Bimico: Rủi ro từ nợ vay và các khoản ủy thác đầu tư

(BĐT) - Từ chỗ hầu như không vay nợ, nợ vay của Công ty CP Khoáng sản Bình Dương (Bimico) trong vòng hơn 1 năm trở lại đây liên tục tăng đột biến. Đáng chú ý, nguồn vốn vay huy động đang được Bimico dùng tạm ứng trước cho các đối tác và ủy thác đầu tư cho nhiều cá nhân với tổng giá trị lên đến hơn 1.000 tỷ đồng. Nếu việc thu hồi các khoản vốn vay này gặp khó khăn thì sẽ gây thiệt hại lớn cho cổ đông.
Tháng 6/2018, Bimico đã tạm ứng 500 tỷ đồng cho Bicisco để thực hiện đền bù và thi công hạ tầng mở rộng Khu công nghiệp Đất Cuốc. Ảnh: Song Lê
Tháng 6/2018, Bimico đã tạm ứng 500 tỷ đồng cho Bicisco để thực hiện đền bù và thi công hạ tầng mở rộng Khu công nghiệp Đất Cuốc. Ảnh: Song Lê

Nợ vay phình to

Sau khi Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) bán hết vốn  năm 2016 và cổ đông từ Công ty CP DRH Holdings tiếp quản Bimico, thì hoạt động kinh doanh của Công ty đã có những thay đổi lớn.

Dưới thời còn vốn nhà nước, Bimico khá thận trọng với các khoản vay, thậm chí, Công ty còn không sử dụng vay nợ trong nhiều năm liền. Nhưng chỉ trong vòng hơn 1 năm trở lại đây, Bimico đang 'lột xác' trở thành một doanh nghiệp bạo chi từ nguồn vay nợ.

Nợ vay của Bimico bắt đầu xuất hiện từ cuối quý II/2018 với số dư 570,6 tỷ đồng. Tại thời điểm cuối quý I/2019, con số này đã là 628,7 tỷ đồng.

Vay nợ là hoạt động bình thường trong kinh doanh và rất phù hợp với doanh nghiệp đang mở rộng đầu tư. Nhưng trong trường hợp của Bimico, hàng trăm tỷ đồng tiền huy động từ nhà băng đang được Công ty tạm ứng trước cho các đối tác và ủy thác đầu tư cho nhiều cá nhân.

Cụ thể, từ quý II/2018, khoản mục phải thu ngắn hạn trên báo cáo tài chính của Bimico đã xuất hiện những khoản trả trước và khoản phải thu có giá trị lớn, bao gồm 500 tỷ đồng đặt cọc cho Công ty CP Thương mại Dịch vụ Bình Dương (Bicisco) để thực hiện đền bù và thi công hạ tầng mở rộng Khu công nghiệp Đất Cuốc và hơn 600 tỷ đồng ủy thác đầu tư cho các cá nhân và doanh nghiệp. 

Các khoản tạm ứng, ủy thác được bảo mật

Theo tìm hiểu của Báo Đấu thầu, Bicisco là một doanh nghiệp khá “non trẻ” khi mới được thành lập cuối tháng 10/2017 - trước thời điểm Công ty được Bimico tạm ứng 500 tỷ đồng chỉ 7 tháng - với số vốn điều lệ đăng ký chỉ 20 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, trong giai đoạn từ tháng 5/2018 đến tháng 11/2018, vị trí Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc của Bicisco do ông Võ Công Hoàng (SN 1977) nắm giữ. Ông Hoàng là cổ đông và là thành viên HĐQT độc lập của DRH Holdings - cổ đông lớn nhất của Bimico. Tại Bimico, vị trí Chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc đều do ông Phan Tấn Đạt, cũng là người của DRH Holdings, nắm giữ.

Sự góp mặt của ông Võ Công Hoàng tại Bicisco có thể đặt ra những dấu hỏi về bản chất của 500 tỷ đồng tạm ứng giữa 2 doanh nghiệp này. Theo một chuyên gia chứng khoán, nhà đầu tư cần lưu ý, cẩn trọng để hiểu được bản chất của những giao dịch mang tính nội bộ như vậy.

Thậm chí, tại đại hội đồng cổ đông thường niên diễn ra vào tháng 4/2019, một số cổ đông nhỏ cũng tỏ ra quan ngại về các khoản chi này. Họ yêu cầu Ban lãnh đạo Bimico giải trình, công khai cụ thể các khoản đầu tư đã được ủy thác cho cá nhân, tổ chức nào? Tuy vậy, Ban lãnh đạo Bimico đã xin không tiết lộ thông tin nhằm bảo đảm tính bảo mật, bảo vệ quyền lợi của Công ty.

Trong bối cảnh nợ vay phình to và tính minh bạch của các giao dịch vẫn còn được Ban lãnh đạo Bimico bảo mật, dễ hiểu nỗi lo lắng của các cổ đông nhỏ lẻ. Nếu các khoản tiền ủy thác đầu tư, tạm ứng trước không được sử dụng đúng mục đích hoặc việc thu hồi vốn gặp khó khăn sẽ gây thiệt hại lớn cho cổ đông.

Tin cùng chuyên mục