Đạm Ninh Bình hoạt động trở lại giữa vòng vây nợ nần 8.000 tỷ

Dự án lớn nhất của Vinachem vừa sản xuất trở lại sau 5 tháng dừng với lý do bảo dưỡng, song vẫn phải đối mặt với nguy cơ thua lỗ, gánh nặng nợ nần tăng cao.
Đạm Ninh Bình được tái khởi động trong vòng vây nợ nần. Ảnh: TTXVN
Đạm Ninh Bình được tái khởi động trong vòng vây nợ nần. Ảnh: TTXVN

Sau nhiều đề xuất tháo gỡ khó khăn trình lên Bộ Công Thương, Chính phủ..., nhà máy Đạm Ninh Bình đã hoạt động trở lại với công suất đạt 60%, tương ứng gần 1.000 tấn một ngày. Trước đó, công trình do Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình quản lý đã dừng hoạt động từ tháng 3/2016 với lý do đại tu, sửa chữa, bảo dưỡng máy móc.

Đạm Ninh Bình trở lại sản xuất trong điều kiện khó khăn, khi theo báo cáo hợp nhất, năm 2016, Đạm Ninh Bình phải đáo hạn cho BIDV và VietinBank số nợ 1.563 tỷ đồng, chưa kể tiền lãi vay, chi phí khấu hao. Với lãi vay, số liệu cho thấy Đạm Ninh Bình phải trả mỗi năm hơn 800 tỷ đồng. Tính chung đến cuối năm 2015, dư nợ các khoản vay của doanh nghiệp là 8.300 tỷ đồng.

Gánh nặng này càng khó trút bỏ khi đến nay, sau 4 năm hoạt động, nhà máy đã lỗ lũy kế gần 2.000 tỷ đồng. Việc giá ure vẫn ở mức 240-250 USD một tấn khiến Đạm Ninh Bình vẫn đứng trước nguy cơ thua lỗ thêm. Theo dự tính, giá sản phẩm phải trên 300 USD thì Đạm Ninh Bình mới có lãi và xoá được lỗ luỹ kế.

Trong văn bản gửi lên Bộ Công Thương, Tập đoàn Hoá chất (Vinachem) - đơn vị chủ sở hữu của Đạm Ninh Bình cũng thừa nhận đang gặp nhiều khó khăn trong việc quyết toán hơn 100 tỷ đồng với nhà thầu EPC là HQC (Trung Quốc) khi mà lãi vay, chi phí khấu hao lớn, giá bán phân đạm trong nước và trên thế giới xuống thấp... Vì vậy, tập đoàn đã nhiều lần xin lùi thời hạn cổ phần hoá công ty đến khi các khó khăn được tháo gỡ, đảm bảo cổ phần hoá có hiệu quả.

Với tham vọng tự chủ nguồn phân bón trong nước, Vinachem đã đầu tư xây dựng nhà máy Đạm Ninh Bình với công suất 560.000 tấn một năm. Tuy sở hữu 100%, song trong tổng vốn đầu tư 667 triệu USD của dự án, vốn tự có của Vinachem chỉ là 100 triệu USD. Tập đoàn vay số tiền còn lại từ Ngân hàng Eximbank Trung Quốc (250 triệu USD, lãi suất 4%) và các ngân hàng trong nước như BIDV, VietinBank...

Số liệu từ Vinachem cho biết đến hết năm 2015, tập đoàn đã bàn giao lại cho Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình giá trị tài sản khoảng 11.633 tỷ đồng tại nhà máy. Đạm Ninh Bình được giới thiệu là sử dụng công nghệ và thiết bị máy móc hiện đại bậc nhất Việt Nam hiện nay, nhập khẩu từ Pháp, Đức, Hà Lan, Đan Mạch, Italy...

Tuy vậy, trong các văn bản gửi Bộ Công Thương, Giám đốc của Đạm Ninh Bình - Nguyễn Gia Tường khẳng định "các dây chuyền máy móc thiết bị chủ yếu được nhập từ Trung Quốc, chất lượng ở mức trung bình và thường xuyên xảy ra sự cố". Việc mua vật tư, thiết bị dự phòng khó khăn do phải phụ thuộc vào nhà thầu Trung Quốc. Giá sản phẩm thấp, dây chuyền lạc hậu, hay hư hỏng khiến nhà máy liên tục gặp khó khăn.

Tin cùng chuyên mục