EVFTA tạo sức ép cạnh tranh dịch vụ tài chính, viễn thông

(BĐT) - Tác động trực tiếp từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) đối với các ngành tài chính, viễn thông là không quá lớn, nhưng sức ép cạnh tranh gián tiếp từ các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài đối với doanh nghiệp (DN) nội trong các ngành này là rất mạnh, nhất là về tính đa dạng và chất lượng dịch vụ.
Doanh nghiệp viễn thông trong nước sẽ phải đối mặt với thách thức ngày càng lớn trong bối cảnh các nhà đầu tư EU đang có xu hướng nhắm vào thị trường dịch vụ gia tăng cao. Ảnh: Lê Tiên
Doanh nghiệp viễn thông trong nước sẽ phải đối mặt với thách thức ngày càng lớn trong bối cảnh các nhà đầu tư EU đang có xu hướng nhắm vào thị trường dịch vụ gia tăng cao. Ảnh: Lê Tiên

Đây là nhận định của nhiều chuyên gia, DN và hiệp hội DN tại Hội thảo Ngành tài chính và viễn thông Việt Nam trước cơ hội và thách thức từ Hiệp định EVFTA, diễn ra ngày 23/10, tại Hà Nội. 

Mở cửa so với các cam kết quốc tế khác

Theo cam kết trong EVFTA đối với ngành tài chính, Việt Nam chỉ mở thêm duy nhất một lĩnh vực là dịch vụ nhượng tái bảo hiểm cho các đối tác EU. Đối với ngành viễn thông, sau 5 năm EVFTA có hiệu lực thực thi, Việt Nam sẽ mở cửa cao hơn cam kết với Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) về mức vốn nước ngoài trong liên doanh; dịch vụ giá trị gia tăng không có hạ tầng mạng được mở cho DN có 100% vốn nước ngoài.

Đánh giá về mức độ cam kết mở cửa này, bà Nguyễn Thị Thanh Huyền - Vụ Hợp tác quốc tế thuộc Bộ Tài chính cho biết, đây là hiệp định đầu tiên mở cửa loại hình dịch vụ bảo hiểm này, Hiệp định CPTPP và các FTA khác đều không có. Việc mở cửa thị trường này là phù hợp với nhu cầu quản trị tài chính tăng cao của người tiêu dùng trong nước và sự thúc đẩy phát triển của các đối tác bên ngoài.

Về tác động gián tiếp, theo bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam,  EVFTA sẽ góp phần kích cầu dịch vụ viễn thông và dịch vụ tài chính mạnh mẽ hơn. DN nội có cơ hội đầu tư ra các nền kinh tế thành viên EU, cũng như hợp tác với các đối tác EU để cải thiện chuyên môn, công nghệ, quản trị và năng lực cạnh tranh.

“Nếu như trước năm 1993, tức là cách đây 26 năm, Việt Nam chỉ có duy nhất 1 DN bảo hiểm, thì nay đã có tới 64 DN bảo hiểm và môi giới bảo hiểm, trong đó có 17 DN có vốn nước ngoài. Trong những năm gần đây, thị trường bảo hiểm có tốc độ tăng trưởng trên 20% (bảo hiểm phi nhân thọ là 12 - 13%, bảo hiểm nhân thọ là 25 - 30%). Hiện nhiều DN của Anh, Pháp, Italia, Bỉ... đã tham gia thị trường bảo hiểm Việt Nam. Từ đó cho thấy, các DN Việt Nam đã thích ứng rất tốt với sự cạnh tranh và năng động của thị trường này, cho nên không quá lo ngại về những tác động của EVFTA”, ông Bùi Gia Anh - Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam nhấn mạnh.

Với lộ trình chuẩn bị 5 năm sau khi EVFTA có hiệu lực thực thi, ông Nguyễn Thế Bình - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Internet Việt Nam cho rằng, DN viễn thông trong nước dễ thở hơn, có đủ thời gian để tìm hiểu và chuẩn bị. Việt Nam hiện có 63 DN viễn thông, trong đó có một số thương hiệu khá mạnh, đã sẵn sàng cạnh tranh với các nhà đầu tư EU. 

Những lưu ý với doanh nghiệp

Tuy mức độ cam kết mở cửa của Việt Nam trong EVFTA không nhiều, nhưng các DN trong các lĩnh vực tài chính, viễn thông không nên chủ quan, tự hài lòng.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Trang, áp lực cạnh tranh từ các nhà bảo hiểm nước ngoài trong bối cảnh hội nhập ngày càng lớn. Sự có mặt của các DN có tuổi đời lên tới hàng trăm năm từ EU sẽ làm cho thị trường phát triển và quy mô phát triển ngày càng tăng. Do đó, DN nội sẽ phải đối mặt với thách thức ngày càng lớn về yêu cầu cung cấp dịch vụ phong phú, chất lượng dịch vụ, cũng như năng lực cạnh tranh về vốn, nguồn nhân lực, ứng dụng công nghệ thông tin, bảo mật thông tin, bảo đảm an toàn giao dịch...

Trước khi EVFTA có hiệu lực, ông Nguyễn Thế Bình chia sẻ, mức độ cạnh tranh trong lĩnh vực viễn thông tại Việt Nam đã rất gay gắt. Các DN liên tục phải giảm giá dịch vụ, từ 15 - 20% mỗi năm. Thậm chí, có DN lớn cung cấp dịch vụ Internet băng thông rộng phải cạnh tranh bằng cách tăng gấp đôi băng thông nhưng vẫn giữ nguyên giá. Tuy nhiên, cuộc đua cạnh tranh giảm giá dịch vụ viễn thông của các nước trong khu vực còn diễn ra khốc liệt hơn, giảm tới 35%. Thách thức này tiếp tục gia tăng trong thời gian tới đối với DN viễn thông Việt Nam.

Theo ông Bình, các nhà đầu tư EU đang có xu hướng nhắm vào thị trường dịch vụ gia tăng cao như: nội dung số, chuyển đổi số... Các DN viễn thông Việt Nam bắt đầu nắm bắt xu hướng và dịch chuyển sang cung cấp dịch vụ chuyển đổi số, đưa hàm lượng công nghệ thông tin vào các gói dịch vụ viễn thông. Tuy vậy, nhiều DN vẫn đang rất lúng lúng và Nhà nước cũng chưa có hành lang pháp lý đầy đủ với những ngành nghề mới này.

“Ngoài ra, cả Chính phủ và DN còn đứng trước những thách thức về môi trường pháp lý để xử lý tranh chấp khi EVFTA có hiệu lực”, ông Nguyễn Úy Quyền - Vụ Hợp tác quốc tế thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông lưu ý.

Tin cùng chuyên mục