Nhận diện rủi ro chính sách với ngành bán lẻ

(BĐT) - Trước sự lấn át của khối ngoại với ngành bán lẻ, việc tìm ra những “khoảng không” để Nhà nước hỗ trợ về mặt chính sách nhằm giúp doanh nghiệp bán lẻ nội địa nâng sức cạnh tranh trong hội nhập được cho là rất cần thiết trong lúc này.
Ảnh minh họa. Ảnh Internet
Ảnh minh họa. Ảnh Internet

Tự tin trước khó khăn

Kết quả điều tra sơ bộ mới nhất từ 100 doanh nghiệp (DN) có hoạt động bán lẻ về “Nhận diện rủi ro về chính sách đối với ngành bán lẻ Việt Nam trong bối cảnh hội nhập TPP và EVFTA” của Trung tâm WTO và Hội nhập thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) được đưa ra tham vấn cho thấy, có tới 58% DN thừa nhận việc mở cửa cho các nhà đầu tư TPP, EU vào thị trường bán lẻ Việt Nam sẽ khiến cho hoạt động của họ trở nên khó khăn hơn.

Mặc dù vậy, các DN bán lẻ vẫn nhìn nhận và mong chờ ở những tác động tích cực của các cam kết này nhiều hơn. Có tới 98% DN đánh giá đây là cơ hội để DN học hỏi và phát triển. 91% DN bán lẻ cho rằng TPP và EVFTA sẽ giúp họ có thêm nguồn cung hàng hoá phong phú với giá cả hợp lý hơn. Điều bất ngờ thu được từ kết quả điều tra là trước các đối thủ cạnh tranh nước ngoài trên thị trường Việt Nam, DN bán lẻ nội địa tự tin nhất ở việc hiểu tâm lý khách hàng và giá cả hàng hoá.

Tuy nhiên, số DN bán lẻ có hiểu biết về TPP và EVFTA được nhìn nhận là ở mức trung bình so với nhận thức của cộng đồng DN nói chung. Giới chuyên gia nhận định điều đó cho thấy khiếm khuyết trong phổ biến TPP và EVFTA cho DN ngành bán lẻ. Kết quả cũng phản ánh thực tế các DN mới chỉ biết tới các hiệp định này theo phong trào, dưới tác động của báo chí, hơn là xuất phát từ các quan tâm cụ thể về các cam kết trong lĩnh vực của mình.

“Không gian” cho chính sách

TS. Nguyễn Thị Thu Trang, thành viên Nhóm nghiên cứu kết quả điều tra của VCCI, nhận định, 4 khía cạnh của ngành bán lẻ nội địa là nguồn cung hàng hoá, lao động, mặt bằng và vốn thì dường như đang có những vấn đề khó khăn. Bà Trang đơn cử như nguồn cung nội địa, chỉ có hơn 50% DN được khảo sát đánh giá là nguồn cung thuận lợi, vẫn có trên 10% đánh giá là khó khăn, và số DN còn lại đánh giá vừa thuận lợi vừa khó khăn. Rõ ràng là trong lưu thông hàng hoá, trong hệ thống phân phối, trong vấn đề lưu chuyển đang có vấn đề mà chính sách có thể can thiệp vào để hỗ trợ DN bán lẻ nội địa.

Theo giới chuyên gia, Nhà nước cũng cần có chính sách hỗ trợ để xây dựng đội ngũ nhân lực ngành bán lẻ chất lượng hay những chính sách liên quan đến mặt bằng (đơn cử như thuế). Đây chính là “không gian” để Nhà nước có thể can thiệp về mặt chính sách. Việc thiết kế những mô hình, gói vay cho ngành bán lẻ cũng sẽ giúp DN bán lẻ tiếp cận nguồn vốn thuận lợi hơn.

TS. Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam cho biết, vẫn còn những “không gian” chính sách mà Nhà nước có thể hỗ trợ để DN bán lẻ nội địa lớn mạnh mà không trái với cam kết hội nhập. Chẳng hạn như triển khai chính sách hỗ trợ xây dựng hạ tầng cho ngành bán lẻ, giúp DN có mặt bằng tốt hơn, nhất là ưu đãi đầu tư hệ thống chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, logistics. Điều quan trọng là tạo điều kiện cho DN bán lẻ tiếp cận mặt bằng để phát triển thì mới có thể cạnh tranh được với các DN bán lẻ nước ngoài.

Tin cùng chuyên mục