Xây dựng cơ chế mạnh nhất cho Hội đồng điều phối vùng ĐBSCL

(BĐT) - Thời gian qua, các mô hình về điều phối vùng ĐBSCL hoạt động chỉ mang tính hình thức, tính liên kết yếu. Nguyên nhân chủ yếu là do không đủ thẩm quyền, thiếu nguồn lực. Theo các địa phương thuộc vùng ĐBSCL, để Hội đồng điều phối vùng ĐBSCL hoạt động thực sự hiệu quả, hiệu lực và thực chất thì cần xây dựng được cơ chế mạnh nhất, đủ quyền lực và nguồn lực để giải quyết những vấn đề mang tính chất liên vùng.
Hội đồng điều phối phải đủ quyền lực và nguồn lực để giải quyết vấn đề mang tính chất liên vùng
Ảnh: Lê Tiên
Hội đồng điều phối phải đủ quyền lực và nguồn lực để giải quyết vấn đề mang tính chất liên vùng Ảnh: Lê Tiên

Rõ ràng chức năng, nhiệm vụ

Hiện, ở vùng ĐBSCL có 2 mô hình điều phối liên kết vùng gồm: mô hình tổ chức tổ chức điều phối phát triển các vùng kinh tế trọng điểm giai đoạn 2015- 2020 của Vùng ĐBSCL (áp dụng với 4 địa phương: Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang, Cà Mau) và mô hình thí điểm liên kết vùng ĐBSCL. Tuy nhiên, các mô hình điều phối vùng này đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập như: chưa có một cơ chế xây dựng đồng thuận và thể hiện được lợi ích tập thể giữa các bên liên quan; Hội đồng vùng KTTĐ vùng ĐBSCL không có đủ thẩm quyền, thiếu nguồn lực, hoạt động hình thức, các địa phương vẫn chủ yếu hoạt động độc lập, tính liên kết yếu.

Được biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang nghiên cứu, đề xuất thể chế điều phối vùng ĐBSCL (nhằm tham mưu giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về các chủ trương phát triển liên vùng, các dự án hạ tầng, phát triển kết nối nội vùng, liên vùng; tham gia góp ý về cơ chế chính sách đặc thù và nguồn lực thực hiện), trong đó thành lập Hội đồng điều phối vùng do một Phó Thủ tướng Chính phủ làm Chủ tịch.

Trên cơ sở này, Bộ KH&ĐT phối hợp với Ngân hàng Thế giới nghiên cứu kinh nghiệm của thế giới, từ đó yêu cầu đơn vị Tư vấn (Haskoning và GIZ) đề xuất mô hình Hội đồng Điều phối vùng ĐBSCL xuất phát từ quan điểm: điều phối và chia sẻ nguồn lực chung cho các hoạt động toàn diện về kinh tế, xã hội, môi trường; cơ quan điều phối với bộ máy và cơ chế được hình thành với vai trò, nhiệm vụ rõ ràng, có đủ thẩm quyền, hiệu lực, hiệu quả và gắn liền với trách nhiệm giải trình. Ngoài ra, cho phép sự đóng góp và chia sẻ nguồn lực giữa các bên tham gia thực hiện các hoạt động liên kết (dựa trên quỹ tài chính hoặc thỏa thuận đối với từng nhiệm vụ cụ thể); cấu trúc thể chế rõ ràng, cơ chế tạo động lực khuyến khích các bên tham gia và một cơ sở dữ liệu thông tin chính xác để liên kết hiệu quả và bền vững.

Theo đó, Hội đồng điều phối vùng được đề xuất, có Chủ tịch là một đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ; Phó Chủ tịch thường trực là Bộ trưởng Bộ KH&ĐT, các Phó Chủ tịch gồm: Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn; Phó Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ; Tổng thư ký và các Ủy viên (đại diện 8 bộ, ngành và VPCP; đại diện 12 địa phương trong Vùng). Điểm mới của Hội đồng lần này là có đại diện của các doanh nghiệp cũng như các nhà khoa học để có phản biện khách quan đối với các cơ chế chính sách của Vùng.

Mạnh thể chế, mạnh nguồn lực và phải gắn kết với TP.HCM

Góp ý cho đề xuất của đơn vị Tư vấn về Hội đồng Điều phối vùng ĐBSCL (Hội đồng), ông Phan Văn Sáu, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng cho biết, 2 hạn chế lớn nhất trong thời gian qua mà các mô hình điều phối ĐBSCL không phát huy được hiệu quả, đó là thiếu quyền lực và nguồn lực. Do đó, để mô hình Hội đồng Điều phối vùng ĐBSCL đang được đơn vị Tư vấn đề xuất được khả thi thì cần thiết kế với quyền lực mạnh mẽ nhất.

Ông Phan Văn Sáu bày tỏ đồng tình cao với đề xuất của Bộ KH&ĐT về việc, Hội đồng không phải là cơ quan hành chính cấp vùng, không làm thay chức năng quản lý nhà nước của các bộ, ngành, UBND cấp tỉnh. Để Hội đồng Vùng phát huy được tính khả thi thì vấn đề nguồn lực tài chính cần được gắn kết chặt chẽ vào “quyền lực” của Hội đồng. “Bên cạnh nguồn vốn là khoản vay 1,05 tỷ USD mà Bộ KH&ĐT và Ngân hàng Thế giới đang xây dựng để hỗ trợ chính sách phát triển cho Vùng ĐBSCL thì cần tiếp tục huy động nhiều nguồn lực khác cho Vùng” – ông Sáu nhấn mạnh.

Bộ KH&ĐT sẽ tổng hợp các kiến nghị này của các địa phương và trình Thủ tướng Chính phủ về mô hình Hội đồng điều phối Vùng dựa trên các đề xuất cụ thể của địa phương. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng yêu cầu, đơn vị Tư vấn phải làm rõ nét hơn sự gắn kết của cả vùng ĐBSCL với TP.HCM theo hướng: ĐBSCL bổ sung những vấn đề gì cho TP.HCM và ngược lại TP.HCM tạo động lực, lan tỏa gì cho vùng ĐBSCL? Sự gắn kết này có thể là liên kết khoa học, giáo dục đào tạo, công nghệ… “Để tăng cường tính gắn kết, nếu các địa phương đề xuất mời Lãnh đạo của TP.HCM tham gia với vai trò Phó Chủ tịch Hội đồng thì đơn vị Tư vấn cũng nghiên cứu thêm” – Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Tin cùng chuyên mục