Doanh nghiệp BOT 'chây ỳ' thu phí không dừng: Bộ quyết làm

Sau nhiều mốc thời gian gia hạn cũng như lùi tiến độ, nhiều nhà đầu tư BOT “chần chừ” triển khai ký kết, lắp đặt hệ thống thu phí không dừng (ETC) do e ngại về tính minh bạch trong hình thức thu phí này. Nhưng cơ quan quản lý khẳng định chính hình thức này sẽ giúp minh bạch công tác thu phí.
Trạm Tam Kỳ (Quảng Nam) triển khai dịch vụ thu phí tự động từ 1/8/2017.
Trạm Tam Kỳ (Quảng Nam) triển khai dịch vụ thu phí tự động từ 1/8/2017.

Theo báo cáo của Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ GVT), tổng số trạm thu phí buộc phải lắp đặt, vận hành hệ thống thu phí ETC theo quyết định của Bộ GTVT là 29 trạm. Tuy nhiên, đến nay, chỉ có 22 trạm ký hợp đồng triển khai (11 trạm triển khai lắp đặt, trong đó có 10 trạm đã vận hành).

Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa đã yêu cầu các nhà đầu tư BOT phải ký hoàn thành hợp đồng dịch vụ với nhà cung cấp dịch vụ trước ngày 15/7 để đơn vị này lắp đặt và triển khai trước 15/8. Đồng thời, giao Tổng cục Đường bộ Việt Nam xem xét dừng thu phí nếu các nhà đầu tư BOT không thực hiện đảm bảo tiến độ.

Thế nhưng sau nhiều mốc thời gian gia hạn cũng như lùi tiến độ, đến nay, nhiều nhà đầu tư BOT chưa chịu triển khai ký kết, lắp đặt thu phí không dừng (ETC). Lý do chính mà họ đưa ra là.... e ngại về tính minh bạch trong thu phí của các nhà đầu tư BOT.

Tại cuộc họp về tiến độ thu phí ETC, đại diện các nhà đầu tư BOT cũng bày tỏ sự băn khoăn khi phải ký với một đơn vị được Bộ GTVT lựa chọn đó là Công ty TNHH thu phí tự động VETC (nhà cung cấp dịch vụ) triển khai đối với 29 trạm thu phí nên độc quyền và không có tính cạnh tranh.

Các nhà đầu tư cũng đặt ra hàng loạt các vấn đề về các sự cố gián đoạn gây ra do lỗi của hệ thống thu phí tự động thì bồi thường ra sao; giảm thời gian ký kết dịch vụ thu phí từ 5 năm xuống 2 năm để đánh giá, trong trường hợp không đạt có thể dừng hợp đồng…

Các chủ đầu tư BOT cũng đưa ra tình huống, các trạm thu phí hiện đang đối mặt với ùn tắc gần đây, căn cứ nào để đảm bảo hạn chế hoặc tránh được tình trạng này. Hay, xe chưa dán thẻ Etag hoặc tiền trong thẻ hết dẫn đến việc thất thu hoặc ách tắc giao thông phải “xả trạm” thì đơn vị nào sẽ đứng ra đền bù thiệt hại cho nhà đầu tư BOT?

Không làm sẽ buộc dừng thu phí

Trước thắc mắc của các nhà đầu tư BOT, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng Cục trưởng Tổng cục đường bộ Việt Nam khẳng định “không có chuyện ép các nhà đầu tư”.

“Nhà đầu tư BOT nào chưa cảm thấy thoả mãn với điều khoản đàm phán, thì có quyền tìm một nhà cung cấp khác. Tuy nhiên, nhà cung cấp đó phải được Bộ GTVT thẩm tra, chấp thuận. Đồng thời, nhà đầu tư phải chiụ trách nhiệm tự kết nối với hệ thống của Tổng cục”, ông Huyện cho hay.

Bên cạnh đó, lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng khẳng định, việc các nhà đầu tư BOT muốn tự quản lý hệ thống thu phí không dừng là không thể. Vì để thống nhất một đầu mối quản lý, Chính phủ đã có chủ trương để nhà cung cấp đứng ra giám sát, sau đó mọi dữ liệu sẽ truyền về cho Tổng cục Đường bộ quản lý, không để cho một đơn vị thứ 3 quản lý như lo lắng của nhà đầu tư.

“Dù lắp công nghệ thu phí không dừng của đơn vị nào, các nhà đầu tư BOT vẫn phải hoàn thiện trước tháng 10. Từ sau 30/10, đơn vị nào chưa lắp thì Tổng cục sẽ kiến nghị Bộ GTVT cho dừng thu phí”, ông Huyện khẳng định.

Có thể thấy, dù nhiều lần đưa ra “tối hậu thư” cho các nhà đầu tư BOT triển khai thực hiện nhưng các doanh nghiệp BOT vẫn cố tình “chây ỳ” và cũng không bị đánh vào nguồn thu túi tiền từ chính các dự án BOT.

Nhấn mạnh việc thực hiện lắp đặt trạm thu phí không dừng giúp giải quyết tránh ùn tắc, minh bạch công tác thu phí, đại diện lãnh đạo Bộ GTVT cho rằng, người hưởng lợi trực tiếp từ dịch vụ này chính là lái xe vì mức phí không tăng lại tiết kiệm được thời gian. Lượng thu phí đi qua trạm bao nhiêu thì sẽ được truyền về ngân hàng và kiểm soát được luôn. Các cơ quan quản lý Nhà nước cũng chống được thất thoát, tiêu cực.

Để tránh cho một đơn vị độc quyền triển khai dịch vụ thu phí ETC, Bộ GTVT khuyến khích tất cả các nhà đầu tư tham gia cung cấp dịch vụ thu phí không dừng. Việc sử dụng dịch vụ của nhà cung cấp nào đó là quyền của nhà đầu tư BOT thông qua đàm phán, đấu thầu. Bộ không can thiệp vào việc lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ thu phí không dừng của các nhà BOT.

Tuy nhiên, Bộ GTVT lưu ý công nghệ thu phí không dừng phải thống nhất trên toàn quốc, làm sao mỗi xe chỉ cần dán một thẻ Etag là có thể yên tâm chạy trên mọi tuyến đường của đất nước mà không cần quan tâm trạm này là của đơn vị nào thu phí.

Tin cùng chuyên mục