Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp: Tránh “vừa đá bóng vừa thổi còi”

(BĐT) - Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang lấy ý kiến góp ý xây dựng Dự thảo Nghị định quy định về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp. 
Việc thành lập cơ quan chuyên trách quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp sẽ góp phần kiến tạo môi trường kinh doanh bình đẳng. Ảnh: Vũ Hướng
Việc thành lập cơ quan chuyên trách quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp sẽ góp phần kiến tạo môi trường kinh doanh bình đẳng. Ảnh: Vũ Hướng

Các chuyên gia kinh tế nhấn mạnh, việc thành lập Ủy ban là cần thiết nhằm khắc phục những bất cập, hạn chế của mô hình cơ quan chủ sở hữu hiện nay. 

Đáp ứng yêu cầu thực tiễn đổi mới

Tại Dự thảo Tờ trình, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, trên thực tế, việc tổ chức và cơ chế thực hiện quyền chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp còn phân tán, dẫn tới vướng mắc và lúng túng trong phối hợp giữa các cơ quan, làm giảm hiệu lực, hiệu quả quản lý, gây khó khăn cho tổ chức, hoạt động và đổi mới quản trị doanh nghiệp nhà nước. Việc phân chia chức năng chủ sở hữu phân tán cho nhiều cơ quan dẫn tới hậu quả là không rõ trách nhiệm giải trình, khó xác định được tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm chính đối với những vụ việc sai phạm, thua lỗ, thất thoát, mất vốn nhà nước... “Những bất cập và hạn chế này đã tồn tại trong một thời gian dài và khó có thể khắc phục nếu như không đổi mới và thay thế bằng mô hình cơ quan đại diện chủ sở hữu chuyên trách, chuyên nghiệp và có trách nhiệm giải trình đầy đủ”, Dự thảo Tờ trình nhấn mạnh.

Hơn nữa, Nghị định được ban hành góp phần tạo điều kiện cho các bộ, UBND làm tốt hơn nhiệm vụ quản lý hành chính nhà nước, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường. Khi tách chức năng đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp ra khỏi các cơ quan quản lý hành chính nhà nước sẽ góp phần kiến tạo môi trường kinh doanh bình đẳng cho các doanh nghiệp. Mặt khác, Ủy ban được thành lập tạo điều kiện cho các cơ quan nhà nước tập trung năng lực vào thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước ngày càng phức tạp và nặng nề trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội.

Đồng tình với sự cần thiết phải ban hành Nghị định, ông Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty Luật BASICO cho rằng, mục tiêu lớn nhất của việc thành lập cơ quan chuyên trách là khắc phục được một phần bất cập, hạn chế của mô hình cơ quan chủ sở hữu hiện nay. Theo đó, có hai điểm mấu chốt Nghị định cần giải quyết để Ủy ban hoạt động hiệu quả. Đầu tiên, đây là cơ quan chuyên trách quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp nên các cơ quan quản lý nhà nước khác phải tuyệt đối không dính dáng hay can thiệp đến quyết định quản lý vốn nhà nước. Thứ hai là quyền của Ủy ban phải đúng nghĩa là quyền của cổ đông chủ sở hữu vốn, tức là họ được quyền quyết định tài chính. Quyết định này có thể sẽ có thắng, có thua chứ không nhất thiết phải an toàn. “Nguyên tắc này sẽ giúp Ủy ban hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích, tránh kiểu cái nọ xọ cái kia, vừa đá bóng vừa thổi còi”, ông Đức nói.

TS. Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế cho rằng, Ủy ban được thành lập thực hiện quản lý vốn và làm chủ sở hữu sẽ tránh được việc các bộ, UBND vừa quản lý nhà nước và quản lý vốn. Khi không còn là chủ sở hữu sẽ bớt nhiều mối quan hệ sân trước, sân sau…; quyền liên quan đến cấp vốn đầu tư, giảm đáng kể các vấn đề mà chúng ta vẫn có ý kiến. 

Đề xuất nguyên tắc về quản lý tài chính, tài sản

Liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn đặc thù của Ủy ban về quản lý tài chính, tài sản, có ý kiến cho rằng, Ủy ban là cơ quan thuộc Chính phủ, thực hiện quản lý về tài sản, tài chính như các cơ quan thuộc Chính phủ khác và không có cơ chế đặc thù. Theo quan điểm của cơ quan soạn thảo, Ủy ban là một tổ chức đặc biệt của Chính phủ, vừa là cơ quan thuộc Chính phủ, vừa là một cơ quan đại diện chủ sở hữu có nhiệm vụ quản lý, đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước.

Vì vậy, để Ủy ban thực hiện các nhiệm vụ đặc thù được giao, Dự thảo quy định Bộ Tài chính ban hành văn bản hướng dẫn hoạt động tài chính của Ủy ban theo nguyên tắc. Thứ nhất, ngân sách nhà nước đảm bảo chi phí thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Ủy ban, bao gồm cả chi đầu tư phát triển và chi thường xuyên.

Thứ hai, nguồn chi ngân sách nhà nước được cân đối trong khoản thu ngân sách nhà nước từ cổ phần hoá, sắp xếp, thoái vốn nhà nước, cổ tức, lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp do Ủy ban làm đại diện chủ sở hữu. Bên cạnh chế độ tiền lương theo quy định, cơ quan chuyên trách có phần thu nhập bổ sung gắn với hiệu quả quản lý vốn nhà nước và năng suất lao động của các doanh nghiệp do Ủy ban làm đại diện chủ sở hữu.

Tin cùng chuyên mục