Petroland làm ăn bết bát dưới thời ông Bùi Minh Chính

(BĐT) - Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an vừa bắt tạm giam, khám xét đối với Bùi Minh Chính, Chủ tịch HĐQT, nguyên Giám đốc Công ty CP Đầu tư hạ tầng và đô thị dầu khí (Petroland) để điều tra hành vi "lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ". Dưới thời ông Bùi Minh Chính, Petroland liên tục thua lỗ, nhiều dự án dang dở được chuyển nhượng không qua đấu giá.

(Đơn vị tính: Tỷ đồng)

Ngày 24/5/2007, Petroland được thành lập trên cơ sở chuyển đổi từ Ban Quản lý các dự án công trình xây dựng phía Nam thành công ty cổ phẩn theo Nghị quyết số 2892/NQ-DK của HĐQT Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN). Ngày 1/11/2007, Công ty chính thức hoạt động với cổ đông chính là Tổng công ty CP Xây lắp dầu khí Việt Nam và các đơn vị khác thuộc PVN.

Ông Chính tham gia vào Petroland ngay từ những ngày đầu thành lập. Đến tháng 5/2009, ông được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc và tháng 6/2017 kiêm nhiệm thêm chức Chủ tịch HĐQT. Tháng 8/2019, ông thôi tham gia vào Ban giám đốc Công ty.

Dưới thời ông Chính, Petroland bắt đầu gặt hái được thành công sau khi khánh thành Dự án Trung tâm Thương mại tài chính Dầu khí Phú Mỹ Hưng (Petroland Tower) vào năm 2011. Cũng trong năm này, Petroland ghi nhận mức lãi ròng kỷ lục 126 tỷ đồng.

 Dù sở hữu nhiều dự án khác tại TP.HCM và Vũng Tàu nhưng những năm sau đó, doanh thu và lợi nhuận của Petroland bắt đầu sụt giảm, thậm chí còn thua lỗ.

6 tháng đầu năm 2019, Petroland ghi nhận doanh thu đạt 22,1 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế âm 6,1 tỷ đồng. Kết quả kinh doanh của Petroland không tích cực dù Công ty có vốn điều lệ lên đến 1.000 tỷ đồng và có không ít dự án tiềm năng.

Tính đến cuối quý II/2019, Petroland báo lỗ lũy kế lên đến 238 tỷ đồng. Tuy vậy, theo Công ty TNHH Kiểm toán Deloitte - đơn vị thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính của Petroland - con số này có thể tăng thêm 28,5 tỷ đồng nếu Petroland ghi nhận giá vốn hàng bán của công trình Chung cư cao tầng Phú Mỹ theo chi phí thực tế thay vì đang ghi nhận theo số liệu dự toán.

Với kết quả kinh doanh thiếu tích cực, Petroland phải chuyển nhượng vốn góp tại các pháp nhân dự án cho đối tác. Đầu năm 2018, Petroland chuyển nhượng toàn bộ 19,615 triệu cổ phần nắm giữ tại Công ty CP Đầu tư Dầu khí Nha Trang (chủ đầu tư sân golf và biệt thự sinh thái Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa có tổng diện tích 171,9 ha), tương đương 62,1% vốn điều lệ cho Công ty CP Dịch vụ và Xây dựng Địa ốc Đất Xanh. Petroland đã bán thỏa thuận cho Đất Xanh số cổ phần nêu trên với giá trị chuyển nhượng gần 226 tỷ đồng thay vì bán đấu giá.

Trước đó, vào tháng 11/2016, Petroland và Đất Xanh đã ký kết hợp đồng chuyển nhượng 100% cổ phần Công ty CP Đầu tư Dầu khí Thăng Long với mức giá hơn 500 tỷ đồng cũng không thông qua đấu giá. Đầu tư Dầu khí Thăng Long được thành lập nhằm mục đích thực hiện Dự án Chung cư Thăng Long tại phường Phước Long B, Quận 9, TP.HCM. Đây là dự án có quy mô 2,174 tỷ đồng, thực hiện trên khu đất 61,561.8 m2.

Một điểm đáng chú ý trong vụ chuyển nhượng cổ phần Công ty CP Đầu tư Dầu khí Thăng Long là Petroland phải thực hiện thanh toán cả tiền sử dụng đất cho đối tác. Theo một cổ đông tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2019 của Petroland, số tiền Petroland sẽ phải đóng tiền sử dụng đất ước tính lên đến 500 tỷ đồng. Do đó, nếu so với giá bán cho Đất Xanh thì mảnh đất 6 ha tại Quận 9 (TP.HCM) chỉ thu ròng vài chục tỷ đồng.

Tin cùng chuyên mục