Cạn tiền, BOT Cầu Thái Hà huy động vốn để trả nợ

(BĐT) - Trong một thời gian dài, Công ty CP BOT Cầu Thái Hà luôn rơi vào tình cảnh doanh thu không bù đắp chi phí. Doanh nghiệp này còn đang phải gánh nhiều khoản lãi vay có quy mô lớn. Tuy vậy, tình trạng thua lỗ không phải là khó khăn duy nhất đối với BOT Cầu Thái Hà khi tiền mặt đang dần cạn kiệt.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2019, Công ty CP BOT Cầu Thái Hà lỗ 128 tỷ đồng. Ảnh: Bảo Bảo
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2019, Công ty CP BOT Cầu Thái Hà lỗ 128 tỷ đồng. Ảnh: Bảo Bảo

Doanh thu không đủ bù đắp chi phí

Dự án BOT Cầu Thái Hà vượt sông Hồng trên đoạn đường nối 2 tỉnh Thái Bình và Hà Nam với cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình do Công ty CP BOT Cầu Thái Hà làm chủ đầu tư - đã được chấp thuận cho thu phí sử dụng đường bộ bắt đầu từ 0h00 ngày 10/1/2019. Tuy vậy, trạm BOT Cầu Thái Hà buộc phải tạm dừng thu phí chỉ sau nửa ngày vận hành.

Theo thông tin từ Công ty BOT Cầu Thái Hà, doanh nghiệp này luôn rơi vào tình trạng thu không đủ bù chi. Nguyên nhân chính của tình trạng này là lưu lượng xe lưu thông trên tuyến đường ở mức thấp, do vậy phí thu được không đủ bù đắp chi phí vận hành, chi phí tài chính (lãi vay, gốc vay) của Công ty.

6 tháng đầu năm 2019, doanh nghiệp này ghi nhận doanh thu 10 tỷ đồng nhưng chi phí giá vốn đã lên tới 42,6 tỷ đồng, khiến cho lợi nhuận gộp âm gần 32 tỷ đồng. Sau khi trừ đi khoản chi phí lớn nhất là lãi vay 53 tỷ đồng, BOT Cầu Thái Hà báo lỗ tới 85 tỷ đồng.

Tương tự 2 quý đầu năm 2019, BOT Cầu Thái Hà cũng báo lỗ 42 tỷ đồng trong quý III/2019. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2019, Công ty ghi nhận 17 tỷ đồng doanh thu và lỗ 128 tỷ đồng.

Trên báo cáo tài chính quý III/2019 ghi nhận Công ty đã kết chuyển khoản chi phí xây dựng cơ bản dở dang 1.381 tỷ đồng vào nguyên giá tài sản cố định hữu hình và đã khấu hao trong kỳ hơn 62,4 tỷ đồng (giá trị còn lại 1.318 tỷ đồng). 

Huy động vốn để trả nợ

Trong bối cảnh doanh thu không bù đắp được chi phí, một khó khăn khác của BOT Cầu Thái Hà là khả năng thanh khoản. Tính đến thời điểm cuối quý III/2019, số dư tiền (tiền mặt + tiền gửi ngân hàng) của Công ty chỉ còn chưa đến 1 tỷ đồng.

Khan hiếm tiền mặt sẽ khiến Công ty gặp rất nhiều áp lực trong việc thanh toán hoặc không có khả năng thanh toán các nghĩa vụ tài chính đến hạn như tiền gốc và lãi vay ngân hàng, tiền hàng cho nhà cung cấp, tiền lương cho công nhân..., nhất là trong trường hợp các dự tính kết quả kinh doanh năm 2019 không thành hiện thực.

Để thanh toán các khoản vay đang đến hạn, mới đây, HĐQT Công ty đã thông qua việc triển khai thực hiện chào bán riêng lẻ 8,5 triệu cổ phiếu cho các nhà đầu tư. Với giá chào bán 10.000 đồng/CP, BOT Cầu Thái Hà dự kiến sẽ thu về khoảng 85 tỷ đồng.

Số tiền thu được sẽ được dùng để trả nợ ngân hàng, cân đối giảm bớt đòn bẩy tài chính. Cụ thể, Công ty sẽ dùng 84 tỷ đồng để thanh toán khoản vay cho Công ty TNHH Tiến Đạt Phát theo Hợp đồng số 0106/2015/HĐTV/TĐP-BOTTH ngày 1/6/2015. 1 tỷ đồng còn lại sẽ được dùng để thanh toán cho khoản vay từ VietinBank - Chi nhánh Hà Nam.

Theo báo cáo tài chính quý III/2019, tại thời điểm cuối quý, tổng tài sản của BOT Cầu Thái Hà là 1.424 tỷ đồng. Tổng nợ vay của Công ty là hơn 1.135 tỷ đồng, trong đó, vay nợ thuê tài chính ngắn hạn hơn 109 tỷ đồng từ Công ty TNHH Tiến Đạt Phát, hơn 1.026 tỷ đồng vay dài hạn từ VietinBank.

Hiện, Tiến Đạt Phát sở hữu 59,48% vốn điều lệ của BOT Cầu Thái Hà. Giữa năm 2019, đơn vị này từng đăng ký bán 10 triệu cổ phần BOT Cầu Thái Hà nhưng không thực hiện giao dịch do Ban lãnh đạo thay đổi phương án kinh doanh.

Tin cùng chuyên mục