Hỉ-nộ-ái-ố mùa ĐHCĐ 2016

(BĐT) - Một mùa Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) đầy cảm xúc về cơ bản đã đi qua. Dù thành công hay không, hầu hết các doanh nghiệp, ngân hàng đều đã tổ chức các cuộc họp theo đúng luật định. Hãy cùng Báo Đấu thầu nhìn lại những diễn biến nổi bật nhất trong mùa ĐHCĐ thường niên 2016 vừa qua.
Ảnh minh họa. Nguồn Internet
Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Những cuộc chiến

ĐHCĐ là cơ hội để các cổ đông gặp gỡ HĐQT công ty, về nguyên tắc là những người “làm thuê” cho mình. Như trong gia đình, việc cơm không lành canh không ngọt đôi khi không thể tránh khỏi. Xung đột lợi ích giữa các nhóm cổ đông, giữa nhóm cổ đông với ban lãnh đạo… tạo nên những tranh cãi gay gắt, có thể ví như những cuộc chiến.

“Nóng” nhất mùa ĐHCĐ vừa qua có lẽ là ĐHCĐ của Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank, mã chứng khoán EIB). Sau 2 lần tổ chức, ĐHCĐ vẫn bất thành do tỷ lệ tham dự không đạt yêu cầu (lần 1) và do bất đồng tại cuộc họp (lần 2).

Khác với hầu hết các doanh nghiệp khác, tranh cãi ở Eximbank không nhắm vào việc quản trị ngân hàng, hay lợi nhuận, hay cổ tức, những nội dung thường được các cổ đông quan tâm hơn cả. Những tranh cãi ở đây đều xoay quanh chiếc ghế HĐQT. Quy định về số lượng thành viên HĐQT là 9 hay 11 người, mâu thuẫn giữa Nghị quyết ĐHCĐ trước đó vào cuối năm 2015 và Nghị quyết HĐQT là mấu chốt cuộc tranh cãi này.

Tại cuộc họp lần 2, ngay khi Quy chế ĐHCĐ được đọc, một nhóm cổ đông đã đứng dậy phản đối gay gắt với luận điểm đơn giản: Quy chế chỉ có 3 thành viên ngồi ghế tọa đoàn nhưng lúc bấy giờ có tới 5 thành viên! Một tình huống ít ai ngờ tới, đó là việc… Tổng thống Mỹ Obama từ Hà Nội sẽ vào TP.HCM đúng thời điểm ĐHCĐ đang diễn ra và Eximbank buộc phải trả phòng khách sạn để phục vụ việc đón tiếp Ngài Tổng thống. Sự việc này đã khiến cuộc họp phải dừng lại hôm 24/5 vừa qua, và sẽ tổ chức lại vào ngày 2/8 tới đây. Vấn đề bầu cử HĐQT hứa hẹn sẽ là nội dung gây tranh cãi trong cuộc họp sắp tới của Eximbank.

Mâu thuẫn tại ĐHCĐ Công ty CP Kinh doanh Dịch vụ cao cấp Dầu khí Việt Nam (mã chứng khoán PVR) có phần… dễ hiểu hơn khi phát sinh từ kết quả kinh doanh bết bát của Công ty, đồng thời giá cổ phiếu lao dốc, gây tổn thất trực tiếp cho cổ đông, đặc biệt là những cổ đông lâu năm.

Với xuất phát điểm là một cổ phiếu thuộc “họ dầu khí”, PVR hấp dẫn các cổ đông nhỏ lẻ, đến từ nông thôn, hầu như không có nhiều kiến thức về thị trường chứng khoán. Nhóm cổ đông này cho biết họ đã mua PVR từ năm 2010 với mức giá 10.000 đồng/CP. Tuy nhiên, do thậm chí còn khá xa lạ với Internet, họ không biết tài sản của mình đã bốc hơi gần hết, giờ thị giá PVR chỉ xoay quanh mức 3.000 đồng/CP. Đây không phải năm đầu tiên nhóm cổ đông này lặn lội đường xa “lên Thủ đô” để bày tỏ những lo lắng, bức xúc của bản thân khi giá cổ phiếu Công ty lao dốc thảm hại như vậy. Nhóm cổ đông này cuối cùng cũng được xoa dịu bằng khoản tiền hỗ trợ đi lại đến từ Công ty. Tuy nhiên, điều này không hứa hẹn các cuộc họp năm sau, năm sau nữa… của PVR có thể yên bình trở lại.

Cổ phiếu lao dốc, nỗi đau không của riêng ai

Những diễn biến gay cấn tại các cuộc họp ĐHCĐ có lẽ là điều mà nhà đầu tư để tâm nhất, chỉ sau diễn biến giá cả cổ phiếu công ty. Cũng vì những cuộc gặp này, ban lãnh đạo các doanh nghiệp buộc phải thận trọng hơn, cố gắng hơn trong điều hành, để tránh những tình huống căng thẳng có thể xảy ra.
Khi đầu tư vào một doanh nghiệp, bên cạnh mức cổ tức kỳ vọng, có thể phần nào đoán trước (thông qua nghị quyết ĐHCĐ), điều mỗi cổ đông kỳ vọng là việc tăng giá cổ phiếu. Nhưng chẳng ai thắng nổi thị trường. Đồng thời, kết quả kinh doanh không như lời hứa, khiến giá cổ phiếu nhiều công ty lao dốc thảm hại, đặc biệt với những công ty có tốc độ tăng vốn khủng trong thời gian vừa qua.

Những tranh cãi tại cuộc họp ĐHCĐ Công ty CP Liên doanh Đầu tư Quốc tế KLF tưởng chừng như không có hồi kết khi các cổ đông một mực đòi hỏi HĐQT đưa ra những lý do thuyết phục cho việc họ không nắm giữ đáng kể cổ phiếu của Công ty, kết quả kinh doanh giảm sút, giá cổ phiếu lao dốc… Rốt cuộc, 2 thành viên HĐQT đã phải cam kết sẽ đăng ký mua vào tổng cộng 700.000 CP của Công ty trong vòng 1 tháng sau ĐHCĐ thường niên. Đã nửa tháng trôi qua, HĐQT KLF vẫn chưa có động thái thực hiện lời hứa nói trên. Cổ phiếu KLF hiện đang giao dịch xung quanh mức giá 2.700 đồng, gần bằng một cốc trà đá!

Khá hơn một chút, cổ phiếu FIT của Công ty CP Đầu tư F.I.T hiện đang được giao dịch xung quanh mức giá 6.100 đồng. Tuy nhiên, điều này cũng không khiến các cổ đông Công ty hài lòng khi cổ phiếu đã lao dốc đáng kể trong 1 năm vừa qua, từ mức giá tương đương 12.000 đồng. Ngoài ra, hầu hết lãnh đạo FIT cũng không nắm giữ đáng kể cổ phần Công ty. Những lời hứa, trấn an của lãnh đạo đối với cổ đông vì vậy cũng trở nên không giá trị. Cổ đông vẫn có lý do để bức xúc, để tranh cãi…

Hờ hững...

Với Thủy hải sản Việt Nhật (VNH), Tập đoàn Đại Dương (OGC)…, ĐHCĐ lại chứng kiến sự “hờ hững” của hầu hết cổ đông khi phải đến lần 3 mới tổ chức thành công. Tại ĐHCĐ được tổ chức lần 3, ông Lê Quang Thụ, Chủ tịch HĐQT của OGC bày tỏ: “Việc ĐHCĐ phải tổ chức 3 lần, đối với cổ đông là sự bức xúc, còn thực sự đối với chúng tôi, đó là sự cô độc, là cảm giác bị bỏ rơi”…

Những diễn biến gay cấn tại các cuộc họp ĐHCĐ có lẽ là điều mà nhà đầu tư để tâm nhất, chỉ sau diễn biến giá cả cổ phiếu công ty. Cũng vì những cuộc gặp này, ban lãnh đạo các doanh nghiệp buộc phải thận trọng hơn, cố gắng hơn trong điều hành, để tránh những tình huống căng thẳng có thể xảy ra.

Tin cùng chuyên mục