Dấu ấn kỷ lục doanh nghiệp thành lập mới

(BĐT) - Số lượng doanh nghiệp (DN) đăng ký thành lập mới tiếp tục đà tăng ấn tượng và góp phần tích cực vào mức tăng trưởng GDP 6,81% của năm 2017. 
Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2018 với nhiều chính sách hỗ trợ, tạo đà phát triển mạnh khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam. Ảnh: Nhã Chi
Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2018 với nhiều chính sách hỗ trợ, tạo đà phát triển mạnh khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam. Ảnh: Nhã Chi

Kết quả này, theo bà Trần Thị Hồng Minh, Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, không phải ngẫu nhiên mà có được, đó là kết quả của một quá trình nỗ lực của Chính phủ, người dân và DN.

Khép lại năm 2017, kỷ lục mới về số DN đăng ký thành lập mới đã được xác lập, hàng loạt DN tạm ngừng đăng ký kinh doanh quay lại thị trường, một lượng lớn DN cũng tăng vốn, mở rộng đầu tư. Bà lý giải thế nào về những con số ấn tượng này?

2017 là năm ghi nhận nhiều chuyển biến tích cực về kinh tế, chính trị trong nước và quốc tế. Đáng chú ý là việc nền kinh tế nước ta tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá, với GDP tăng 6,81%, cao hơn mục tiêu Quốc hội đề ra. 13/13 chỉ tiêu kinh tế - xã hội đều hoàn thành và hoàn thành vượt mức. Tiếp đà tăng trưởng năm 2016, đăng ký DN thành lập mới năm 2017 tiếp tục gây ấn tượng với gần 127.000 DN.

Kết quả này đạt được là nhờ rất nhiều yếu tố. Đầu tiên phải kể đến đà tăng của năm 2016, những quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư về đăng ký kinh doanh cũng như những quy định thông thoáng tạo điều kiện cho DN phát triển ngày càng phát huy hiệu quả tích cực.

Ngay từ đầu năm, Chính phủ tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, khuyến khích khởi nghiệp thông qua việc ban hành và chỉ đạo thực hiện các Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP, Nghị quyết số 35/NQ-CP. Cùng với đó là hàng loạt các chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ khích lệ các địa phương cũng như các bộ, ngành có quyết tâm chính trị lớn hơn trong việc thực hiện chỉ đạo. Hành động này trên thực tế đã tạo niềm tin và củng cố niềm tin của người dân và DN đối với các chính sách của Đảng và Nhà nước, từ đó khuyến khích người dân bỏ vốn thành lập DN sản xuất kinh doanh thay vì đi gửi tiết kiệm hoặc không đầu tư.

Bên cạnh đó, về phía Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, thực hiện chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đã đẩy mạnh đăng ký kinh doanh qua mạng, giảm phiền hà, tiêu cực cho người dân đăng ký kinh doanh. Tính đến cuối năm 2017, số DN đăng ký thành lập qua mạng tăng hơn 45%, một số địa phương có tỷ lệ đăng ký qua mạng tăng cao như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng,…

Nền kinh tế năm qua cũng có những thuận lợi khác về vĩ mô như quan hệ kinh tế, chính trị của Việt Nam với các nước trên thế giới có nhiều cải thiện. Xuất khẩu hàng hóa lập nên kỳ tích mới, góp phần kích thích sản xuất, kinh doanh trong nước phát triển.

Dấu ấn kỷ lục doanh nghiệp thành lập mới ảnh 1
Bà Trần Thị Hồng Minh
Như các con số công bố, số lượng DN thành lập mới tập trung khá lớn vào một số ngành được đánh giá mang lại giá trị gia tăng không cao. Bà có nhận xét gì về bức tranh doanh nghiệp thành lập mới năm 2017?

Nhìn tổng thể, năm 2017, hầu hết các địa phương đều có số DN thành lập mới tăng. Đứng đầu danh sách này là TP.HCM, Hà Nội và Đà Nẵng. Đây là những địa phương có những lợi thế về địa chính trị, kinh tế phát triển, kết cấu hạ tầng khá hoàn thiện và đồng bộ. Còn 3 địa phương có số DN đăng ký thành lập mới thấp nhất là Cao Bằng, Điện Biên và Bắc Kạn. 

DN thành lập mới tập trung cao ở ngành bán buôn, bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy; kinh doanh bất động sản… Tuy nhiên, điểm nổi bật trong bức tranh DN đăng ký thành lập mới năm 2017 là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đã bắt đầu thu hút được sự quan tâm đầu tư. Điều này cho thấy, các DN đã quan tâm hơn đến những ngành nghề có chiều sâu, mang giá trị gia tăng cao chứ không đơn thuần là thương mại dịch vụ thông thường.

Phải nhấn mạnh rằng, việc DN thành lập mới tập trung vào những lĩnh vực nào phản ánh cung cầu của thị trường, theo nguyên tắc của thị trường. Song, ở một số lĩnh vực được xem là không mang lại giá trị gia tăng nhiều cho nền kinh tế, nhưng có số DN thành lập mới tăng cao cũng là điều cần lưu ý. Ví dụ như các DN bất động sản thành lập quá nhiều thì cũng cần được xem xét, đánh giá để có chính sách phù hợp. 

Trong năm 2017 số DN tạm ngừng hoạt động, không đăng ký hoặc chờ giải thể vẫn tăng. Bà nhìn nhận thế nào về “sức khỏe” của DN hiện nay?

Về việc DN tạm ngừng hoạt động, không đăng ký hoặc chờ giải thể trong thị trường có thể đánh giá dưới hai khía cạnh khách quan và chủ quan.

Về khách quan, các DN vào ra thị trường cũng là phản ánh quy luật thị trường, cung cầu điều tiết bởi nguyên tắc của nền kinh tế thị trường, sự năng động của nền kinh tế. Tỷ lệ DN giải thể, rời thị trường ở Việt Nam so với thế giới cũng chỉ ở mức trung bình, thậm chí còn thấp hơn nhiều nước.

Hơn nữa, trong bối cảnh nền kinh tế đang đẩy mạnh tái cơ cấu, DN nhìn thấy những cơ hội kinh doanh mới hoặc nhận thấy cần có những thay đổi, họ sẵn sàng chấm dứt hoạt động để thành lập một DN khác phù hợp hơn. Xét theo thông lệ quốc tế thì đây cũng là hoạt động bình thường. Quy luật này cũng là để đào thải những DN không đủ năng lực cạnh tranh ra khỏi thị trường.

Tuy nhiên, về chủ quan, năm 2017, số lượng DN rời khỏi thị trường so với số thành lập mới vẫn chiếm tỷ lệ cao, cho thấy DN vẫn gặp phải những khó khăn, rào cản.  Các quy định pháp luật còn một số điểm chưa đồng bộ, thống nhất. Nhiều DN tiếp tục gặp khó khăn trong tiếp cận vốn, đất đai... Sự vào cuộc của địa phương trong hỗ trợ DN ở một số nơi còn chưa thực sự hiệu quả, vẫn còn hiện tượng thanh, kiểm tra quá nhiều, chồng chéo, nhũng nhiễu DN. Các cán bộ công quyền chưa làm tròn trách nhiệm trong phục vụ DN, người dân. Điều này cho thấy cần phải cải cách quyết liệt hơn nữa, thực chất hơn nữa để DN sau khi ra đời có điều kiện phát triển. Ngoài ra, cũng phải kể đến tình trạng một số DN lợi dụng chính sách thông thoáng của pháp luật, đăng ký thành lập mới để trục lợi.  

Năm mới bắt đầu với rất nhiều dự cảm tươi sáng. Bà kỳ vọng thế nào về sự phát triển của DN Việt Nam?

Ngày 1/1/2018 tới đây, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chính thức có hiệu lực với nhiều chính sách hỗ trợ, tạo đà phát triển mạnh khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam. Cùng với đó là nhiều chính sách về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh tiếp tục được đẩy mạnh. Từ kết quả ấn tượng của năm 2017, từ những nỗ lực trong cải cách kinh tế, chỉ đạo điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương chắc chắn sẽ tạo đà thuận lợi cho DN thành lập và phát triển.

Trên cơ sở đó, tôi cho rằng, số lượng doanh nghiệp đăng ký mới sẽ tăng cao trong năm 2018.

Trân trọng cám ơn Cục trưởng!

Tin cùng chuyên mục