Doanh nghiệp Việt thiếu “vũ khí” khoa học và công nghệ

(BĐT) - Theo nhiều đánh giá, một trong những chuyển biến đáng chú ý của các doanh nghiệp (DN) Việt Nam thời gian qua là đã có một số DN lớn đầu tư mạnh cho khoa học và công nghệ, nâng cao năng suất lao động. Tuy nhiên, con số thực tế còn rất khiêm tốn và thấp hơn nhiều so với các nước trên thế giới.
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Những chuyển biến đáng mừng

Đề cập về việc đầu tư cho khoa học và công nghệ (KH&CN) của các DN Việt Nam hiện nay, Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh nhìn nhận, Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2019 của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) đánh giá, Việt Nam tiếp tục cải thiện vị trí, tăng 3 bậc lên thứ 42/129 nền kinh tế trên thế giới được xếp hạng. Đây là thứ hạng cao nhất mà Việt Nam đạt được từ trước tới nay. Đây là điều đáng mừng, nhưng quan trọng nhất hiện nay là có những chuyển biến đáng kể của cộng đồng DN trong việc ưu tiên đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất lao động.

Số liệu mới nhất của Cục Sở hữu trí tuệ thuộc Bộ KH&CN cho thấy, DN Việt Nam ngày càng quan tâm hơn đến việc đăng ký xác lập quyền sở hữu trí tuệ. Cụ thể, năm 2019, số lượng đơn xác lập quyền sở hữu trí tuệ được tiếp nhận tăng 16,6% so với năm 2018; số lượng các loại đơn khác được tiếp nhận tăng 6% so với năm 2018; cấp văn bằng bảo hộ các đối tượng sở hữu công nghiệp tăng 50,4% so với năm 2018; hoàn thành thẩm định 22 đơn đăng ký quốc tế sáng chế nguồn gốc Việt Nam.

Về sự phát triển của DN Việt Nam giai đoạn vừa qua, tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với DN năm 2019, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng ghi nhận, những năm qua, các DN đã đầu tư một lượng vốn lớn trong tổng đầu tư toàn xã hội. DN đóng góp tích cực vào tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước, xuất khẩu; là mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị để nâng cao khả năng cạnh tranh cho các sản phẩm, hình thành các chuỗi liên kết giá trị, tạo dựng thương hiệu Việt Nam trên thị trường quốc tế… Đặc biệt, trong bối cảnh bùng nổ của KH&CN, các DN có vai trò trọng tâm trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp. Nhiều DN tư nhân đã thành công, góp phần không nhỏ trong việc tạo dựng các thương hiệu Việt Nam về công nghệ thông tin trên bản đồ khởi nghiệp thế giới, khơi dậy niềm tin và sự kỳ vọng sẽ tạo bước tiến đột phá trong phát triển.

Nhìn nhận sự chuyển biến của đầu tư cho KH&CN của DN dưới góc độ cơ cấu xuất nhập khẩu hàng hóa, ông Nguyễn Quang Thuấn, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ chỉ ra, cơ cấu xuất nhập khẩu theo ngành có sự chuyển dịch rõ rệt theo hướng giảm tỷ trọng các mặt hàng thô chưa qua chế biến, các mặt hàng nông, lâm, thủy sản và tăng tỷ trọng các sản phẩm của ngành công nghiệp chế tạo.

Đầu tư cho đổi mới công nghệ còn thấp

Phấn khởi khi ngày càng có nhiều DN chú trọng đầu tư vào KH&CN, nâng cao năng suất lao động, song lãnh đạo Bộ KH&CN trăn trở khi đa phần năng lực KH&CN của các DN còn hạn chế, có nơi còn lạc hậu. “Hiện mới chỉ có 21% các DN bước đầu vào công đoạn nào đó của chuỗi giá trị toàn cầu; gần 10% các DN có quan tâm đến đăng ký sáng chế về sở hữu trí tuệ”, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho biết.

Quan niệm về giá trị của DN hiện nay đã thay đổi. “Hơn 30 năm trước, tài sản cố định ở gần 1.000 tập đoàn hàng đầu thế giới chiếm 80% giá trị DN, phần còn lại là tài sản trí tuệ. Tuy nhiên, đến nay, ở các DN công nghệ, tài sản trí tuệ lên tới 90% giá trị DN, phần còn lại là tài sản cố định”, người đứng đầu ngành KH&CN nhấn mạnh.

Đồng tình với đánh giá này, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, DN Việt Nam chưa mạnh dạn đầu tư cho ứng dụng và phát triển KH&CN, nhất là công nghệ lõi, công nghệ tiên phong. Số liệu điều tra DN gần đây cho thấy, hiện mới chỉ có 10% số DN đã từng đăng ký, hoặc đăng ký thành công 1 bằng sáng chế trong vòng 3 năm liên tiếp. Đặc biệt, đầu tư của DN cho đổi mới công nghệ chỉ chiếm khoảng 0,3% doanh thu, thấp hơn nhiều so với các nước như Ấn Độ (5%), Hàn Quốc (10%). Chỉ có khoảng 10,2% DN có đầu tư vào một số hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D); tỷ trọng chi phí dành cho nghiên cứu KH&CN của DN còn thấp; liên kết giữa DN với các cơ quan nghiên cứu, trường đại học còn yếu.

Để hóa giải điểm nghẽn này, nắm bắt được những cơ hội từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang bùng nổ, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh xác định: “KH&CN phải là vũ khí của DN để nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh mới”. Theo đó, để DN quan tâm đến “vũ khí” của mình, lãnh đạo Bộ KH&CN nhấn mạnh giải pháp khuyến khích, hỗ trợ nâng cao năng lực hấp thụ, làm chủ công nghệ của DN; tiếp tục tái cơ cấu các chương trình KH&CN quốc gia theo hướng lấy DN làm trung tâm…        

Tin cùng chuyên mục