Bán tài sản liên quan ông Trầm Bê, Sacombank cho bên mua trả góp 7 năm

Ngân hàng này chỉ nhận về 920 tỷ đồng tiền mặt trong tổng giá trị 9.200 tỷ đồng từ việc chuyển nhượng 3 khu đất có liên quan tới ông Trầm Bê. Số còn lại cho phép đối tác trả chậm.

Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín - Sacombank (STB) vừa công bố báo cáo tài chính kiểm toán hợp nhất năm 2017 với nội dung không nhiều thay đổi so với báo cáo tự lập trước đó. Tuy nhiên, báo cáo lần này có thông tin cụ thể về tình hình chuyển nhượng 3 lô đất lớn liên quan tới ông Trầm Bê tại ngân hàng trước đây.

Thu 920 tỷ tiền mặt trong tổng số 9.200 tỷ

Theo báo cáo, Sacombank đang ghi nhận 8.280 tỷ đồng phải thu từ bán tài sản cấn trừ nợ, trong khi kỳ năm ngoái, ngân hàng không ghi nhận khoản phải thu nào từ mục này.

Đây chính là giá trị Sacombank nhận được từ việc chuyển nhượng 3 tài sản đảm bảo các khoản vay có liên quan tới ông Trầm Bê. Tài sản này bao gồm các bất động sản tại Khu công nghiệp Đức Hòa III, tỉnh Long An đã được bán hồi cuối năm 2017.

Trong tổng giá trị chuyển nhượng 9.200 tỷ đồng, Sacombank mới thu về 920 tỷ tiền mặt, là tiền cọc (10% giá trị chuyển nhượng), như trong cam kết ban đầu. Còn 8.280 tỷ đồng sẽ được phía đối tác thanh toán trả chậm trong vòng 7 năm kể từ ngày ký hợp đồng, với ân hạn 2 năm đầu và phí trả chậm 7,5%/năm.

Đầu năm 2018, Chủ tịch HĐQT Sacombank, ông Dương Công Minh, cho biết ngân hàng đã bán thanh lý thành công 3 lô đất tại khu Công nghiệp Đức Hòa III - Long An.

Lô đất thứ nhất có diện tích hơn 3,7 triệu m2 của Công ty Đầu tư Xây dựng kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp Sài Gòn Long An và một phần của Công ty đầu tư AMIC với giá 3.685 tỷ đồng, cao hơn giá khởi điểm 44 tỷ.

Lô thứ hai của nhóm Công ty đầu tư xây dựng Liên Thành Long An, Công ty Long "V", Công ty đầu tư phát triển Long Đức - ILD và Công ty đầu tư và kinh doanh bất động sản Mười Đây. Tổng diện tích bất động sản này hơn 2,7 triệu m2, được thanh lý với giá 2.885 tỷ đồng, cao hơn giá khởi điểm 35 tỷ.

Lô đất thứ 3 có diện tích 2,7 triệu m2 của Công ty đầu tư Đức Hòa III - Resco và một phần của Công ty đầu tư AMIC, đã được mua với giá 2.630 tỷ đồng, cao hơn giá khởi điểm 32 tỷ đồng.

Cả 3 khu đất này đều là tài sản đảm bảo của các khoản vay có liên quan đến đại gia Trầm Bê, người đang bị truy tố về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng tại Sacombank.

Nợ xấu bán cho VAMC vẫn tiếp tục tăng

Báo cáo tài chính kiểm toán mới công bố còn cho thấy bên cạnh việc đẩy mạnh thanh lý tài sản để xử lý nợ xấu, Sacombank cũng đẩy mạnh bán nợ xấu cho Công ty quản lý tài sản của các Tổ chức tín dụng (VAMC).

Tính đến cuối 2017, tổng số dư trái phiếu VAMC của nhà băng này là 43.266 tỷ đồng, tăng 16% so với đầu năm. Trong khi đó, số tiền dự phòng khoản nợ bán cho VAMC này chỉ là 1.949 tỷ, nên tổng nợ xấu Sacombank đã bán cho VAMC cũng tăng tương ứng 16% lên tới 41.317 tỷ.

Nợ xấu nội bảng tính đến hết năm 2017 của ngân hàng này là 10.405 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ nợ xấu 4,67% tổng dư nợ, giảm hơn 3.300 tỷ nợ xấu tuyệt đối và 2,24 điểm phần trăm trên tổng dư nợ cho vay.

Như vậy, tổng nợ xấu cả nội bảng và nợ đã bán cho VAMC hiện nay của Sacombank vẫn là 51.721 tỷ đồng, tăng 4,7% so với đầu năm.

Tuy nhiên, do dư nợ tín dụng tăng 12% so với đầu năm, xấp xỉ 24.000 tỷ đồng, nên tỷ lệ nợ xấu của nhà băng này giảm xuống mức 19,6% so với tỷ lệ 21,1% đầu năm 2017.

Hiện tại, lượng tài sản thế chấp tại Sacombank có giá trị lên tới 416.147 tỷ đồng, tương đương gần 2 lần dư nợ cho vay. Trong đó, giá trị các tài sản đảm bảo là bất động sản lên tới 306.001 tỷ đồng, tương đương gần 74% tổng tài sản thế chấp.

Cùng làn sóng chứng khoán từ cuối năm 2017, cổ phiếu STB cũng đã tăng trưởng tương đối mạnh so với đầu năm. Nguồn: VNdirect.

Tin cùng chuyên mục