý kiến của người dân cần khách quan, tránh trường hợp một người có nhiều phiếu ảo và mỗi ý kiến cần nêu lý do lựa chọn so với các phương án khác dựa trên các tiêu chí được đưa ra. Ý kiến của người dân là cơ sở tham khảo để Hội đồng đánh giá. Hội đồng đánh giá cần có nhiều thành phần hiểu biết về chuyên môn, văn hóa, lịch sử, quản trị và thẩm mỹ thì mới có cái nhìn toàn diện, lựa chọn được phương án tối ưu.

Trong khi đó, ông Nguyễn Tấn Vạn cho rằng, không cần thiết phải công bố các phương án kiến trúc đã bị loại. Quy chế thi tuyển là chỉ công bố những phương án được Hội đồng bình chọn và đưa ra lấy ý kiến công chúng.

Tin cùng chuyên mục