Vốn đầu tư giảm 2,5 lần trong bản quy hoạch mới của ngành than

Tổng nhu cầu vốn đầu tư cho ngành than đến năm 2030 sẽ giảm hơn 2,5 lần so với bản quy hoạch cũ.
Ông Nguyễn Khắc Thọ đang giải đáp các ý kiến về Quy hoạch ngành Than điều chỉnh. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)
Ông Nguyễn Khắc Thọ đang giải đáp các ý kiến về Quy hoạch ngành Than điều chỉnh. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Đây là một điểm mới được đưa ra tại buổi họp công bố Quy hoạch phát triển ngành than Việt Nam đến năm 2020, có xét triển vọng đến năm 2030 điều chỉnh, do Bộ Công Thương tổ chức sáng 31/8, tại Hà Nội.

Theo ông Trịnh Đức Duy, Phó Vụ trưởng Vụ công nghiệp Than, tại quy hoạch điều chỉnh, nhu cầu vốn đầu tư cho ngành than đến năm 2030 dự kiến khoảng 269.003 tỷ đồng.

Trong khi đó, tại Quyết định số 60/QĐ-TTg ngày 09/1/2012 (Quy hoạch 60), tổng nhu cầu vốn đầu tư cho ngành than đến năm 2030 khoảng 690.973 tỷ đồng (bình quân 34.549 tỷ đồng/năm). Riêng giai đoạn 2016-2020, nhu cầu đầu tư khoảng 109.156 tỷ đồng (bình quân 21.831 tỷ đồng/năm).

Như vậy, mức giảm vốn đầu tư đến năm 2030 của ngành than so với quy hoạch cũ lên tới 421.970 tỷ đồng.

Giải thích về việc điều chỉnh quy hoạch, ông Nguyễn Khắc Thọ, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục năng lượng (Bộ Công Thương) cho biết, mặc dù việc thực hiện quy hoạch 60 thời gian qua đã đáp ứng được nhu cầu năng lượng trong nước.

Tuy vậy, trước sự phát triển của các ngành sử dụng nhiều năng lượng như nhiệt điện, ximăng... đã có nhiều thay đổi, do vậy bản quy hoạch cũng cần có sự cập nhật cho phù hợp với thực tế.

Liên quan đến việc điều chỉnh vốn, theo quy hoạch ngành than điều chỉnh, sản lượng than thương phẩm sẽ giảm rất mạnh, cụ thể vào năm 2020 đạt từ 47-50 triệu tấn sau đó nâng lên 55-57 triệu tấn vào năm 2030. 

Trong khi yêu cầu đề ra cho quy hoạch cũ (Quy hoạch 60) thì sản lượng than khai thác lên tới 60-65 triệu tấn vào năm 2020, sau đó nâng lên trên 75 triệu tấn vào năm 2030.

Do vậy, việc giảm sản lượng khai thác cũng là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới giảm nhu cầu về vốn đầu tư.

Để đảm bảo đủ nguồn vốn, ông Thọ cho biết thêm, trong quy hoạch điều chỉnh đã tính tới nhiều phương án, trong đó sẽ hướng tới việc đa dạng hình thức huy động vốn, gồm các hình thức BOT, PPP... 

"Mục tiêu phát triển ngành than là đáp ứng yêu cầu của các hộ tiêu thụ trong nước và mục tiêu cao nhất là đảm bảo an ninh năng lượng" ông Thọ nói.

Lãnh đạo Tổng cục năng lượng cũng khẳng định, mặc dù là ngành kinh doanh có điều kiện, nhưng các doanh nghiệp khác nếu có đủ điều kiện cũng khuyến khích nhập khẩu than và điều này sẽ không ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của TKV.

"Phải làm chủ được nguồn, trong khi năng lực sản xuất có hạn, trên cơ sở đảm bảo phát triển bền vững nếu thiếu thì cho phép nhập khẩu," ông Thọ nói thêm./.

Tin cùng chuyên mục