Vận hành gần 90 dự án điện mặt trời: Giảm áp lực vốn xây công trình nguồn điện

(BĐT) - Thông tin mới nhất từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, dự kiến vào ngày 30/6 tới, 88 dự án điện mặt trời sẽ vận hành thương mại thành công, hưởng mức giá bán điện 9,35 cent/kWh theo Quyết định 11/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. 
Vận hành 88 dự án điện mặt trời chỉ trong 3 tháng là một kỷ lục trong lịch sử ngành điện Việt Nam. Ảnh: Lê Toàn
Vận hành 88 dự án điện mặt trời chỉ trong 3 tháng là một kỷ lục trong lịch sử ngành điện Việt Nam. Ảnh: Lê Toàn

Việc vận hành hàng loạt dự án điện mặt trời sẽ góp phần đáng kể giảm áp lực thu xếp vốn xây dựng các công trình nguồn điện của Chính phủ, các tập đoàn nhà nước.

Đây là một kỷ lục trong suốt lịch sử ngành điện lực Việt Nam về số lượng các nhà máy điện mới đóng điện, hòa lưới lần đầu tập trung trong một khoảng thời gian ngắn (chỉ trong 3 tháng), góp phần đảm bảo cung ứng điện đầy đủ, phục vụ kinh tế quốc dân.

Các dự án điện mặt trời vận hành mới tập trung chủ yếu tại khu vực miền Nam (khoảng 50 dự án), miền Trung có gần 30 dự án, miền Bắc gần 10 dự án. Trong số này có nhiều dự án do tư nhân đầu tư. Một số dự án điển hình nằm trong danh sách 88 dự án điện mặt trời này là: Nhà máy Điện mặt trời Phan Lâm 2 (Bình Thuận) công suất 50 MW do Công ty TNHH Năng lượng Phan Lâm đầu tư với tổng vốn đầu tư 1.202 tỷ đồng; Nhà máy Điện mặt trời Cà Mau (Cà Mau) do Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ  Long Hưng làm chủ đầu tư; Nhà máy Điện mặt trời Bình An (Bình Thuận) công suất 50 MW do Công ty TNHH Năng lượng Everich Bình Thuận đầu tư với tổng vốn đầu tư 1.220 tỷ đồng…

Ông Nguyễn Đức Ninh, Phó Giám đốc Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia cho biết, việc khuyến khích đầu tư vào các dự án điện mặt trời giúp giảm áp lực về việc thu xếp vốn xây dựng các công trình nguồn điện của Chính phủ, các tập đoàn nhà nước, từ đó góp phần tăng cường an ninh năng lượng quốc gia. Hơn nữa, các dự án năng lượng tái tạo vận hành cũng góp phần giảm bớt sự thiếu hụt về năng lượng tại miền Nam.

Đại diện Trung tâm Phát triển sáng tạo xanh thuộc Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cũng tán thành, đây là nguồn năng lượng sạch, khi được nối lưới đẩy vào hệ thống điện sẽ góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Tuy nhiên, với việc vận hành thương mại hàng chục dự án điện mặt trời trong khoảng thời gian ngắn, đại diện Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia cho biết một số khó khăn như: vấn đề quá tải; tính bất định công suất phát; chất lượng điện; các vấn đề liên quan đến cơ chế giảm nguồn khí phát thải, tiêu chuẩn kỹ thuật; tiêu chuẩn vận hành...

Trao đổi với Báo Đấu thầu, một lãnh đạo EVN từng lo lắng bày tỏ, điện mặt trời phụ thuộc rất nhiều vào biến động thời tiết nên ảnh hưởng nhiều đến tần số và điện áp của hệ thống điện, gây dao động hệ thống điện. Việc giải tỏa công suất điện mặt trời khi hàng loạt dự án vận hành cũng là trở ngại do việc đầu tư lưới điện không đáp ứng tiến độ các dự án điện mặt trời…

Dù vậy, để chuẩn bị tốt nhất cho công tác vận hành gần 90 dự án điện mặt trời, thời gian qua, nhiều hoạt động liên quan đã được EVN tổ chức. Tháng 3/2019, EVN đã tổ chức Hội nghị hướng dẫn thủ tục công nhận vận hành thương mại cho gần 100 nhà đầu tư điện mặt trời. Tại hội nghị này, các chủ đầu tư và các đơn vị phía EVN đã trao đổi, thảo luận để làm rõ một số vấn đề kỹ thuật trên thực tế, cũng như kiến nghị về các công tác, quy trình, thủ tục phục vụ việc vận hành các nhà máy điện mặt trời.

Tin cùng chuyên mục