Halcom gấp rút tăng vốn trước khi chào sàn

(BĐT) - Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) vừa ra thông báo về việc nhận hồ sơ đăng ký niêm yết lần đầu đối với cổ phần Công ty CP Đầu tư và Tư vấn Hà Long (Halcom). Với vốn điều lệ 300 tỷ đồng, Halcom sẽ niêm yết toàn bộ 30 triệu CP lên sàn HOSE trong thời gian tới.
Giữa năm 2015, Công ty CP Đầu tư và Tư vấn Hà Long tăng vốn điều lệ từ 60 lên 300 tỷ đồng. Ảnh: Nhã Chi st
Giữa năm 2015, Công ty CP Đầu tư và Tư vấn Hà Long tăng vốn điều lệ từ 60 lên 300 tỷ đồng. Ảnh: Nhã Chi st

Halcom là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đầu tư các dự án cấp nước, sản xuất vật liệu xây dựng, xây dựng tòa nhà văn phòng, đồng thời tư vấn và giám sát thi công các công trình hạ tầng đô thị, nông thôn. Với ngành kinh doanh đặc trưng này, Halcom đã tham gia nhiều dự án do các tổ chức quốc tế uy tín như Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á, Bộ Ngoại giao Phần Lan… tài trợ.

Ngành nghề tiềm năng

Theo thống kê từ các tổ chức quốc tế, từ năm 2009 đến nay, Việt Nam chưa bao giờ đủ nước sinh hoạt. Trong giai đoạn 2009 - 2013, tỷ lệ cấp nước tăng trung bình 8,6%/năm. Tuy nhiên đến cuối năm 2013, nhu cầu về nước cũng mới chỉ được đáp ứng khoảng 80%. Dự báo đến năm 2020, nhu cầu sử dụng nước tại Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục gia tăng không ngừng, đặt các doanh nghiệp kinh doanh trước nhiều cơ hội cũng như thách thức lớn lao.

Ngoài nước sạch, tư vấn cũng là lĩnh vực mà Halcom chú trọng. Đây cũng là ngành đang được Chính phủ khuyến khích sự tham gia của các công ty tư nhân. Tỷ lệ đầu tư kết cấu hạ tầng trên GDP của Việt Nam tăng mạnh vào năm 2014, đạt 5,4% so với mức 1,8% trước đó. Xu hướng sử dụng các nguồn vốn ODA cho lĩnh vực này sẽ giảm dần trong tương lai, thay vào đó là hình thức hợp tác công tư, kéo theo sự đổ bộ của các công ty nước ngoài. Đây sẽ là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam tiếp nhận hỗ trợ về mặt kỹ thuật từ các nền kinh tế tiên tiến khác.

Đối với 2 lĩnh vực nói trên, Halcom đều có lợi thế đáng kể nhờ các mối quan hệ và kinh nghiệm có được sau 15 năm hoạt động. Tuy nhiên, kết quả kinh doanh của Halcom trong thời gian qua chưa thực sự khả quan.

Năm tài chính 2015 (từ 1/4/2015 đến 31/3/2016), Halcom lãi ròng 17,8 tỷ đồng, tăng 81,63% so với năm 2014. Tuy nhiên, thu nhập bình quân trên mỗi cổ phần (EPS) của Công ty chỉ ở mức 742 đồng. 

Tăng vốn gấp rút trước khi lên sàn

Như rất nhiều doanh nghiệp khác, Halcom đã chuẩn bị khá chu đáo cho việc niêm yết trên HOSE trong thời gian tới. Giữa năm 2015, Halcom đã phát hành riêng lẻ 24 triệu CP, tăng vốn điều lệ từ mức 60 tỷ đồng lên 300 tỷ đồng theo Nghị quyết ĐHCĐ thường niên 2015. CP được phát hành cho 19 cá nhân với mức giá 10.000 đồng/CP.  Sau phát hành, số lượng cổ đông của Halcom là 40 người. Tuy nhiên, tính đến 18/9/2015, tức là sau khi phát hành gần 2 tháng, số lượng cổ đông của Halcom đã được “chốt” ở con số 110 người, đủ điều kiện để Halcom trở thành công ty đại chúng, có thể niêm yết trên sàn chứng khoán. Giao dịch của Halcom có vẻ tương đối nhộn nhịp trong thời gian ngắn ngủi đó.

Năm 2016, Halcom đặt kế hoạch doanh thu và lợi nhuận sau thuế lần lượt đạt 180 tỷ đồng và 25,1 tỷ đồng, tăng 9,1% và 38,7% so với kết quả đạt được năm 2015.
Về tình hình tài chính, mặc dù khả năng sinh lợi của Halcom chưa thực sự ấn tượng, cơ cấu tài sản của Công ty tương đối an toàn với tỷ lệ Nợ/Tổng tài sản thấp, chỉ ở mức 23,55% (tại thời điểm 31/3/2016). Chi phí lãi vay của Công ty trong 2 năm 2014 và 2015 chỉ ở xung quanh mức 1 - 3 tỷ đồng, thấp hơn nhiều so với chi phí quản lý (từ 9 - 10 tỷ đồng).

Tổng tài sản cuối năm 2015 của Halcom đạt 432 tỷ đồng, tăng 296 tỷ đồng so với số dư đầu năm nhờ sự đóng góp đáng kể từ việc tăng 240 tỷ đồng vốn điều lệ. Trong năm 2015, sau khi huy động 240 tỷ đồng từ phát hành CP riêng lẻ, Halcom tăng cường đầu tư vào tài sản cố định. Chi phí xây dựng dở dang của Công ty tăng vọt từ mức 1,8 tỷ đồng lên gần 162 tỷ đồng chỉ sau 1 năm, nằm ở các dự án xử lý nước tại Hưng Yên và Cần Thơ. Ngoài ra, khoản mục trả trước cho người bán cũng tăng 90 tỷ đồng trong thời gian nói trên. Được biết đây là khoản trả trước cho các nhà cung cấp thi công công trình mở rộng, nâng công suất Nhà máy Cấp nước sạch thị trấn Hồ. Năm 2016, Halcom đặt kế hoạch doanh thu và lợi nhuận sau thuế lần lượt đạt 180 tỷ đồng và 25,1 tỷ đồng, tăng 9,1% và 38,7% so với kết quả đạt được năm 2015.

Hiện Halcom vẫn chưa chốt mức giá khởi điểm cũng như thời gian chính thức niêm yết trên sàn. Theo tính toán của chúng tôi, giá trị sổ sách mỗi CP của Công ty tại thời điểm 31/3/2016 đạt khoảng 11.000 đồng. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng mặc dù Halcom đã có một năm kinh doanh khởi sắc, EPS năm 2015 của Công ty cũng chỉ ở mức 742 đồng/CP, trong khi con số năm 2014 là 2.476 đồng/CP. Điều này cho thấy tốc độ gia tăng lợi nhuận của Halcom đến nay vẫn chưa “đuổi” kịp tốc độ tăng vốn. 

Tin cùng chuyên mục