Giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành Công Thương

(BĐT) - Trước tình hình lượng tiêu thụ bình quân bao bì nhựa và túi nilon của toàn ngành Công Thương có xu hướng tăng trong khi các cơ sở tái chế và xử lý chất thải nhựa còn thiếu, công nghệ lạc hậu, phân loại rác tại nguồn chưa hiệu quả, Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ chị tăng cường các biện pháp giảm thiểu chất thải nhựa trong Ngành.
Việt Nam là một trong 04 quốc gia tại châu Á phát sinh chất thải nhựa nhiều nhất (ảnh: ineternet)
Việt Nam là một trong 04 quốc gia tại châu Á phát sinh chất thải nhựa nhiều nhất (ảnh: ineternet)

Theo Chỉ thị, Bộ Công Thương yêu cầu các đơn vị trực thuộc Bộ và các sở công thương triển khai các giải pháp giảm thiểu chất thải nhựa. Cụ thể, đối với các đơn vị thuộc Bộ, các tập đoàn, tổng công ty doanh nghiệp của Ngành, Bộ yêu cầu thủ trưởng các đơn vị này có trách nhiệm phổ biến thông tin, vận động cán bộ công nhân viên chức, người lao động tham gia hưởng ứng phong trào “chống rác thải nhựa”. Đồng thời nghiên cứu, triển khai các sáng kiến giảm thiểu sử dụng túi nilon và sản phẩm nhựa dùng một lần, tăng cường tái chế, tái sử dụng trong đơn vị.

Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan về quản lý chất thải rắn trong hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN ngành Công Thương, thống nhất và tăng cường quản lý nhà nước về xả thải và kiểm soát ô nhiễm môi trường theo cam kết của Việt Nam trong các cơ chế hợp tác khu vực và toàn cầu về giải quyết chất thải nhựa. Cùng với đó, phối hợp cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường tăng cường quản lý chất thải và phế liệu; nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách phát triển sản xuất và tiêu dùng các sản phẩm nhựa tái chế, lĩnh vực tái chế chất thải nhựa gắn với phát triển ngành công nghiệp môi trường.

Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững rà soát, đề xuất bổ sung nội dung, nhiệm vụ nhằm giảm thiểu phát sinh chất thải nhựa trong các hoạt động của Ngành; nghiên cứu xây dựng các nội dung ưu tiên về quản lý, giảm thiểu chất thải nhựa, khuyến khích sản xuất và tiêu dùng các sản phẩm thay thế thân thiện với môi trường trong Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030...

Số liệu của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy, mỗi người dân Việt Nam tiêu thụ khoảng 30-40 kg nhựa/năm. Việt Nam là một trong 4 quốc gia tại châu Á (sau Trung Quốc, Indonesia, Philipines) phát sinh chất thải nhựa nhiều nhất. Riêng TP. Hà Nội và TP. HCM thải ra môi trường khoảng 80 tấn nhựa và túi nilon/ngày. Số lượng bao bì và túi nilon sử dụng hàng ngày gia tăng ở Việt Nam dẫn đến số lượng thải bỏ tăng dần theo từng năm trong khi tỷ lệ chất thải bao bì và túi nilon không được tái sử dụng, phải chôn lấp chiếm từ 5-8%, tương đương với khoảng 2,5 triệu tấn/năm.

Tin cùng chuyên mục