Nguy cơ thất thoát hơn 100 tỷ đồng tại Hanel

(BĐT) - Hơn 3 năm kể từ khi đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO), Công ty CP Hanel đã đưa cổ phiếu giao dịch trên sàn UPCoM từ giữa tháng 2/2020, giúp nhà đầu tư tiếp cận được thông tin quản trị và tình hình kinh doanh của doanh nghiệp. Báo cáo tài chính năm 2019 của Công ty vừa được công bố cho thấy tình hình kinh doanh suy giảm, xuất hiện nguy cơ thất thoát hơn 100 tỷ đồng.
Hiện tại, Hanel và Công ty CP Đầu tư và Phát triển N&G chưa thể thống nhất đối chiếu số liệu công nợ khiến việc thu hồi khoản nợ hơn 100 tỷ đồng không có nhiều tiến triển. Ảnh: St
Hiện tại, Hanel và Công ty CP Đầu tư và Phát triển N&G chưa thể thống nhất đối chiếu số liệu công nợ khiến việc thu hồi khoản nợ hơn 100 tỷ đồng không có nhiều tiến triển. Ảnh: St

Nguy cơ thất thoát này đến từ khoản nợ khó đòi với Công ty CP Đầu tư và Phát triển N&G (N&G). Tính đến ngày 31/12/2019, Hanel ghi nhận công nợ phải thu với N&G số tiền gần 103 tỷ đồng. Hanel cho biết, con số nợ trên chưa được Công ty ghi nhận khoản lãi chậm thanh toán cho giai đoạn từ 28/6/2017 - 31/12/2019 do khoản nợ phải thu này đã quá hạn thanh toán nhiều năm và chưa đối chiếu công nợ với N&G. Như vậy, có thể hiểu, khoản phải thu với N&G không chỉ dừng lại ở con số 103 tỷ đồng, nếu được ghi nhận đầy đủ cả phần lãi chậm trả.

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2019 diễn ra vào tháng 5/2019, Hanel cho biết đã thành lập ban xử lý công nợ để lên phương án xử lý khoản phải thu của N&G. Cho đến hiện tại, hai bên chưa thể thống nhất đối chiếu số liệu cuối cùng, điều này cho thấy việc thu hồi khoản nợ không có nhiều tiến triển.

Tiền thân của Hanel là Công ty Điện tử Hà Nội thành lập năm 1984 và được phê duyệt cổ phần hóa vào năm 2015. Hiện Công ty hoạt động chính trong các lĩnh vực công nghệ thông tin, kinh doanh thương mại, đầu tư các dự án hạ tầng công nghệ cao, bất động sản, khu công nghiệp… Sau đợt IPO vào tháng 4/2016 không thành công, cổ đông nhà nước là UBND TP. Hà Nội vẫn giữ tỷ lệ sở hữu lên đến 97,93% tại Hanel.
Báo cáo tài chính của Hanel không thuyết minh rõ về bản chất công nợ giữa Hanel và N&G. Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đấu thầu, N&G là một đối tác quen thuộc của Hanel dưới thời Chủ tịch HĐQT Nguyễn Quốc Bình. Năm 2012, Hanel cho N&G vay 40 tỷ đồng và con số này tăng lên thành 80 tỷ đồng trong năm 2015. Bản chất của các giao dịch này có thể hiểu là Hanel ủy thác đầu tư cho N&G.

Theo một chuyên gia tài chính, hình thức ủy thác đầu tư rất dễ gây thất thoát bởi không có gì là đảm bảo chắc chắn 100% tiền đầu tư sẽ sinh lời, nhất là khi bên nhận ủy thác có ít kinh nghiệm về tài chính, đầu tư.

Bên cạnh việc cho vay, Hanel cũng mạnh tay chi 54 tỷ đồng để sở hữu 3 triệu cổ phần N&G vào năm 2012. Sau đó, Hanel đã thoái vốn tại N&G nhưng không công bố lãi lỗ từ thương vụ này.

Liên quan đến khoản nợ trên, Công ty TNHH Kiểm toán VACO - đơn vị thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính năm 2019 của Hanel - cho biết, khoản nợ này đã quá hạn thanh toán nhưng chưa được Công ty đánh giá việc trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi, ước tính giá trị khoảng 78,92 tỷ đồng. Như vậy, nếu không thể thu hồi thì đây sẽ là khoản thất thoát lớn cho Hanel và người chịu ảnh hưởng lớn nhất là cổ đông nhà nước của Công ty.

Tên tuổi của Hanel gắn bó mật thiết với cựu Chủ tịch HĐQT Nguyễn Quốc Bình, tuy nhiên ông Bình đã về hưu vào cuối năm 2019, trước thời điểm doanh nghiệp này đưa cổ phần lên giao dịch trên sàn UPCoM. Người kế nhiệm chức Chủ tịch HĐQT Hanel là ông Nguyễn Đình Vinh.

Năm 2019, doanh thu hợp nhất của Hanel đạt 844,2 tỷ đồng, giảm 21% so với năm 2018. Lợi nhuận hợp nhất sau thuế giảm 42% xuống còn 138,3 tỷ đồng. Tuy vậy, những con số này chưa phản ánh chính xác tình hình kinh doanh của Hanel khi Công ty chưa tính chi phí trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi, các khoản lãi lỗ từ đầu tư vào các công ty liên doanh, liên kết…

Tin cùng chuyên mục