Từ nhà thầu Việt trở thành nhà đầu tư dự án PPP

(BĐT) - Trong bối cảnh cụ thể tại Việt Nam ở giai đoạn đầu phát triển các dự án PPP, những cơ hội và thách thức nào là phổ biến đối với các nhà đầu tư trong nước khi tham gia dự án PPP? 
Cầu dầm thép ngã tư Trần Duy Hưng - Hoàng Minh Giám (Hà Nội) do Tổng công ty Thăng Long thi công
Cầu dầm thép ngã tư Trần Duy Hưng - Hoàng Minh Giám (Hà Nội) do Tổng công ty Thăng Long thi công

Trả lời câu hỏi này, ông Lê Văn Tăng, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu chia sẻ với Báo Đấu thầu dưới góc nhìn của một chuyên gia về PPP.

Lớn lên từ nhà thầu

Mở đầu câu chuyện về nhà đầu tư PPP ở Việt Nam, ông Lê Văn Tăng chia sẻ từ khái niệm. Theo ông Tăng, khái niệm nhà đầu tư từ trước đến nay chúng ta quen nói đến là nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài trong các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Trước đây, khái niệm nhà đầu tư thông thường được hiểu là một nhà sản xuất kinh doanh, khi thấy thị trường có nhu cầu thì đầu tư để sản xuất kinh doanh hoặc cung cấp dịch vụ nhằm thu được lợi nhuận.

Ông Tăng cho biết: “Hơn 10 năm trước, ở Việt Nam xuất hiện các khái niệm nhà đầu tư BOT và BT.  Lúc đó, cần hiểu rằng nhà đầu tư thực hiện các dự án BOT, BT là nhà đầu tư thực hiện các dự án do Chính phủ đưa ra, chứ không phải do nhà đầu tư thấy thị trường cần. Các nhà đầu tư thực hiện dự án BOT, BT giai đoạn đầu chủ yếu là nhà đầu tư nước ngoài, chỉ khoảng 5-7 năm trở lại đây mới có nhà đầu tư Việt Nam thực hiện các dự án BT, BOT trong lĩnh vực giao thông. Đây thực chất là các nhà thầu nhận dự án để làm với tư duy ban đầu là tạo công ăn việc làm cho cán bộ, công nhân viên. Tư duy ban đầu để đầu tư theo đúng nghĩa là chưa có, mà là tư duy nhận các công trình cho có việc để làm trong bối cảnh nhận thầu ngày càng khó”.

“Từ thực trạng đó, có thể khẳng định có sự khác nhau giữa nhà đầu tư thông thường và nhà đầu tư thực hiện dự án PPP và cũng nhận ra một điều: Gọi là nhà đầu tư nhưng trên thực tế xuất phát từ nhà thầu. Lúc đầu vì công ăn việc làm mà bước sang làm nhà đầu tư, chứ không phải vì đầu tư sinh lời mà làm nhà đầu tư” – ông  Tăng nêu nhận xét và cho biết thêm: “Ngoài giao thông, các dự án xã hội hoá đầu tư ở các lĩnh vực khác hầu như có rất ít nhà đầu tư PPP của Việt Nam”.

Từ khi Nghị định 15/2015/NĐ-CP và Nghị định 30/2015/NĐ-CP ra đời đã giúp chúng ta hiểu rõ hơn thế nào là nhà đầu tư dự án PPP. Với nhu cầu đầu tư phát triển kinh tế - xã hội ngày càng lớn, trong khi khả năng huy động vốn ODA ngày càng khó, nguồn vốn ngân sách cũng giảm, khả năng cân đối vốn thấp nên việc đầu tư theo hình thức PPP là yêu cầu cấp bách và không thể khác được. Nhà thầu Việt đã nhận ra điều này và họ bắt đầu đi trên 2 vai: vừa là nhà thầu vừa là nhà đầu tư.  Tại Việt Nam hiện nay, nhiều nhà đầu tư trong nước là các nhà thầu xây dựng – ông Tăng đúc kết.

Thuận lợi, thách thức buổi ban đầu

Hạn chế, khó khăn của nhà thầu - nhà đầu tư Việt bắt nguồn từ sự khác nhau giữa thực hiện dự án PPP và thực hiện dự án đầu tư công truyền thống.
Xuất phát từ đặc điểm nhà đầu tư chủ yếu chuyển từ vai nhà thầu sang, ông Lê Văn Tăng cho rằng có những thuận lợi và khó khăn phổ biến của nhà đầu tư Việt trong các dự án PPP.

Theo đó, tại một số nước có thị trường PPP phát triển ở trình độ cao, các nhà đầu tư có thể là những nhà đầu tư chuyên nghiệp, như các quỹ đầu tư có nguồn tài chính dồi dào, có kinh nghiệm phát triển dự án và có mối quan hệ gần gũi với các nhà thầu thi công, các nhà cung cấp. Các nhà đầu tư này đóng vai trò là người tổ chức thực hiện dự án, và đứng ra đàm phán với tất cả các bên còn lại để triển khai thực hiện dự án. Nhà đầu tư không là nhà thầu nên khi triển khai dự án PPP họ phải liên danh với nhà thầu hoặc lựa chọn các nhà thầu để thực hiện thi công công trình, dự án.

“Còn ở Việt Nam, khi phát triển từ nhà thầu trở thành nhà đầu tư, một trong những thuận lợi là phần lớn công việc khi triển khai thi công công trình, dự án họ làm luôn. Thêm vào đó, vì nhà thầu và nhà đầu tư là một nên trong quá trình điều hành, triển khai sẽ có những thuận lợi nhất định”.

“Tuy nhiên, vì chính họ tự làm nên không tạo ra được thị trường cạnh tranh. Mà chỉ có cạnh tranh mới tạo ra các bứt phá, sáng tạo, có cơ hội đưa ra nhiều giải pháp tối ưu hơn. Đây chính là một bất lợi, thách thức”.

Một bất lợi khác, theo ông Tăng: “Là vì chưa quen với vai trò nhà đầu tư nên cách hành xử vẫn mang dáng dấp của nhà thầu.  Có nghĩa là vẫn “ăn xổi”, chăm chăm vào việc tạo ra công ăn việc làm và có một chút lợi nhuận trong quá trình thi công ban đầu. Mảng quản lý, vận hành, khai thác dự án để thu phí, thu dịch vụ thường yếu. Trong quá trình tính toán cứ chăm chăm tính tổng mức đầu tư mà chưa chú ý đến tổng vốn đầu tư. Tổng mức đầu tư là chi phí xây dựng ban đầu công trình đó – giống như tổng mức đầu tư của dự án đầu tư công truyền thống. Còn tổng vốn đầu tư là tổng mức đầu tư ban đầu, cộng với chi phí  quản lý, vận  hành, duy tu, bảo dưỡng, lãi vay… trong suốt quá trình vận hành dự án - có thể kéo dài 20 - 30 năm. Mà việc tính toán chi phí quản lý, vận hành,…  dự án thì nhà thầu - nhà đầu tư Việt chưa có nhiều kinh nghiệm. Trong khi với một dự án PPP thì đầu ra mới là quan trọng. Chất lượng và hiệu quả của công trình/dự án phải tính trong 20 - 30 năm, hiệu quả đầu tư là hiệu quả tổng hợp của cả đầu tư ban đầu và quá trình vận hành, duy tu, bảo dưỡng… trong suốt vòng đời dự án”.

Ông Tăng nhấn mạnh đến hạn chế, khó khăn của nhà thầu - nhà đầu tư Việt bắt nguồn từ sự khác nhau giữa thực hiện dự án PPP và thực hiện dự án đầu tư công truyền thống. Với dự án đầu tư công truyền thống mà các nhà thầu quen làm thì chỉ “chăm chăm” đầu vào hết bao nhiêu sắt thép, bao nhiêu xi măng,… để ra được tổng mức đầu tư là nhỏ nhất. Việc cân nhắc hiệu quả đầu tư chủ yếu dựa trên chi phí xây dựng nên không phản ánh được một cách đầy đủ về chi phí toàn bộ vòng đời của dự án. Mặt khác, nhà thầu thiết kế và xây dựng dự án thường không vận hành dự án nên quá trình thiết kế, xây dựng không chú trọng vào việc tối ưu hóa hiệu quả trong quá trình hoạt động cũng như giảm chi phí vận hành, bảo trì, bảo dưỡng. Điều này không chỉ nhà thầu, mà nhiều cơ quan quản lý nhà nước cũng chưa kịp chuyển đổi nhận thức.

Khó khăn, thách thức thứ hai là liên quan đến vốn. Theo ông Tăng, khi thực hiện dự án với tư cách nhà thầu thì việc vay tiền là ngắn hạn, thường chỉ trong vòng 6 tháng đến 1 năm thì chủ đầu tư thanh toán cho nhà thầu. Nhưng khi thực hiện dự án với vai trò là nhà đầu tư thì cần vốn lớn và phải mất thời gian dài, có thể lên đến 20, 30 năm mới hoàn vốn. Nhà thầu, nhà đầu tư trong nước phần lớn ít vốn và thường phải đi vay ngân hàng. Nhưng ngân hàng cũng chưa chuyển đổi kịp tư duy theo dự án PPP. Vì trước đây chỉ quen cho vay theo thời hạn ngắn – cho nhà thầu vay - thực hiện dự án đầu tư công truyền thống. Nay cho vay dự án PPP phải dài hạn, có thể lên đến 20, 30 năm.

Tin cùng chuyên mục