Vừa đầu tư vừa dò đường

(BĐT) - Trong những năm gần đây, nhiều doanh nghiệp (DN) Việt Nam đã mạnh dạn đẩy mạnh đầu tư ra nước ngoài (ODI) vào khu vực Mê Kông, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp. Nhưng do thiếu kinh nghiệm và chưa có sự chuẩn bị kỹ lưỡng nên không ít DN đã gặp phải khó khăn.
Do thiếu kinh nghiệm và chưa có sự chuẩn bị kỹ lưỡng nên không ít doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài đang phải đối mặt với khó khăn.  Ảnh: Tường Lâm
Do thiếu kinh nghiệm và chưa có sự chuẩn bị kỹ lưỡng nên không ít doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài đang phải đối mặt với khó khăn. Ảnh: Tường Lâm

Dư địa đầu tư vào nông nghiệp còn nhiều

Tại Hội thảo Đầu tư bền vững trong lĩnh vực nông nghiệp của DN Việt Nam ở Tiểu vùng Mê Kông được tổ chức sáng ngày 17/2 tại Hà Nội, nhiều chuyên gia đánh giá, ODI của Việt Nam đang ngày càng đóng vai trò quan trọng đối với sự ổn định và phát triển của nền kinh tế. ODI giúp bù đắp sự thiếu hụt nguồn cung nguyên liệu trong nước, mở rộng thị trường, cũng như giúp củng cố vị thế của Việt Nam tại các quốc gia nhận đầu tư.

Tính đến đầu năm 2016, Việt Nam đã đầu tư sang 68 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có các quốc gia ở Tiểu vùng Mê Kông, đặc biệt Lào và Campuchia là hai quốc gia được nhiều DN Việt Nam lựa chọn đầu tư nhiều nhất (481 dự án với tổng vốn đăng ký 7,7 tỷ đồng). Những lĩnh vực ODI lớn nhất của Việt Nam gồm: khoáng sản, dầu khí, nông nghiệp, thủy điện, thông tin truyền thông, hạ tầng đô thị… Trong đó, nông lâm nghiệp đứng thứ hai trong cơ cấu ODI của Việt Nam và đứng thứ ba trong cơ cấu nhận đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và trong nước (DDI) của Lào và Campuchia trong giai đoạn 2011 - 2015.

Những DN Việt Nam đi tiên phong trong ODI vào lĩnh vực nông nghiệp khu vực Mê Kông (cao su, chế biến lâm sản...) có thể kể đến như Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam, Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai, Công ty Gemadept...

Chỉ tính riêng Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam, theo một báo cáo gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) năm 2016, trong giai đoạn 4 năm (2013 - 2016), DN này đã đầu tư 24 dự án phát triển cao su tại Lào (6 dự án) và Campuchia (18 dự án), với tổng mức đầu tư lên tới 27.405 tỷ đồng. Tính đến cuối năm 2015, DN này đã đầu tư lũy kế 15.934 tỷ đồng, với diện tích cao su đã trồng là 117.004 ha.

Vào tháng 7/2011, Công ty Gemadept cũng bắt đầu thí điểm trồng cao su tại Campuchia. Đến nay, Công ty đã khai hoang hơn 1.300 ha và trồng mới 1.030 ha với hàng trăm tỷ đồng vốn đầu tư... 

Khó khăn cũng không ít

Đầu tư nông nghiệp vào khu vực Mê Kông cũng tiềm ẩn những rủi ro do sự khác biệt về văn hóa, pháp luật và môi trường. Những khác biệt này có thể dẫn đến các tranh chấp và qua đó ảnh hưởng đến việc thực hiện dự án.
Theo ông Đoàn Thanh Nghị, Phó Trưởng phòng Phòng Đầu tư ra nước ngoài của Cục Đầu tư nước ngoài thuộc Bộ KH&ĐT, năm 1986, Việt Nam bắt đầu mở rộng ODI nhằm tìm kiếm thị trường và các đối tác mới. Từ năm 1989 đến hết năm 2015, Việt Nam đã đầu tư gần 20,8 tỷ USD ra nước ngoài thông qua 1.049 dự án. Tuy nhiên, ODI trong lĩnh vực nông nghiệp cũng còn khá mới mẻ, nhất là sau khi có Quyết định số 482/QĐ-TTg ngày 14/4/2010 của Thủ tướng Chính phủ về khuyến khích đầu tư, phát triển kinh tế đối ngoại vùng biên giới Việt Nam -Lào - Campuchia. Hiện chưa thể đánh giá hiệu quả cụ thể của các dự án ODI, bởi thông thường, các dự án này vẫn đang trong giai đoạn đầu tư từ 5 - 7 năm. Cho nên, có thể nói, các DN vẫn đang vừa đầu tư, vừa dò đường.

Tổ chức Oxfam cũng chỉ ra những hạn chế như nhiều DN còn thiếu thông tin về cơ chế, chính sách cũng như luật pháp quốc gia và công ước quốc tế; thiếu kế hoạch đầu tư và nghiên cứu kỹ lưỡng về tính khả thi của dự án ODI...

Bên cạnh những thành tựu như tạo công ăn việc làm, bổ sung nguồn nguyên liệu, mở rộng thị trường..., một số chuyên gia cho rằng, đầu tư nông nghiệp vào khu vực Mê Kông cũng tiềm ẩn những rủi ro do sự khác biệt về văn hóa, pháp luật và môi trường. Những khác biệt này có thể dẫn đến các tranh chấp và qua đó ảnh hưởng đến việc thực hiện dự án cũng như hình ảnh của nhà đầu tư Việt Nam trong khu vực.

Tập đoàn Cao su Việt Nam cho biết, trong giai đoạn 2014 - 2015, giá mủ cao su giảm sâu và trong năm 2016 tiếp tục giữ ở mức thấp. Với tình hình giá bán như hiện nay, có khả năng một số đơn vị thành viên của Tập đoàn sẽ bị lỗ khi sản xuất và tiêu thụ mủ nguyên liệu. Cùng với đó, khả năng tích lũy vốn chủ sở hữu để tái sản xuất và tiếp tục đầu tư hoàn chỉnh các dự án phát triển cao su tại Campuchia của Tập đoàn bị hạn chế. Đồng thời, cơ chế vay vốn hiện nay khá khó khăn dẫn đến áp lực lớn cho DN thành viên cũng như ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư của dự án.

Ông Đoàn Thanh Nghị cũng cho biết, quỹ đất đầu tư của Lào và Campuchia, đặc biệt là cao su, đang ngày càng bị thu hẹp. Ngoài ra, tình trạng xung đột, tranh chấp đất đai với người bản địa còn khá phổ biến. Thực tế, phía bạn còn đưa ra tỷ lệ khống chế lao động Việt Nam là không quá 10% đã gây ra không ít khó khăn cho DN.

Còn theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Ban Pháp chế của VCCI, đã đến lúc cần nhận diện thách thức để kịp thời hỗ trợ DN, xây dựng và phát triển những thương hiệu mạnh của Việt Nam vươn ra bên ngoài. Chỉ hỗ trợ từ phía Bộ KH&ĐT là không đủ, mà cần có sự chung tay, góp sức của cả cộng đồng DN, các cơ quan quản lý nhà nước, ngân hàng, tổ chức xã hội...

Tin cùng chuyên mục