Ách tắc dự án chuyển giao từ các bộ về “siêu” Ủy ban

(BĐT) - Vướng mắc trong việc thực hiện các dự án chuyển tiếp từ các bộ về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (DN) khiến không ít dự án đầu tư lớn đang đình trệ. Đây là một trong những nguyên nhân khiến giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng đầu năm chưa đạt kế hoạch đề ra.
Dự án Đường dây 500 kV Nhiệt điện Vân Phong - Vĩnh Tân được Thủ tướng Chính phủ giao cho Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN xem xét quyết định chủ trương đầu tư. Ảnh: Lê Tiên
Dự án Đường dây 500 kV Nhiệt điện Vân Phong - Vĩnh Tân được Thủ tướng Chính phủ giao cho Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN xem xét quyết định chủ trương đầu tư. Ảnh: Lê Tiên

Nhiều dự án lớn bị đình trệ

Đối với các dự án đầu tư công, theo quy định của pháp luật về đầu tư công phải thực hiện theo kế hoạch, phải có cơ quan chủ quản được giao chương trình và kế hoạch đầu tư công quản lý. Trước đây, cơ quan chủ quản dự án đầu tư công chính là các bộ, nhưng hiện nay chuyển giao cho Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN (Ủy ban), mà pháp luật lại chưa quy định rõ cơ quan chủ quản dự án đầu tư công có phải là Ủy ban hay không nên vướng mắc trong thực hiện.

Trong lĩnh vực năng lượng, các tập đoàn, tổng công ty cho biết gặp vướng mắc trong xác định thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư đối với một số dự án. Cụ thể, theo quy định tại Khoản 3 Điều 28 Nghị định số 118/2015/NĐ-CP ngày 12/11/2015 của Chính phủ, dự án có phạm vi sử dụng đất đi qua địa bàn nhiều tỉnh, thành phố thì UBND cấp tỉnh nơi chủ đầu tư đặt hoặc dự kiến đặt trụ sở chính hoặc văn phòng điều hành có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, tiếp nhận, cấp, điều chỉnh, thu hồi giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Trên thực tế, một số dự án của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, điển hình là các dự án xây dựng đường dây truyền tải điện (Nhiệt điện Vân Phong - Nhiệt điện Vĩnh Tân), trụ sở chính hoặc văn phòng điều hành dự án lại không đặt tại địa phương mà dự án sử dụng đất. Việc này dẫn đến khó khăn trong việc xác định cơ quan có thẩm quyền quyết định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và quyết định chủ trương đầu tư dự án.

“Dự án đường dây 500 kV Nhiệt điện Vân Phong - Vĩnh Tân được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo giao cho Ủy ban xem xét quyết định chủ trương đầu tư và hướng dẫn thực hiện các bước tiếp theo, nhưng ý kiến chỉ đạo này chỉ là cá biệt cho một dự án cụ thể, không áp dụng được cho tất cả các dự án khác”, Ủy ban nêu vướng mắc.

Tương tự, trong lĩnh vực hàng không cũng đang gặp vướng mắc về thủ tục ra quyết định chủ trương đầu tư. Cụ thể, đối với dự án có tổng mức đầu tư 5.000 tỷ đồng trở lên (ví dụ Dự án Nhà ga T3 - Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất), theo quy định tại Khoản 2 Điều 31 Luật Đầu tư, thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư là của Thủ tướng Chính phủ. Theo quy định tại Khoản 1 Điều 34 Luật Đầu tư, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) phải trình UBND cấp tỉnh là TP.HCM xem xét, có ý kiến thẩm định về hồ sơ dự án đầu tư và gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) để Bộ thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ.

“Tuy nhiên, việc thực hiện theo quy trình này có bất cập là việc quản lý cảng hàng không, sân bay; quản lý đất đai; quyết định quy hoạch, kế hoạch đầu tư/giao đất, thuê đất trong phạm vi các cảng hàng không, sân bay đều thuộc thẩm quyền của Bộ Giao thông vận tải (GTVT). Do vậy, việc ACV nộp hồ sơ xin phê duyệt chủ trương đầu tư thông qua quy trình này là khó triển khai trên thực tế”, Ủy ban cho biết và nhấn mạnh không rõ trách nhiệm của Ủy ban ở đây.

Một khó khăn khác khiến khó thực hiện các dự án chuyển giao, đó là hầu hết các dự án đều có cấu phần xây lắp như điện lực, dầu khí…, phải áp dụng quy định của pháp luật về xây dựng. Theo yêu cầu của pháp luật về xây dựng thì trước khi trình cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, cơ quan chuyên môn phải thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi. Thực tế, Ủy ban lại chưa làm được yêu cầu này, bởi trong cơ cấu Ủy ban không có cơ quan chuyên môn về xây dựng. 

Không bỏ vốn nhà nước cứu dự án thua lỗ

Để tháo gỡ khó khăn đối với các dự án chuyển tiếp từ các bộ về “siêu” Ủy ban, Thường trực Chính phủ vừa tổ chức một cuộc họp dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Kết luận cuộc họp, Thủ tướng chỉ đạo, đối với việc xác định thẩm quyền quyết định đối với các dự án của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước; việc chuyển tiếp đối với các dự án đầu tư đã được các bộ, ngành thẩm định triển khai trước khi bàn giao cho Ủy ban…, giao cho Bộ KH&ĐT chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban và các cơ quan liên quan tổng hợp các vướng mắc, rào cản trong hoạt động đầu tư, bảo đảm phù hợp với các quy định của pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi cho DN trong hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh.

Đối với vướng mắc, khó khăn trong việc sắp xếp các cơ sở nhà đất, Thủ tướng chỉ đạo thực hiện theo Thông báo số 39/TB-VPCP ngày 25/1/2019 và số 249/TB-VPCP ngày 17/7/2019 của Văn phòng Chính phủ. Các bộ, ngành, địa phương liên quan phối hợp chặt chẽ thực hiện…

Về việc Ủy ban có kiến nghị xin ưu đãi đối với các dự án nghìn tỷ yếu kém thuộc các tập đoàn, tổng công ty do Ủy ban quản lý, đơn cử, đối với 4 dự án, nhà máy sản xuất phân bón thua lỗ do Tập đoàn Hóa chất Việt Nam quản lý, Ủy ban đề nghị BIDV xử lý đối với các khoản vay của các dự án Nhà máy Đạm Binh Bình, Nhà máy Đạm Hà Bắc và DAP số 2 Lào Cai bằng cách kéo dài thời hạn vay của các hợp đồng tín dụng thành 20 năm, ưu tiên thu nợ gốc trước, thu nợ lãi sau, không tính lãi quá hạn…

Trao đổi với Báo Đấu thầu, ông Phạm Đức Trung, chuyên gia kinh tế cho rằng, để xử lý tồn tại tại các dự án yếu kém cần có đánh giá kỹ lưỡng từng dự án. Quan điểm chung là không bỏ vốn nhà nước để cứu những dự án thua lỗ. Những dự án nào không còn khả năng cứu nên cho phá sản…

Tin cùng chuyên mục