Thép Việt khó chen chân vào thị trường CPTPP

(BĐT) - Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) được dự báo sẽ mở ra nhiều cơ hội xuất khẩu cho doanh nghiệp (DN) thép của Việt Nam. 
Giá bán và hàm lượng công nghệ trong sản phẩm thép Việt vẫn còn khoảng cách so với các nước. Ảnh: Lê Tiên
Giá bán và hàm lượng công nghệ trong sản phẩm thép Việt vẫn còn khoảng cách so với các nước. Ảnh: Lê Tiên

Tuy nhiên, kết quả hoạt động kinh doanh của nhiều DN thép trong quý I/2019 cho thấy một bức tranh ảm đạm khi lợi nhuận giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2018. Dường như các DN thép vẫn chưa chớp được cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu.

Cơ hội rất lớn

Nhiều nước thành viên CPTPP được đánh giá có nhu cầu nhập khẩu thép thành phẩm chiếm tỷ trọng lớn trên toàn cầu hoặc là thị trường mới của Việt Nam như Canada, Malaysia. Hiệp hội Thép Việt Nam cho rằng, CPTPP chính là cơ hội cho DN thép Việt Nam tiếp cận các thị trường này để tăng kim ngạch xuất khẩu nhờ hàng rào thuế quan được dỡ bỏ. Đặc biệt, trong bối cảnh thép Việt Nam đang phải chịu rất nhiều vụ kiện phòng vệ thương mại từ các nước, thì CPTPP chính là một cánh cửa để thép Việt Nam “xuất ngoại” dễ dàng hơn.

Tuy CPTPP đã có hiệu lực được khoảng 4 tháng, nhưng xem ra các DN thép Việt chưa tận dụng được bao nhiêu. Thông tin mới nhất là cuối tháng 4/2019, Tập đoàn Hoa Sen xuất khẩu lô hàng 15.000 tấn tôn, trị giá 12 triệu USD đi Mexico. Thời gian qua, Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát đã có xuất khẩu sang một số thị trường thành viên CPTPP (Nhật Bản, Malaysia..) nhưng lượng hàng xuất vẫn chưa nhiều.

Trao đổi với Báo Đấu thầu, ông Võ Minh Nhựt, Tổng giám đốc Công ty TNHH Bluescope Việt Nam nhìn nhận, với thị trường CPTPP, ngành thép Việt Nam vẫn nhập khẩu nhiều hơn hơn xuất khẩu. Đa số các quốc gia chúng ta đang xuất khẩu thép đều nằm ngoài CPTPP. “Sản phẩm thép của Việt Nam chưa vào được nhiều thị trường thành viên CPTPP là bởi chúng ta chưa có chất lượng, kiểu dáng, thương hiệu đột phá. Một số DN chưa thực sự quan tâm đáp ứng tiêu chuẩn cao trong CPTPP”, ông Nhựt nói.

Dự báo về hoạt động xuất khẩu của DN thép những tháng còn lại của năm 2019, ông Nhựt nhận định, xuất khẩu thép năm 2019 sẽ không thuận lợi lắm so với năm 2018, vì hiện nay các nước có khuynh hướng bảo hộ mạnh mẽ hơn với việc đưa ra các rào cản về áp thuế chống bán phá giá, phòng vệ thương mại. 

Làm gì để đẩy mạnh xuất khẩu?

Nhằm tận dụng các cơ hội từ CPTPP để thúc đẩy xuất khẩu, ông Võ Minh Nhựt lưu ý, DN thép cần ý thức rất rõ các rủi ro về thị trường xuất khẩu, bởi hôm nay có thể tồn tại nhưng ngày mai có thể biến mất. Đồng thời, DN cần phải thực sự nhìn nhận về ưu và nhược điểm hiện nay của sản phẩm thép Việt Nam để nâng cao sức cạnh tranh. Chẳng hạn, giá bán sản phẩm của DN thép Việt Nam vẫn còn khoảng cách so với các DN thép Trung Quốc, hoặc nhìn về sản phẩm thép có hàm lượng công nghệ cao thì chúng ta còn có khoảng cách với các DN thép của Nhật Bản hay Hàn Quốc. Vì vậy, lãnh đạo các DN cần hiểu và ý thức về các tiêu chuẩn cao trong CPTPP, về chính sách bảo hộ, về nhãn hiệu, môi trường, minh bạch… để chú trọng xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn cho hàng hóa, đáp ứng yêu cầu.

Đồng tình với ý kiến của DN, ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho rằng, ngành thép hiện vẫn vướng vấn đề công nghiệp hỗ trợ. Trước năm 2018, DN Việt Nam không sản xuất được thép nóng, mà phải nhập từ nước ngoài, sau đó về gia công và bán. Do đó, DN bị đánh thuế phòng vệ thương mại nhiều. “Thời gian qua, chúng ta không xuất khẩu vào được Mỹ là do không đáp ứng được quy tắc xuất xứ. Câu chuyện này báo hiệu trào lưu mới, chúng ta cần phải thay đổi để ứng phó”, ông Khánh nói.

Bàn về quy tắc xuất xứ trong CPTPP, trả lời báo chí trước đó, ông Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế, cho rằng, nếu coi đó là một tiêu chuẩn để đáp ứng nhằm hưởng lợi từ thuế suất thì chưa đủ. Quy tắc xuất xứ đặt ra bài toán dài hạn về chiến lược kinh doanh gắn chặt với thị trường, đối tác, năng lực, tiến trình đầu tư để tạo nên giá trị gia tăng cao hơn.

Tin cùng chuyên mục