Giải pháp nào để doanh nghiệp tư nhân phát triển bứt tốc?

(BĐT) - Kinh tế tư nhân đang ngày càng chứng tỏ vai trò trụ cột của nền kinh tế. Ở hầu hết các giai đoạn khủng hoảng tài chính, kinh tế tư nhân luôn chứng tỏ là người nắm tay chèo, là trụ cột của nền kinh tế. Nhưng đến nay doanh nghiệp tư nhân (DNTN) chỉ chiếm một nửa, vẫn mãi không lớn lên được, nhỏ không lớn thành vừa, vừa không tịnh tiến lên lớn. Vậy, đâu là nguyên nhân và làm sao để khu vực kinh tế tư nhân phát triển bứt phá trong thời gian tới?
Theo PGS.TS. Trần Đình Thiên, phát triển kinh tế tư nhân phải được xem là một nhiệm vụ ưu tiên chiến lược trong 5 -7 năm tới. Ảnh: Trần Nam
Theo PGS.TS. Trần Đình Thiên, phát triển kinh tế tư nhân phải được xem là một nhiệm vụ ưu tiên chiến lược trong 5 -7 năm tới. Ảnh: Trần Nam

Vì sao DN tư nhân mãi không lớn được?

Lý giải vì sao doanh nghiệp tư nhân mãi không lớn lên được, tại Diễn đàn Triển vọng phát triển kinh tế tư nhân Việt Nam năm 2019 được Viện Kinh tế Việ Nam tổ chức mới đây tại Hà Nội, PGS.TS. Trần Đình Thiên cho rằng: “Đó là do cơ cấu kinh tế có vấn đề nghiêm trọng”.

Đáng lẽ kinh tế tư nhân trong nước phải là lực lượng đóng góp chủ yếu vào GDP, nhưng sau 30 năm đổi mới, khu vực này chỉ đóng góp chưa đến 30%. Trong 6 năm qua, tỷ lệ điểm phần trăm trong GDP chỉ tăng thêm được 0,8%.

“Chúng ta chưa có được một chiến lược phát triển DNTN – DN Việt đúng nghĩa. Chẳng hạn như trong lĩnh vực nông nghiệp, trong những năm gần đây chúng ta mới nói nhiều đến giải cứu nông sản, đầu tư công nghệ cao, chứ chưa tập trung nhận thức về vai trò của DNTN, chủ thể DN để có hỗ trợ rõ ràng”.

Trong khi nhóm DN nhỏ và vừa rất khó lớn, chậm lớn, chất lượng, sản lượng yếu; DN nhỏ và siêu nhỏ quá nhiều, thì đa số DN lớn (chiếm 2% trong tổng số DN) lại đang chủ yếu đầu cơ là chính, chứ không tập trung vào đầu tư và cạnh tranh quốc tế. Thực tế, có những DNTN lớn lên nhanh chóng, chủ yếu là nhờ vào đầu tư bất động sản. Theo ông Trần Đình Thiên, đây là điều rất dị thường, bởi không xuất phát từ sự phát triển bền vững và nguy cơ rủi ro là rất lớn.

“Khác thường trong động lực phát triển, nguồn lực bất động sản thì không thể trở thành động lực phát triển bền vững được. Trong những năm qua, chúng ta nỗ lực kéo cơ hội hội nhập về cho Việt Nam, nhưng gần như chỉ có DN FDI là tận dụng cơ hội này tốt nhất”, ông Thiên đánh giá.

Chia sẻ thực tế, bà Vũ Thị Vân Phương – Chủ tịch HĐQT Công ty Vietrap Đầu tư và Thương mại cho biết, mặc dù đã thành lập được 8 năm, đã có sản phẩm xuất khẩu sang các thị trường khó tính của châu Âu... như thảo dược, hành khô..., nhưng đến nay DN vẫn chưa tiếp cận được một đồng vốn nào từ ngân hàng. Không phải họ không cần mà là không thể tiếp cận được, và không phải ngân hàng không muốn cho vay vốn, mà do DN không thể chứng nhận được tài sản đảm bảo.

Cần xoay chuyển từ cách nghĩ, tới cách làm

PGS.TS. Võ Trí Thành – Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cho rằng, thế giới đang có 5 thay đổi.

Thứ nhất là về tài chính.

Thứ hai là hội nhập và toàn cầu hóa, không chỉ là câu chuyện về các hiệp định thương mại tự do mà còn là sự dịch chuyển data mà thế giới chưa có chuẩn nào.

Thứ ba là công nghệ số và chuyển đổi công nghệ.

Thứ tư là cuộc cách mạng tiêu dùng đang diễn ra, gắn với tiêu dùng xanh và an toàn; thân thiện và thông minh; cá tính và biểu tượng.

Thứ năm là sự bất định, một trong những bất định xuất hiện trong năm 2019 là nền kinh tế Mỹ và Trung Quốc giảm tốc.

Để vượt qua được những thách thức này, theo ông Võ Trí Thành, điều quan trọng nhất là phải giữ và phát triển nguồn lực, thậm chí thu hút nguồn lực từ bên ngoài. Thứ hai là "chơi thật", đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế, để bán được hàng ra thế giới. Hội nhập là cạnh tranh. DN thắng nhờ ưu đãi thì vẫn chưa phải là phát triển bền vững. "Nếu kết nối, chơi được với chủ chuỗi giá trị - người khổng lồ, thì chúng ta có thể học và tạo dựng niềm tin" - ông Võ Trí Thành cho biết.

Muốn kinh tế tư nhân phát triển bứt phá trong thời gian tới, theo ông Trần Đình Thiên, cần bắt đầu từ câu chuyện cơ cấu, phải làm rõ được cấu trúc của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tuân thủ nguyên lý thị trường, hiện đại về thể chế và công nghệ, áp dụng nguyên tắc đối xử bình đẳng về tư cách, khác biệt về chức năng và bỏ cơ chế xin cho.

“Cần tập trung giải quyết triệt để vấn đề căn bản và dài hạn là cơ cấu và cơ chế, cần tối đa hóa cho tái cơ cấu và đổi mới mô hình tăng trưởng. Cần coi trọng việc phát triển nền kinh tế thị trường theo đúng nghĩa, không phải là chỉ chăm chăm đầu cơ, làm méo mó thị trường. Tái cơ cấu định hướng theo hội nhập quốc tế. Trong đó, phát triển kinh tế tư nhân phải được xem là một nhiệm vụ ưu tiên chiến lược trong trong 5 -7 năm tới. Bởi đây là lực lượng, là động lực phát triển cơ bản của nền kinh tế thị trường”, ông Thiên nhấn mạnh.

Tin cùng chuyên mục