Vì sao hình thức đầu tư PPP đơn điệu và trầm lắng?

(BĐT) - Việc dịch chuyển dần từ đầu tư hạ tầng bằng 100% vốn nhà nước sang huy động nguồn lực tư nhân tham gia là xu hướng tất yếu của tái cơ cấu đầu tư công. 
Phần lớn dự án PPP áp dụng hình thức chỉ định nhà đầu tư ngay từ bước đầu hoặc sau sơ tuyển, khi chỉ có 1 nhà đầu tư tham gia dự án. Ảnh: Lê Công
Phần lớn dự án PPP áp dụng hình thức chỉ định nhà đầu tư ngay từ bước đầu hoặc sau sơ tuyển, khi chỉ có 1 nhà đầu tư tham gia dự án. Ảnh: Lê Công

Tuy nhiên, do hàng loạt “nút thắt” khách quan và chủ quan mà đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) đã và đang phải đối mặt khiến cho việc áp dụng hình thức đầu tư này bị chậm so với kỳ vọng.

Kết quả thực hiện PPP khiêm tốn

Mặc dù Nghị định số 15/2015/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức PPP (Nghị định 15) và Nghị định số 30/2015/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư (Nghị định 30) được xem là yếu tố then chốt để đẩy mạnh việc thu hút đầu tư tư nhân, cơ bản đáp ứng nguyên tắc thị trường, nhưng việc triển khai các dự án PPP vẫn rất hạn chế. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), số lượng dự án PPP mới đã lựa chọn được nhà đầu tư và đi vào vận hành hơn 1 năm qua là vô cùng ít ỏi. Các dự án PPP thuộc các bộ, ngành phần lớn thực hiện theo loại hợp đồng BOT, tại địa phương thì phổ biến với hình thức hợp đồng BT. Còn các dự án theo hình thức hợp đồng mới BTL, BLT (Nhà nước thanh toán cho nhà đầu tư dựa trên chất lượng dịch vụ) hoặc O&M vẫn chưa được quan tâm triển khai. Những dự án mới được thực hiện theo Nghị định 15 chủ yếu đang trong giai đoạn chuẩn bị dự án - lập đề xuất dự án, báo cáo nghiên cứu khả thi hoặc lựa chọn nhà đầu tư.

Theo thống kê số liệu trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, đến nay mới có khoảng 30 dự án PPP của 12 bộ, ngành, địa phương đã và đang thực hiện lựa chọn nhà đầu tư theo Nghị định 30 (trong đó 8 dự án đã chọn được nhà đầu tư), tuy nhiên hầu hết đều áp dụng hình thức chỉ định nhà đầu tư ngay từ bước đầu hoặc sau sơ tuyển khi chỉ có 1 nhà đầu tư tham gia dự án.

Tại văn bản báo cáo gửi Bộ KH&ĐT mới đây, Bộ Công Thương cho biết, đối với lĩnh vực điện, hiện vẫn chưa triển khai dự án PPP nào theo quy định mới. Bên cạnh đó, theo tổng hợp của Bộ KH&ĐT, các lĩnh vực y tế, giáo dục, nông nghiệp hơn 1 năm qua có thu hút được nguồn vốn đầu tư tư nhân nhưng chủ yếu thông qua hình thức xã hội hóa đầu tư. 

Không ít rào cản khó vượt qua

Mới có khoảng 30 dự án PPP của 12 bộ, ngành, địa phương đã và đang thực hiện lựa chọn nhà đầu tư theo Nghị định 30 (trong đó 8 dự án đã chọn được nhà đầu tư)
Trong văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình thực hiện Nghị định 15 và Nghị định 30, Bộ KH&ĐT đã thẳng thắn chỉ ra hàng loạt tồn tại, khó khăn dẫn tới kết quả thực hiện PPP hạn chế, thậm chí là có những phản ánh tiêu cực trong xã hội. Nguyên nhân đầu tiên phải kể đến là thiếu quyết tâm chính trị và đồng thuận của các cấp trong triển khai PPP. Dù Đảng và Nhà nước đã có định hướng tạo mọi điều kiện và nguồn lực để thu hút đầu tư tư nhân, song định hướng chưa được cụ thể hóa bằng hành động trong quá trình lựa chọn dự án tốt, ưu tiên phân bổ vốn đầu tư công và nhân sự phù hợp để triển khai. Thêm vào đó, sự ủng hộ, đồng thuận và quyết tâm của các bộ, ngành để cùng hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn trong quá trình triển khai dự án PPP còn rất hạn chế, ngay cả đối với những dự án đã được Chính phủ xác định là dự án PPP tiên phong. Dẫn chứng là Dự án Đầu tư đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết sau hơn 7 năm triển khai vẫn đang trong giai đoạn xin ý kiến, hoàn thiện cơ chế.

Bên cạnh đó, theo Bộ KH&ĐT, một nguyên nhân khác khiến việc áp dụng PPP tại Việt Nam bị chậm trễ là do thiếu sự định hướng, hỗ trợ tập trung ở cấp Trung ương trong giai đoạn đầu triển khai. Sự phân cấp triệt để về quy trình thực hiện các dự án PPP trong bối cảnh các quy định pháp lý chưa hoàn thiện cùng với nguồn lực về tài chính và năng lực, kinh nghiệm rất hạn chế là trở ngại lớn. Sự chỉ đạo, định hướng từ Ban Chỉ đạo về PPP còn chưa được quán triệt đến các cấp thực hiện. Hiện vẫn thiếu một trung tâm đầu mối có chuyên môn cao để kịp thời hướng dẫn, hỗ trợ và tăng cường năng lực về PPP cho các bộ, ngành, địa phương có dự án PPP.

Ngoài ra, Bộ KH&ĐT còn chỉ rõ những rào cản khác mà các dự án PPP đang phải đối mặt hiện nay là khung pháp lý về PPP vẫn còn thiếu và yếu; bộ máy đầu mối, nhân sự thực hiện PPP tại các bộ, ngành, địa phương chưa được rõ ràng, chủ yếu là kiêm nhiệm và năng lực chưa đáp ứng yêu cầu; môi trường đầu tư PPP tại Việt Nam vẫn chưa bảo đảm tính cạnh tranh, minh bạch; không có nguồn lực tài chính để chuẩn bị tốt các dự án PPP trước khi đưa ra thị trường…

Tin cùng chuyên mục