Sự kiện quy tụ nhiều nhà đầu tư, các tập đoàn công nghệ, công ty khởi nghiệp hàng đầu trong nước và khu vực. Ảnh: NIC |
Diễn đàn Đổi mới sáng tạo Việt Nam với chủ đề "Cưỡi trên ngọn sóng số" là sự kiện đầu tiên đánh dấu sự hợp tác giữa NIC, Forbes Vietnam và Do Ventures trong nỗ lực thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo tại Việt Nam. Đây cũng là năm thứ ba Báo cáo Đổi mới sáng tạo và Đầu tư công nghệ Việt Nam được phát hành trên cơ sở hợp tác giữa Do Ventures và NIC, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Với sự tham gia và chủ trì của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông, sự kiện quy tụ nhiều nhà đầu tư, các tập đoàn công nghệ, công ty khởi nghiệp hàng đầu trong nước và khu vực như công ty "kỳ lân" Insider, Tập đoàn SK, Quỹ STIC Investments, Quỹ Golden Gate Ventures… cùng với NIC - đại diện cho tiếng nói từ khu vực công.
Diễn đàn đã đưa ra bức tranh tổng quan hoạt động đổi mới sáng tạo tại Việt Nam năm 2022 và chia sẻ những xu hướng đầu tư mới nhất trên toàn cầu, cũng như các xu hướng công nghệ và những thay đổi dự báo sẽ xảy ra tại Việt Nam, qua đó tìm ra các cơ hội lớn để Việt Nam có thể nắm bắt trong thời gian tới.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho biết, thời gian qua, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo nhằm thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế bền vững. Ảnh: NIC |
Phát biểu khai mạc tại sự kiện, Thứ trưởng Trần Duy Đông nhấn mạnh, sự kiện công bố Báo cáo Đổi mới sáng tạo và Đầu tư công nghệ và Diễn đàn Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2023 được tổ chức vào thời điểm Việt Nam đang thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư quốc tế nhờ lợi thế chiều rộng và chiều sâu thị trường, mở ra cơ hội để các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, startups, doanh nhân khởi nghiệp lĩnh hội nhiều thông tin, kiến thức và góp phần đưa Việt Nam là trung tâm đổi mới sáng tạo và kỳ lân công nghệ của khu vực.
"Diễn đàn cũng đã nêu ra những đề xuất có giá trị cho Chính phủ và Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc nhằm xây dựng môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, phù hợp với kinh nghiệm thực tiễn của các quốc gia phát triển", Thứ trưởng Trần Duy Đông nhận xét.
Thứ trưởng Trần Duy Đông cho biết, thời gian qua, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo nhằm thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế bền vững. Với môi trường kinh doanh và đầu tư đang từng bước được cải thiện, hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ.
Theo đó, Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII), Chỉ số Cạnh tranh toàn cầu (GCI) của Việt Nam đều được cải thiện và xếp ở thứ hạng cao cùng với các nước phát triển. Trong bối cảnh hậu đại dịch Covid-19, việc Việt Nam vẫn duy trì được vị trí trong nhóm 50 quốc gia đổi mới sáng tạo dẫn đầu (đứng thứ 48/132 nước) là một nỗ lực rất lớn, cho thấy Việt Nam tiếp tục là hình mẫu cho các nước đang phát triển khác trong việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo.
Diễn đàn đã đưa ra bức tranh tổng quan hoạt động đổi mới sáng tạo tại Việt Nam năm 2022. Ảnh: NIC |
Năm 2022, theo công bố Báo cáo e-Conomy report SEA của Google, Bain và Temasek, Việt Nam là quốc gia có nền kinh tế số phát triển khá nhanh, với mức tăng tổng giá trị hàng hóa (GMV) 28% so với năm 2021. "Trong đó, lĩnh vực thương mại điện tử đang dẫn đầu và tổng giá trị hàng hóa của nền kinh tế số Việt Nam dự kiến sẽ tăng 31% từ 23 tỷ USD năm 2022 lên 49 tỷ USD vào năm 2025. Đó là một dấu hiệu đáng khích lệ khi chúng ta chuyển từ khả năng phục hồi sang bứt phá", Thứ trưởng Trần Duy Đông cho biết.
Đồng hành với hệ sinh thái đổi mới sáng tạo Việt Nam, 41 quỹ đầu tư mạo hiểm đã cam kết đầu tư 1,5 tỷ USD vào thị trường Việt Nam trong giai đoạn 2023 - 2025, dự kiến tổng giá trị đầu tư khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam trong giai đoạn này sẽ đạt 5 tỷ USD.
"Những con số ấn tượng này đã minh chứng Việt Nam là điểm sáng hiếm hoi trong bức tranh chung của kinh tế toàn cầu cũng như thể hiện cam kết của cộng đồng nhà đầu tư nhằm thúc đẩy sự tăng trưởng của thị trường đầu tư cho đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp tại Việt Nam vào giai đoạn phát triển vàng sắp tới của khu vực Đông Nam Á", Thứ trưởng Trần Duy Đông nhận xét.
Trong Báo cáo Đổi mới sáng tạo và Đầu tư công nghệ Việt Nam 2023, Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia Vũ Quốc Huy và Giám đốc điều hành Do Ventures Lê Hoàng Uyên Vy đã điểm lại bức tranh tổng quan về tình hình đầu tư vào các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp ngành công nghệ Việt Nam trong năm 2022 với những điểm chính dưới đây:
Đầu tư công nghệ tại Việt Nam bắt đầu chịu ảnh hưởng từ tác động của nền kinh tế toàn cầu
Sau sự phục hồi mạnh mẽ trong năm 2021, vốn đầu tư mạo hiểm vào Việt Nam giảm mạnh 56% dưới ảnh hưởng của biến động kinh tế toàn cầu. Sự ảnh hưởng này đặc biệt rõ rệt vào nửa cuối năm 2022 với giá trị đầu tư giảm 65% do khủng hoảng trong ngành công nghệ ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, số lượng thương vụ tăng lên vào nửa cuối năm, cho thấy hoạt động đầu tư vẫn diễn ra đều đặn dù giá trị đầu tư giảm.
Đầu tư trong khoảng 10 - 50 triệu USD tăng ổn định
Hầu hết các vòng gọi vốn đều giảm cả về số lượng và giá trị thương vụ. Tuy nhiên giá trị đầu tư trong các vòng gọi vốn từ 10 - 50 triệu USD tăng nhẹ, cho thấy các công ty đã huy động được vòng Pre-A và Series A năm trước đã bước sang giai đoạn tăng trưởng tiếp theo. Các thương vụ trị giá hơn 50 triệu USD giảm mạnh, điều đó dẫn đến sự sụt giảm đáng kể về tổng giá trị đầu tư trong năm 2022.
Fintech tiếp tục thu hút đầu tư
Lĩnh vực Dịch vụ tài chính nhận được số vốn đầu tư nhiều nhất với mức tăng mạnh mẽ 248%. Vốn đầu tư vào lĩnh vực Fintech vẫn dồi dào, chiếm 39% tổng giá trị đầu tư, tăng 4 điểm phần trăm so với năm 2021. Mặc dù đầu tư vào lĩnh vực Bán lẻ giảm 57% nhưng đây vẫn là lĩnh vực nhận được nhiều vốn thứ hai. Y tế, Giáo dục, và Thanh toán tiếp tục nằm trong số các lĩnh vực được đầu tư nhiều nhất.
Nhà đầu tư Việt lần đầu tiên dẫn đầu về hoạt động đầu tư
Giữa "mùa đông gọi vốn", các nhà đầu tư vẫn tiếp tục bày tỏ sự quan tâm đến các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp Việt Nam, số lượng quỹ nước ngoài đầu tư vào Việt Nam chỉ giảm nhẹ trong năm qua. Đáng chú ý, các quỹ Việt Nam lần đầu tiên dẫn đầu và trở thành nhóm nhà đầu tư tích cực nhất trên thị trường nội địa. Các quỹ đầu tư mạo hiểm trong nước tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong hệ sinh thái Việt Nam với tầm ảnh hưởng ngày càng tăng đối với các công ty khởi nghiệp trong nước.
Nhà đầu tư giữ góc nhìn lạc quan về hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp Việt Nam
Bất chấp môi trường đầu tư toàn cầu đầy biến động, Việt Nam vẫn là điểm đến ưa thích của các nhà đầu tư nhờ tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và lực lượng lao động trẻ tay nghề cao. Lời khuyên phổ biến nhất dành cho các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo nói chung và công ty khởi nghiệp nói riêng trong bối cảnh hiện nay là tập trung vào các khía cạnh cơ bản của doanh nghiệp, sử dụng vốn một cách khôn ngoan với cách tiếp cận chiến lược, và liên tục điều chỉnh chiến lược hoạt động theo những thay đổi của môi trường kinh tế.