Áp lực kiểm soát liêm chính trong kinh doanh

(BĐT) - Chuỗi cung ứng giá trị toàn cầu, nhất là các tập đoàn đa quốc gia, ngày càng gây áp lực buộc doanh nghiệp (DN) trong nước muốn tham gia “cuộc chơi” phải xây dựng cơ chế kiểm soát nội bộ và quy tắc ứng xử (KSNB&QTƯX), đồng thời có quy trình tuân thủ minh bạch và vững mạnh. Tuy nhiên, thực tế hiện chỉ có dưới 60% DN hiểu đúng về cơ chế này.
Cơ chế kiểm soát nội bộ và quy tắc ứng xử giúp DN xây dựng niềm tin với đối tác, với khách hàng, xây dựng thương hiệu
Cơ chế kiểm soát nội bộ và quy tắc ứng xử giúp DN xây dựng niềm tin với đối tác, với khách hàng, xây dựng thương hiệu

Đây là một trong những kết quả khảo sát của Nhóm nghiên cứu thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) về thực trạng xây dựng và áp dụng cơ chế KSNB&QTƯX trong kinh doanh. 

Kiểm soát liêm chính là yêu cầu thiết thực

Liêm chính trong kinh doanh có thể xử lý những xung đột, chống hối lộ và tham nhũng, thể hiện tôn trọng cạnh tranh, bảo vệ dữ liệu và quyền riêng tư, đồng thời giúp DN xây dựng niềm tin với đối tác, với khách hàng. Nghị định số 59/2019/NĐ-CP hướng dẫn thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) năm 2018 vừa chính thức có hiệu lực. Một trong những điểm mới của Luật PCTN là khuyến khích các DN ban hành, thực hiện KSNB&QTƯX nhằm PCTN và xây dựng văn hóa kinh doanh lành mạnh.

Mặc dù cơ chế KSNB&QTƯX này không là “chìa khóa” cho mọi vấn đề của DN, nhưng theo bà Sitara Syed - Phó Trưởng đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam, nó sẽ là cơ sở để hỗ trợ DN giải quyết các vấn đề xung đột, chống hối lộ và tham nhũng, thể hiện tôn trọng cạnh tranh và cam kết minh bạch. Đây là thông lệ quốc tế, bởi trên thế giới, nhiều quốc gia và công ty đã ban hành bộ quy tắc này.

Tại Vương quốc Anh, theo Luật Phòng, chống hối lộ năm 2010, DN phải xây dựng quy trình phòng chống hội lộ như là bằng chứng bảo vệ DN trong quá trình tố tụng. Tiêu chí để đánh giá sự thành công của DN không chỉ dựa trên kết quả hoạt động kinh doanh, mà còn được đánh giá dựa trên các yếu tố minh bạch, liêm chính, thực hiện quản trị công ty theo những tiêu chuẩn phù hợp với trình độ trong nước và tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế.

Theo một kết quả khảo sát của VCCI thời gian qua, chi phí không chính thức của DN mặc dù có giảm nhưng vẫn chiếm từ 20 - 30%. Đây là một vấn đề nhức nhối trong công cuộc PCTN.

Bà Đỗ Thị Hướng Dương - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty DDP Group chia sẻ, hầu hết DN đều mong muốn cải thiện tình trạng này. Tuy nhiên, do kỹ năng quản trị hạn chế và chưa có nhân sự chuyên trách theo dõi những thay đổi của pháp luật, nên nhiều DN gặp khó khăn trong khâu kiểm soát rủi ro và đo lường hiệu quả của dòng tiền, cũng như không biết làm cách nào để tuân thủ đúng pháp luật. Từ đó dẫn đến việc DN phải bỏ ra những chi phí không đáng có để “giải quyết cho nhanh”. Qua khảo sát của VCCI, đa số DN đều cho rằng, nếu được trang bị hệ thống KSNB&QTƯX tốt thì sẽ giảm được chi phí phi chính thức trong tương lai.

Công cụ hỗ trợ DN nhỏ và vừa quản trị tốt hơn

Trên cơ sở nhu cầu bức thiết của DN, Nhóm nghiên cứu của VCCI đã xây dựng Dự thảo Cẩm nang hướng dẫn xây dựng và triển khai quy trình KSNB&QTƯX trong kinh doanh. Đại diện Nhóm nghiên cứu cho biết, đối tượng Cẩm nang hướng đến chủ yếu là các DN nhỏ và vừa, có vốn trong nước, vì những doanh nghiệp này thường chưa đủ nguồn lực để đầu tư cho hệ thống kiểm soát nội bộ. Nguyên tắc xây dựng Cẩm nang là nhằm giúp DN quản trị tốt hơn, không chỉ dừng lại ở phạm vi kiểm soát công tác tài chính, kế toán, mà còn mở rộng ra phạm vi toàn DN, ngăn ngừa hoặc phát hiện gian lận trong DN. Bộ cẩm nang thiết kế quy trình kiểm soát nội bộ trong DN nhằm tối ưu chi phí kinh doanh, chi phí hoạt động theo hướng giảm dần và tăng giá trị DN; chi phí bỏ ra để thiết kế và vận hành kiểm soát nội bộ nhỏ hơn lợi ích về lâu dài mang lại.

Thay đổi nhận thức và quyết tâm thực hiện từ các nhà quản trị DN đến các cổ đông, người góp vốn, ban kiểm soát nội bộ và toàn thể nhân viên công ty vốn dĩ là việc rất khó, nhưng việc lựa chọn áp dụng Cẩm nang vào hoạt động của DN lại càng khó hơn.

Để giải quyết bài toán này, bà Đỗ Thị Hướng Dương đề xuất, cuốn cẩm nang này cần nói rõ hơn cách làm với những bước đi cụ thể và phân định rõ các khái niệm, thì DN sẽ dễ dàng áp dụng hơn, tránh để chủ DN bị lúng túng khi có bộ phận muốn chống đối mà không có căn cứ xử lý.

Ông Nguyễn Xuân Anh - Giám đốc Tuân thủ pháp lý của Công ty Sanofi Vietnam đề xuất, các hiệp hội DN nên thu thập và đưa ra các chuẩn mực cho từng ngành, đảm bảo sự thống nhất giữa các DN. Khi đã có chuẩn mực chung, cấp quản lý DN đưa ra thông điệp và cam kết tuân thủ, gương mẫu thực hiện đúng cơ chế KSNB&QTƯX. Từ đó tạo sự lan tỏa đến cổ đông, người góp vốn, ban kiểm soát nội bộ và toàn thể nhân viên.

Đa số ý kiến đều đồng thuận với quan điểm rằng, một khi đã ban hành cơ chế KSNB&QTƯX thì phải có đánh giá thường xuyên, từ đó có biện pháp chấn chỉnh kịp thời. Đồng thời, để nhân viên sẵn sàng chia sẻ các vấn đề quan ngại thì DN phải có kênh báo cáo, xử lý thông tin và đặc biệt là đảm bảo tính bảo mật, bảo vệ nguồn tin.

Tin cùng chuyên mục