Gỡ rào cản để “nuôi lớn” doanh nghiệp

(BĐT) - Nhìn vào bức tranh doanh nghiệp (DN) Việt 9 tháng năm 2018, bên cạnh gam màu sáng với số lượng DN gia nhập thị trường liên tục gia tăng thì số DN tạm ngừng hoạt động, chờ giải thể, phá sản vẫn còn cao. 
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Điều này cho thấy ngoài việc tạo thuận lợi cho DN gia nhập thị trường thì việc “nuôi dưỡng”, tạo điều kiện cho DN yên tâm sản xuất kinh doanh và phát triển càng trở nên quan trọng.

Trăn trở với “sức khỏe” của doanh nghiệp

9 tháng năm 2018, cả nước có hơn 96.600 DN thành lập mới với số vốn đăng ký 963.411 tỷ đồng, tăng 2,8% về số DN và tăng 6,7% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2017. Cũng trong 9 tháng, số DN đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn cả nước là trên 23.000 DN, tăng 24,6% so với cùng kỳ năm 2017. Cùng với đó, có hơn 50.000 DN tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể, tăng 62,3% so với cùng kỳ năm 2017… Ở góc độ của cơ quan quản lý, Cục Quản lý đăng ký kinh doanh thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, việc gia tăng số lượng DN ngừng hoạt động trong 9 tháng đầu năm chịu tác động của nhiều yếu tố, cả khách quan lẫn chủ quan. Trong đó, nổi cộm lên có 4 nguyên nhân chủ yếu làm tăng số lượng DN giải thể, ngừng hoạt động.

Trước hết, phần lớn DN của nước ta có quy mô nhỏ và vừa nên còn nhiều hạn chế dẫn đến năng lực cạnh tranh thấp như: thiếu tầm nhìn chiến lược, quản trị kém, thiếu tư duy thị trường… Cùng với đó, với việc tham gia vào các hiệp định thương mại tự do, sức ép cạnh tranh ngày càng tăng lên đối với DN Việt Nam.

Nguyên nhân tiếp theo là môi trường đầu tư, kinh doanh, dù được cải thiện nhưng vẫn còn không ít rào cản gây khó khăn cho sự phát triển của DN. Chỉ rõ bất cập này, Cục Quản lý đăng ký kinh doanh nhấn mạnh, quy định pháp luật về đầu tư, kinh doanh vẫn còn chồng chéo, bất cập; DN vẫn gặp khó khăn trong tiếp cận các nguồn lực tín dụng, đất đai; hiện tượng nhũng nhiễu gây khó dễ cho DN vẫn xảy ra…

Thứ ba là nguyên nhân từ quy luật cạnh tranh của thị trường. Trong mọi nền kinh tế luôn có tỷ lệ DN giải thể, phá sản. Việc đào thải, thanh lọc là một quy luật khách quan. Những DN yếu kém, không đủ sức cạnh tranh sẽ bị loại bỏ để thay vào đó là những DN mới với những ý tưởng kinh doanh mới có chất lượng hơn. Đặc biệt, trong bối cảnh nền kinh tế nước ta hội nhập mạnh mẽ, khoa học công nghệ phát triển mạnh thì sức ép cạnh tranh với DN là rất lớn.

Một nguyên nhân nữa là từ tháng 4/2018 đến nay, các địa phương tích cực triển khai công tác rà soát đối với DN ngừng hoạt động tại trụ sở nhưng không đăng ký với cơ quan đăng ký kinh doanh. Hoạt động này nhằm loại bỏ các DN đã thành lập từ rất lâu nhưng không còn hoạt động. Sau khi rà soát, những DN đó được chuyển sang tình trạng chờ giải thể dẫn đến sự gia tăng đột biến về số lượng DN ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể như nêu trên.

Trao đổi với Báo Đấu thầu, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, lượng DN giải thể, ngừng hoạt động gia tăng trong thời gian qua là do có nhiều rào cản. Đó là sự bấp bênh về mặt pháp lý về kinh doanh; trong thực thi chính sách, còn có quá nhiều sự can thiệp hành chính vào hoạt động sản xuất kinh doanh của DN, đặc biệt là hoạt động thanh kiểm tra DN. 

Chú trọng hơn tới “nuôi dưỡng” động lực tăng trưởng 

Cho dù còn có nhiều nguyên nhân khác nhau làm tăng số lượng DN giải thể, ngừng hoạt động trong 9 tháng năm 2018, nhưng không thể phủ nhận môi trường đầu tư, kinh doanh của nước ta đang có những chuyển biến tích cực, thể hiện qua số lượng DN thành lập mới liên tục lập kỷ lục mới. Nếu như năm 2016 là hơn 110.000 DN thành lập mới thì năm 2017 tăng lên gần 127.000 DN, dự kiến năm 2018 đạt 135.000 DN.

Nhìn ở góc độ tạo thuận lợi cho DN gia nhập thị trường, bà Trần Thị Hồng Minh, Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh cho rằng, bức tranh DN Việt Nam đang tốt lên. Về thể chế, nhiều khảo sát, báo cáo đã cho thấy, thủ tục gia nhập thị trường của DN đang được cải thiện rõ rệt. Trong bảng xếp hạng Chỉ số đánh giá chi phí tuân thủ thủ tục hành chính năm 2018 (APCI 2018) vừa được công bố, nhóm thủ tục khởi sự DN và đăng ký kinh doanh xếp vị trí thứ 2. Nghị định 108/2018/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 10/10/2018 đã sửa đổi, bổ sung nhiều quy định mới tạo điều kiện thuận lợi cho DN. Điển hình như: đơn giản hóa các quy định liên quan đến con dấu của DN; cắt giảm thủ tục thông báo thay đổi thông tin cổ đông sáng lập công ty cổ phần; nâng cao sự chủ động cho DN trong việc lập địa điểm kinh doanh… “Những điều chỉnh này không những giúp DN giảm được chi phí về tiền bạc, thời gian mà còn tạo cơ hội kinh doanh cho DN”, bà Minh nói.

Đặc biệt, trong dự kiến sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và Luật DN tới đây cũng sửa đổi mạnh mẽ theo hướng tạo thuận lợi cho DN. Chẳng hạn, theo Điều 3 Luật DN, trường hợp luật chuyên ngành có quy định đặc thù về việc thành lập DN thì sẽ sửa theo hướng tất cả loại hình DN đều được đăng ký theo khung khổ chung của đăng ký kinh doanh thay vì một số DN vẫn chịu khung đăng ký riêng như hiện nay.

Bên cạnh hoàn thiện khung khổ thể chế, thực thi chính sách về đăng ký DN cũng được nhiều địa phương triển khai tốt. Đa số các địa phương cấp giấy đăng ký  DN dưới 3 ngày làm việc (quy định của Luật DN là 3 ngày); đồng thời đẩy mạnh đăng ký thành lập DN qua mạng như TP. Hà Nội, TP. Đà Nẵng…

Chi sẻ với Báo Đấu thầu, đại diện cơ quan đăng ký kinh doanh một lần nữa nhấn mạnh, hướng đến mục tiêu cả nước có 1 triệu DN vào năm 2020, bên cạnh việc tạo thuận lợi cho DN gia nhập thị trường, chúng ta cũng cần “nuôi dưỡng”, tạo điều kiện để các DN đã gia nhập thị trường phát triển. Do đó, 4 “rào cản” cơ bản nêu trên cần phải được gỡ bỏ. Chỉ có như vậy, DN Việt Nam, nhất là khu vực tư nhân mới có thể lớn mạnh, trở thành động lực tăng trưởng của đất nước.

Tin cùng chuyên mục