Xây dựng Luật PPP đầy đủ, chặt chẽ và hấp dẫn

(BĐT) - Chính phủ xác định Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) là một dự án luật mới, khó, phức tạp, phạm vi áp dụng và đối tượng liên quan rất rộng, đòi hỏi phải quy định đầy đủ, đồng bộ, chặt chẽ, hấp dẫn và minh bạch. Luật phải đảm bảo hài hòa giữa quyền lợi của Nhà nước, nhà đầu tư và người dân, đảm bảo tính ổn định xuyên suốt, thống nhất trong suốt vòng đời của dự án.
Cần có cơ chế chia sẻ rủi ro về doanh thu với các nhà đầu tư PPP nhưng không áp dụng tràn lan. Ảnh: Lê Tiên
Cần có cơ chế chia sẻ rủi ro về doanh thu với các nhà đầu tư PPP nhưng không áp dụng tràn lan. Ảnh: Lê Tiên

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh trong phần giải trình thêm trước Quốc hội tại phiên thảo luận về Dự thảo Luật PPP ngày 19/11.

Đa số đại biểu Quốc hội đánh giá cao tính cần thiết, cấp thiết của việc ban hành Luật PPP và cho rằng Dự án Luật PPP đã được Chính phủ chuẩn bị công phu, đảm bảo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; các chính sách đề xuất mới được đánh giá là cần thiết, phù hợp.

Đại biểu Trần Văn Tiến (đoàn Vĩnh Phúc) nhận xét, Luật PPP là dự án luật khó, vừa là luật hình thức quy định trình tự, thủ tục, vừa là luật nội dung quy định về cơ chế, chính sách nhằm điều chỉnh các quan hệ đầu tư PPP.

Báo cáo trước Quốc hội tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, cơ quan soạn thảo đã rà soát kỹ lưỡng các luật cơ bản, trực tiếp liên quan để đảm bảo tính thống nhất, chỉnh thể hệ thống pháp luật. Dự thảo Luật có quy định ưu tiên áp dụng các quy định đặc thù về PPP theo luật này, nhằm giảm thiểu tối đa các rủi ro chính sách và tăng hấp dẫn cho đầu tư PPP. “Nếu là dự án công thì quản lý theo Luật Đầu tư công, nếu là đầu tư tư thực hiện theo Luật Đầu tư. Dự án PPP là kết hợp công tư nên chưa có quy định ở đâu, cần xây dựng một luật riêng cho hình thức đầu tư này”, Bộ trưởng nói, đồng thời khẳng định, Chính phủ sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan của Quốc hội rà soát kỹ các nội dung của Dự thảo Luật PPP với các luật có liên quan (bao gồm các luật đang sửa đổi) để bảo đảm tuân thủ đúng Hiến pháp và đồng bộ pháp luật.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng làm rõ thêm, Dự thảo Luật có quy định Chính phủ hướng dẫn 14 điều là ở mức trung bình. Chính phủ sẽ phối hợp với các cơ quan của Quốc hội tiếp tục rà soát nội dung này để luật hóa tối đa các nội dung có thể, chỉ giao Chính phủ hướng dẫn các quy định mang tính kỹ thuật hoặc cần linh hoạt trong điều hành để đảm bảo tính ổn định và bền vững của Luật.

Về vấn đề được rất nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm là cơ chế chia sẻ rủi ro về doanh thu, người đứng đầu ngành kế hoạch và đầu tư cho biết, đây là một vấn đề rất lớn, vừa mới, vừa khó. Dự án PPP để xây dựng hạ tầng, dịch vụ công thuộc trách nhiệm của Nhà nước, nhà đầu tư bỏ tiền ra làm, sau đó vận hành và giao lại cho Nhà nước, nên phải có cơ chế chia sẻ rủi ro thỏa đáng với các nhà đầu tư thì họ mới yên tâm tham gia đầu tư. “Đây là cơ chế chia sẻ rủi ro chứ không phải cơ chế bảo lãnh, không áp dụng tràn lan, chỉ số ít dự án đặc biệt quan trọng và khi không thể điều chỉnh thời hạn thì mới thực hiện”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Dự thảo Luật sẽ tiếp tục được nghiên cứu để bổ sung thêm quy định về điều kiện, đối tượng áp dụng, nguồn tiền để xử lý khi phát sinh rủi ro, trong đó đặc biệt lưu ý việc tạo sự bình đẳng với cơ chế chia sẻ 50% giữa Nhà nước và tư nhân.

Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội)

Về mặt nguồn gốc, dự án PPP thực chất là dự án đầu tư công, nhưng khác ở chỗ là Nhà nước không phải bỏ vốn toàn bộ mà tư nhân bỏ vốn là chính. Cho nên ở đây phải có quá trình triển khai khác so với dự án đầu tư công... Dựa trên cơ sở chọn nhà đầu tư, trong quá trình triển khai dự án, Nhà nước chỉ kiểm tra, kiểm soát xem nhà đầu tư có tuân thủ đầy đủ các tiêu chuẩn, công năng đặt ra của dự án hay không. Còn chi phí cụ thể của dự án đó là nhà đầu tư bỏ tiền ra, nhà đầu tư phải chịu trách nhiệm, Chính phủ không phải can thiệp vào việc này... Việc quy định kiểm toán toàn bộ dự án đầu tư PPP không phải là đúng, chỉ nên thực hiện kiểm toán nhà nước đối với phần tiền Nhà nước bỏ ra, còn phần của tư nhân thì tư nhân phải chịu trách nhiệm. Nếu nhà đầu tư nào đầu tư tốt, tiết kiệm được các phần chi phí thì đấy chính là nguồn lợi của đầu tư được hưởng ngay trong quá trình đầu tư. Tôi cho rằng, trên cơ sở đó mới thực sự chọn được nhà đầu tư tốt, nhà đầu tư có kỹ năng, có trình độ cao để tiết kiệm và nâng cao hiệu quả đầu tư.

Đại biểu Nguyễn Hữu Toàn (đoàn Lai Châu)

Đối với cơ chế chia sẻ rủi ro phần hụt thu, bên cạnh việc giới hạn về đối tượng, cần quy định rõ chỉ thực hiện trong trường hợp do nguyên nhân khách quan, bất khả kháng chưa lường được trong hợp đồng PPP, hay do thay đổi chính sách tác động đến phương án tài chính của dự án, không áp dụng đối với trường hợp hụt thu do chủ quan, do năng lực yếu kém của nhà đầu tư.

Đại biểu Nguyễn Hồng Hải (đoàn Bình Thuận)

Tôi thống nhất và ủng hộ quy định ngay trong Luật nội dung Luật PPP được ưu tiên áp dụng khi có nội dung khác nhau giữa các luật như tại Khoản 2 Điều 3. Quy định chính sách ưu đãi bảo đảm đầu tư tại Chương VII, đặc biệt là cơ chế chia sẻ rủi ro về doanh thu tại Điều 77 đã thể hiện cam kết mạnh mẽ về sự đồng hành của Nhà nước với đối tác doanh nghiệp trong dự án PPP. Tuy nhiên, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung quy định về điều kiện chia sẻ rủi ro để tránh việc doanh nghiệp thiếu nỗ lực trong việc vận hành dự án và xây dựng phương án tài chính thiếu phù hợp.

Tin cùng chuyên mục