Lọc hóa dầu Bình Sơn: Tự chủ để khẳng định mình

(BĐT) - Ngày 3/9 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1725/QĐ-TTg về việc đồng ý chấp thuận cho Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) được hoạt động theo cơ chế tự chủ kể từ ngày 1/1/2017. Đây là cơ hội hay thách thức của BSR? 
Ông Trần Ngọc Nguyên, Tổng giám đốc BSR.
Ông Trần Ngọc Nguyên, Tổng giám đốc BSR.

Để tìm hiểu rõ hơn vấn đề này, Báo Đấu thầu đã có cuộc trao đổi với ông Trần Ngọc Nguyên, Tổng giám đốc BSR. 

Thưa ông, được xem là dự án hưởng nhiều ưu đãi của Nhà nước trong những năm qua, vậy BSR “có liều” khi xin hoạt động theo cơ chế tự chủ?

Trong thời gian qua, dư luận cho rằng BSR lãi được là nhờ cơ chế ưu đãi của Nhà nước về thuế cũng như các nghĩa vụ tài chính đối với ngân sách nhà nước. Vì vậy, khi chúng tôi xin được hoạt động theo cơ chế tự chủ, nhiều người cho rằng chúng tôi “liều”. Tuy nhiên chúng tôi hoàn toàn tự tin rằng đây chính là cơ hội để BSR khẳng định mình.

Năm 2015, BSR nộp ngân sách 22 nghìn tỷ đồng, năm 2016 kế hoạch là 16 nghìn tỷ đồng. Với việc Chính phủ duyệt chính sách thuế ngang với thị trường là cơ hội để sản phẩm của BSR cạnh tranh bình đẳng với các sản phẩm của các nước trong khu vực. Thêm vào đó, so với các doanh nghiệp trong khu vực, chúng tôi có những lợi thế mà không doanh nghiệp nào có được: Thứ nhất là vận chuyển và bảo hiểm, vì khi mua hàng trong nước thì chi phí vận chuyển và bảo hiểm sẽ rẻ hơn. Thứ hai, đồng tiền thanh toán là đồng tiền Việt Nam, khi mua hàng từ BSR thì khách hàng trả bằng tiền Việt, còn khi  nhập khẩu thì phải trả bằng đồng USD, do đó doanh nghiệp nhập khẩu bị ảnh hưởng khi tỷ giá đồng USD tăng. Thứ ba là thời gian đóng thuế, nếu doanh nghiệp mua trong nước thì mua xong 30 ngày sau mới phải nộp thuế nhập khẩu, còn khi mua hàng nhập khẩu thì phải đóng thuế nhập khẩu xong mới được nhập hàng. Thứ tư, giảm giá hàng tồn kho, nếu mua tại trong nước hàng được giao ngay, thời gian nhanh hơn, còn nhập khẩu thì thời gian vận chuyển về lâu, do đó khi giá giảm, toàn bộ lô hàng sẽ bị ảnh hưởng.

Vì những lý do trên, khi hoạt động theo cơ chế tự chủ, chắc chắn các đầu mối sẽ quay lại mua sản phẩm của BSR. Và khi BSR bán được nhiều sản phẩm thì Nhà máy Lọc dầu sẽ vận hành ở công suất tối ưu và an toàn. Khi công suất tăng thêm thì nộp ngân sách cũng sẽ tăng lên. 

Ông Trần Ngọc Nguyên, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn đang chỉ đạo sản xuất

Tuy nhiên, khi vận hành theo cơ chế tự chủ, những ưu đãi trước kia của BSR sẽ không còn, ông nhìn nhận về vấn đề này thế nào?

Bắt đầu từ ngày 1/1/2017 chúng tôi hoạt động theo cơ chế tự chủ, lúc đấy Nhà nước không cho gì BSR, BSR cũng không phải xin gì Nhà nước. Đấy gọi là cơ chế không thu - không bù. BSR lúc này sẽ hoạt động theo quy luật và cơ chế thị trường. Với 4 lợi thế nêu trên, chắc chắn các đối tác sẽ mua hàng BSR mà không mua hàng nhập khẩu. Nhất là khi chúng tôi mới đáp ứng được 40%, còn 60% nhu cầu xăng dầu vẫn là nhập khẩu. 

Chắc hẳn BSR đã có chuẩn bị tốt khi hoạt động theo cơ chế tự chủ, thưa ông?

Đúng vậy, BSR luôn chủ động trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, không trông chờ ỷ lại hay chờ cơ chế. Chúng tôi luôn chú trọng nâng cao năng lực cạnh tranh bằng cách thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học, áp dụng công nghệ mới. Từ năm 2009 đến nay BSR đã thực hiện 121 đề tài nghiên cứu khoa học với tổng số tiền tiết kiệm đem lại trên 5 nghìn tỷ đồng. Công ty đã áp dụng các giải pháp tiết kiệm, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến trong sản suất và chúng tôi làm hết sức quyết liệt. Năm 2015, tổng số tiền tiết kiệm là trên 500 tỷ đồng. Năm 2016, Công ty dự kiến sẽ tiết kiệm khoảng 500 tỷ đồng nhờ ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất. Đặc biệt, đến hết năm 2016, BSR sẽ hoàn thành chuyển đổi ISO 9001 và 14001 sang phiên bản 2015.

Phiên bản 2015 đề cao công tác đánh giá và quản trị rủi ro, rất phù hợp với lọc hóa dầu, vốn là ngành có mức độ rủi ro rất cao. Nhà máy Lọc dầu được xây dựng theo tiêu chuẩn quốc tế, hệ thống quản trị hiện đại và công tác an toàn được đặt lên hàng đầu. Hiện nay, BSR đang tiếp tục hoàn thiện hệ thống quản trị. Tổ chức Marsh Risk Consulting (Singapore) đang xây dựng cho BSR hệ thống quản trị rủi ro. Ví dụ như thời gian vừa rồi, do chênh lệch tỷ giá, giá dầu giảm..., tình hình sản suất, kinh doanh của BSR đã bị ảnh hưởng rất mạnh. Tổ chức này vào khảo sát, đánh giá theo thông lệ quốc tế; đầu tiên áp dụng mô hình này vào các nhà máy, rồi cho một số bộ phận như mảng kinh doanh, thị trường, tài chính kế toán…

Việc được hoạt động theo cơ chế tự chủ cũng là cơ hội để chúng tôi minh bạch hóa các hoạt động sản xuất kinh doanh và tạo tiền đề trong việc thu hút vốn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước khi mà BSR sẽ IPO vào cuối năm 2017 theo lộ trình Chính phủ đặt ra.

Xin cảm ơn ông!

Tin cùng chuyên mục