Sửa khái niệm có thể tăng mạnh số lượng DNNN

(BĐT) - Đề xuất sửa đổi khái niệm doanh nghiệp nhà nước (DNNN) trong Luật Doanh nghiệp còn những ý kiến khác nhau về xác định tiêu chí "cổ phần, phần vốn góp chi phối của Nhà nước”. 
Việc xác định khái niệm DNNN cần cân nhắc yếu tố quản trị DN và tiến trình cơ cấu lại DNNN. Ảnh: Tiên Giang
Việc xác định khái niệm DNNN cần cân nhắc yếu tố quản trị DN và tiến trình cơ cấu lại DNNN. Ảnh: Tiên Giang

Có ý kiến cho rằng, trường hợp mở rộng khái niệm DNNN theo nghĩa "chi phối" với phạm vi rộng nhất thì số lượng DNNN sẽ tăng mạnh so với hiện tại.

Để thể chế hóa Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5, Khoản 25 Điều 2 Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và Luật DN đã bổ sung Điều 87a vào Luật DN để sửa đổi khái niệm DNNN theo hướng quy định DNNN là DN mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ và DN khác có cổ phần, phần vốn góp chi phối của Nhà nước.

Theo ông Phan Đức Hiếu, thành viên Ban soạn thảo Luật, tinh thần Nghị quyết được hiểu rằng, DNNN được phân thành 2 loại. Đó là DN mà Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, và DN mà Nhà nước không nắm giữ 100% vốn điều lệ nhưng có sở hữu đến mức chi phối doanh nghiệp đó. Đối với mỗi loại DNNN sẽ cần có phương thức quản lý, giám sát phù hợp nhằm mục tiêu nâng cao hiệu quả kinh tế, tăng cường công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình, nhưng đảm bảo hoạt động theo cơ chế thị trường, bình đẳng với DN thuộc các thành phần kinh tế khác.

Đồng quan điểm này, tại một cuộc họp liên quan, ông Lê Mạnh Hùng, đại diện Cục Phát triển DN thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhìn nhận, sẽ không chỉ đơn giản là sửa đổi khái niệm mà còn là cả một câu chuyện quản lý trong cách đặt vấn đề về DNNN.

Liên quan đến Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và Luật DN, tại phiên họp chuyên đề của Chính phủ về xây dựng pháp luật vừa qua, đa số ý kiến nhất trí rằng, cần tách dự án luật này thành 2 dự án luật: Luật Đầu tư (sửa đổi) và Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) do quy mô, nội dung sửa đổi lớn. Thông tin từ Ban soạn thảo cho biết, hiện Ban soạn thảo đang thực hiện tách hai luật trên và hoàn thiện hồ sơ Dự án theo yêu cầu.
Tờ trình mới nhất về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và Luật DN đang được đưa ra lấy ý kiến cho biết, hiện có 2 luồng ý kiến khác nhau trong việc xác định tiêu chí "cổ phần, phần vốn góp chi phối của Nhà nước".

Luồng ý kiến thứ nhất đề nghị quy định "cổ phần, phần vốn góp chi phối của Nhà nước" là trường hợp Nhà nước sở hữu từ 51% vốn điều lệ trở lên hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. Quy định như vậy sẽ luôn bảo đảm để chủ sở hữu Nhà nước chi phối một cách chủ động việc ban hành đa số quyết định thông thường của DN, vì theo quy định của Luật DN thì các quyết định loại này được thông qua khi được cổ đông sở hữu từ 51% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết chấp thuận.

Mặt khác, việc áp dụng tỷ lệ này sẽ không gây nhiều nghi ngại của các thành viên, cổ đông tư nhân cho rằng DN có phần vốn góp, cổ phần đa số của thành viên, cổ đông tư nhân vẫn bị coi là DNNN và bị Nhà nước kiểm soát. Ngoài ra, việc thực hiện phương án này sẽ không dẫn đến thay đổi lớn, đòi hỏi phải sửa đổi cơ bản các quy định về DNNN, vì hệ thống quy định về giám sát, quản lý DNNN đang phân loại theo tiêu chí tương tự.

Luồng ý kiến thứ hai đề nghị quy định "cổ phần, phần vốn góp chi phối" là trường hợp Nhà nước sở hữu trên 35% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. Quy định này được đề xuất trên cơ sở quan điểm cho rằng phải hạ thấp tỷ lệ vốn điều lệ của chủ sở hữu Nhà nước tại DN xuống 35% để mở rộng khái niệm DNNN theo nghĩa chi phối với phạm vi rộng nhất. Theo ông Hiếu, nghĩa là, trong trường hợp chủ sở hữu Nhà nước nắm giữ trên 35% vốn điều lệ thì quyết định của DN có thể không được thông qua nếu không được sự đồng ý của chủ sở hữu Nhà nước. Quy định như vậy sẽ tạo cơ sở pháp lý cho việc quản lý chặt chẽ hơn hoạt động của DNNN. 

Nghiên cứu đánh giá tác động của Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho thấy, trong trường hợp mở rộng tối đa khái niệm DNNN theo nghĩa chi phối rộng nhất thì ít nhất có thêm 1.282 công ty cổ phần được gọi là DNNN và trở thành đối tượng điều chỉnh của pháp luật về DNNN. Lý do là, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, đến ngày 1/1/2018, cả nước có 1.204 DN 100% vốn nhà nước thuộc mọi cấp độ quản lý; 1.282 công ty cổ phần có cổ phần nhà nước lớn hơn 50% thuộc mọi cấp quản lý (bao gồm cả công ty con của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước).

Tin cùng chuyên mục