Hàng Việt cần được ưu tiên hơn nữa trong đầu tư công

(BĐT) - Để nhanh chóng vực dậy nền kinh tế, Chính phủ đặt mục tiêu phải giải ngân hết số vốn đầu tư công còn lại trong năm 2019 và kế hoạch năm 2020 khoảng 700.000 tỷ đồng (tương ứng 30 tỷ USD). 
Doanh nghiệp được tạo điều kiện có việc làm thì nền kinh tế sẽ phục hồi và tăng trưởng nhanh hơn. Ảnh: Tường Lâm
Doanh nghiệp được tạo điều kiện có việc làm thì nền kinh tế sẽ phục hồi và tăng trưởng nhanh hơn. Ảnh: Tường Lâm

Cơ hội kích cầu đang rộng mở, nhưng để giúp doanh nghiệp (DN) nắm bắt được cơ hội này, nhiều ý kiến cho rằng, Chính phủ cần chỉ đạo mạnh mẽ, thống nhất từ trên xuống dưới trong việc ưu tiên sử dụng hàng Việt trong đầu tư công.

Đánh giá cao quyết tâm đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công của Chính phủ, nhiều hiệp hội DN cho rằng đây là việc làm cần thiết và cấp bách để kích cầu đầu tư, tiêu dùng trong toàn xã hội cũng như giúp DN khôi phục và tái thiết hoạt động sản xuất kinh doanh.

Theo đề xuất của Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, để tận dụng được cơ hội này, Chính phủ cần hỗ trợ sử dụng hàng hóa và dịch vụ của các DN trong nước, nhất là DN nhỏ và vừa, giúp DN có doanh thu và duy trì lao động, giữ chuỗi cung ứng không sụp đổ.

Đồng quan điểm, Hiệp hội cơ khí Việt Nam cũng mong muốn Chính phủ chỉ đạo giải quyết dứt điểm các dự án dở dang, dự án kém hiệu quả (cương quyết, sát sao như chống dịch) để đưa các dự án vào hoạt động, đáp ứng nhu cầu thị trường và tạo nguồn công việc cho DN. Đồng thời, các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo thực hiện một số dự án đầu tư công như giao thông, năng lượng, chống ngập mặn... để tạo nhiều việc làm cho DN trong nước. Một khi DN có việc làm thì nền kinh tế sẽ phục hồi và tăng trưởng nhanh hơn.

Trong khi xuất khẩu chưa phục hồi, Hiệp hội Cơ điện tỉnh Bình Dương kiến nghị Chính phủ kiên quyết chỉ đạo tăng cường sử dụng sản phẩm, vật tư, thiết bị trong nước sản xuất được trong đầu tư công để các DN sản xuất trong nước tiêu thụ sản phẩm, phục hồi sản xuất.

Hiệp hội DN TP.HCM phản ánh ý kiến của nhiều DN trên địa bàn Thành phố cho rằng, Nhà nước cần hỗ trợ DN phát huy cao nhất khả năng tiêu thụ sản phẩm ngay tại thị trường trong nước, hay nói cách khác là tạo thị trường trong nước cho DN. Đó là đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động của Ban Chỉ đạo thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, tạo ý thức và nề nếp của người dân tự nguyện ủng hộ hàng Việt Nam. Các dự án đầu tư công cần tăng cường các tiêu chí ưu tiên cho DN trong nước tham gia đấu thầu, xét chọn nhà thầu. Các gói mua sắm chính phủ chú ý nhiều hơn đến việc sử dụng sản phẩm trong nước, tạo cơ hội cho DN trong nước hoàn thiện chất lượng sản phẩm.

Bên cạnh những chính sách ưu tiên hàng hóa sản xuất trong nước, ông Phạm Văn Thể - Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Quảng Ninh (Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Hoàng Hà) chia sẻ, Chính phủ nên nới lỏng các điều kiện để giúp DN tiếp cận, góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án. Lúc đó, không chỉ các DN là nhà thầu xây dựng được hưởng lợi, mà còn kéo theo các DN sản xuất và cung ứng dịch vụ khác như sản xuất vật liệu xây dựng, ngân hàng...

Sự quyết tâm và vào cuộc quyết liệt của các bộ, ngành, địa phương cùng các cơ chế phù hợp sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho DN trong nước phát triển sản xuất kinh doanh, góp phần hiện thực hóa mục tiêu tạo “cú đấm thép” từ dòng vốn đầu tư công.

Tin cùng chuyên mục