Doanh nghiệp cao su gặp khó bởi dịch nCoV

(BĐT) - Dù sản lượng tiêu thụ cao su thiên nhiên trong quý IV/2019 sụt giảm so với cùng kỳ năm 2018, song sự phục hồi về giá bán là yếu tố tác động tích cực đến kết quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp trong ngành. Tuy vậy, ảnh hưởng của virus Corona (nCoV) làm dấy lên nỗi lo về nhu cầu nhập khẩu cao su của Trung Quốc - đối tác nhập khẩu cao su lớn nhất của Việt Nam.
Dịch cúm nCoV làm dấy lên nỗi lo kinh tế Trung Quốc suy giảm, ảnh hưởng đến nhu cầu nhập khẩu cao su của quốc gia này. Ảnh: Nam Việt
Dịch cúm nCoV làm dấy lên nỗi lo kinh tế Trung Quốc suy giảm, ảnh hưởng đến nhu cầu nhập khẩu cao su của quốc gia này. Ảnh: Nam Việt

Công ty CP Cao su Bà Rịa cho biết, sản lượng tiêu thụ cao su quý IV/2019 của Công ty đạt 5.245 tấn, thấp hơn 6% so với cùng kỳ 2018. Tuy nhiên, giá bán bình quân cao hơn đã giúp doanh thu quý IV/2019 gần như không thay đổi. Nhờ cải thiện biên lợi nhuận gộp (29,1% so với 19%), tiết kiệm chi phí hoạt động, Cao su Bà Rịa ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 48,2 tỷ đồng trong quý IV/2019, tăng 113% so với quý IV/2018. Lũy kế cả năm 2019, Cao su Bà Rịa đạt 73,6 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm 9,2% so với năm 2018.

Tương tự như Cao su Bà Rịa, lợi nhuận sau thuế quý IV/2019 của Công ty CP Cao su Đồng Phú ghi nhận mức tăng trưởng 31,8%, đạt gần 77,4 tỷ đồng. Kết quả tích cực của Cao su Đồng Phú đến từ giá bán bình quân trong quý IV/2019 tăng 7,34% so với cùng kỳ năm 2018, qua đó, biên lợi nhuận gộp được cải thiện. Lũy kế cả năm 2019, Cao su Đồng Phú lãi ròng 195 tỷ đồng, giảm 17% so với năm 2018.

Giá bán tăng cũng giúp Công ty CP Cao su Tây Ninh cải thiện biên lợi nhuận gộp trong quý IV/2019. Dù doanh thu bán hàng gần như không đổi so với cùng kỳ 2018, đạt gần 117 tỷ đồng, song biên lợi nhuận gộp tăng cao giúp lợi nhuận gộp của Công ty tăng tới 57% so với cùng kỳ 2018, đạt 34,7 tỷ đồng. Tuy vậy, doanh thu từ thanh lý cây cao su đạt 28,3 tỷ đồng (giảm 58%) khiến lợi nhuận sau thuế của Công ty chỉ đạt 41,7 tỷ đồng, giảm 36%. Lũy kế cả năm 2019, Công ty báo lãi ròng 82,8 tỷ đồng, giảm 31% so với năm 2018

Diễn biến giá cao su tự nhiên trên thị trường thế giới

Tiếp đà tăng của những tháng cuối năm 2019, giá cao su có xu hướng tăng trong 20 ngày đầu tháng 1/2020. Tuy nhiên, giá cao su đã quay đầu giảm mạnh trong thời gian gần đây. Cụ thể, tại Sở Giao dịch hàng hóa Tokyo (TOCOM), ngày 31/1, giá cao su giao kỳ hạn tháng 3/2020 được giao dịch ở mức 1,59 USD/kg, giảm 7,3% so với cuối tháng 12/2019. Tại Thượng Hải, giá cao su giao kỳ hạn tháng 3/2020 ngày 31/1 giao dịch ở mức 1,74 USD/kg, giảm gần 7% so với cuối tháng 12/2019.

Nguyên nhân giá cao su giảm mạnh sau dịp nghỉ Tết Nguyên đán xuất phát từ dịch cúm nCoV làm dấy lên nỗi lo kinh tế Trung Quốc suy giảm, ảnh hưởng đến nhu cầu nhập khẩu cao su của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này.

Cục Xuất nhập khẩu thuộc Bộ Công Thương dẫn số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho biết, xuất khẩu cao su của Việt Nam trong năm 2019 đạt 1,7 triệu tấn, trị giá 2,3 tỷ USD, tăng 8,8% về lượng và hơn 10% về trị giá so với năm 2018. Trong đó, giá trị xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm tới 67%, tương đương 1,55 tỷ USD (tăng 11,6% về lượng và tăng 13,2% về trị giá so với năm 2018). Những con số thống kê trên cho thấy Trung Quốc là thị trường đặc biệt quan trọng đối với ngành cao su Việt Nam.

Theo nguồn tin của Bloomberg, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, nhà sản xuất cao su lớn thứ ba trên thế giới, đang tích cực tìm kiếm khách hàng bên ngoài thị trường Trung Quốc do lo ngại virus nCoV sẽ làm giảm nhu cầu của khách hàng lớn nhất này.

Tin cùng chuyên mục