Tiếp sức DNNVV gia nhập chuỗi cung ứng toàn cầu

(BĐT) - Làn sóng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cộng với xu thế toàn cầu hóa đã tạo ra cơ hội mới cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) Việt Nam nói chung, TP.HCM nói riêng. 
Phần lớn phụ kiện, linh kiện phục vụ cho hoạt động sản xuất của Intel Việt Nam hiện nay phải nhập từ một số quốc gia khác. Ảnh: Lê Tiên
Phần lớn phụ kiện, linh kiện phục vụ cho hoạt động sản xuất của Intel Việt Nam hiện nay phải nhập từ một số quốc gia khác. Ảnh: Lê Tiên

Tuy nhiên, ngay cả tại trung tâm kinh tế này, chỉ có vài DN tham gia cung ứng nguyên liệu, linh kiện cho các DN FDI. Để cải thiện thực trạng này, TP.HCM đang nỗ lực giúp DNNVV tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu thông qua các chính sách ưu đãi, cơ chế hỗ trợ linh hoạt. 

Mệt mỏi tìm nhà cung ứng nội địa

Ông Yasuzumi Hirotaka, Giám đốc Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại TP.HCM cho biết, với tốc độ phát triển nhanh, các DN Nhật Bản đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn nguyên, phụ liệu tại Việt Nam. “Nhiều DN Nhật Bản đã phải nhập khẩu nguyên liệu, phụ liệu từ các nước lân cận như Thái Lan, Trung Quốc, khiến chi phí sản xuất cao vì nguồn nguyên liệu, phụ liệu tại chỗ chỉ đáp ứng được một nửa nhu cầu”, đại diện JETRO khẳng định.

Bà Lê Bích Loan, Phó Trưởng ban Ban Quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM cho biết, tại Công ty Intel Products Việt Nam, trong gần 100 nhà cung cấpy chỉ có 18 DN trong nước, phần lớn trong số đó lại là các công ty được thành lập từ nguồn vốn đầu tư nước ngoài.

Còn theo đại diện bộ phận mua hàng toàn cầu của Intel, phần lớn phụ kiện, linh kiện phục vụ cho hoạt động sản xuất của Intel Việt Nam hiện nay phải nhập từ một số quốc gia khác, chủ yếu là từ Malaysia. Tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm tại nhà máy Intel Việt Nam còn rất thấp. Intel Việt Nam đặt mục tiêu giảm chi phí đầu vào và đạt tốc độ nhanh hơn trong khâu sản xuất nhưng khả năng đáp ứng của các DN Việt Nam rất khiêm tốn. Vì vậy, sau một thời gian dài, Intel Việt Nam vẫn chưa thể đạt được mục tiêu của mình.

Trong khi đó, với nhà sản xuất các thiết bị đọc mã vạch xuất khẩu Datalogic Việt Nam, câu chuyện này còn đáng buồn hơn. Tỷ lệ nguyên, vật liệu mà Datalogic Việt Nam mua từ những nhà cung cấp nội địa rất thấp so với nhu cầu, chỉ chiếm dưới 4% trên tổng giá trị nguyên, vật liệu được sử dụng. “Chủ yếu là bao bì đóng gói, linh kiện nhựa đơn giản. Các nhà cung cấp nội địa có chất lượng nguyên, vật liệu không ổn định, công nghệ chưa phù hợp, hệ thống quản lý chất lượng chưa hiệu quả và chỉ mang tính hình thức, đối phó, giá cả chưa cạnh tranh được với nhà cung cấp nước ngoài” - đại diện Datalogic than thở.

Tiếp sức từng chặng cho DNNVV

Theo kế hoạch, SamSung Việt Nam sẽ cần khoảng 200 nhà cung cấp để đạt tỷ lệ nội địa hóa 35% đến năm 2020. Thời gian qua, Ban Quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM đã phối hợp với SamSung thông qua Trung tâm Thu mua toàn cầu của SamSung tổ chức 2 đợt tìm kiếm nhà cung ứng nội địa. Qua 2 đợt tiếp xúc, SamSung đã chọn ra được 37 DN loại A (5 DN của TP.HCM) và 65 DN loại B (7 DN của TP.HCM) để tiếp tục đề xuất cho Tập đoàn trực tiếp tiếp cận đánh giá và cho chính thức trở thành nhà cung ứng của SamSung.

Theo đại diện Sở Công Thương TP.HCM, cần tập trung hỗ trợ các DN này tiến tới trở thành nhà cung ứng của SamSung. Thông qua đó, các DN trong nước có cơ hội tham gia cung ứng trực tiếp, hoặc trở thành nhà cung ứng cấp 1, cấp 2 của SamSung. Được biết, tại Việt Nam hiện có 10 DN tham gia chuỗi cung ứng cho SamSung, trong đó có 4 DN Việt Nam như: Công ty Minh Nguyên, Cao Phát Đạt, Ngân Hà và PVGas.

Trong thời gian tới, TP.HCM sẽ tập trung hỗ trợ cho một số DN Việt Nam có nguyện vọng tham gia chuỗi cung ứng cho các DN FDI với mục tiêu tạo ra sản phẩm cung ứng không chỉ đáp ứng được yêu cầu đặt hàng, mà còn phải có sự cạnh tranh vượt trội về chất lượng hoặc giá cả so với các sản phẩm của các DN Trung Quốc, Hàn Quốc…

Cụ thể, Thành phố sẽ triển khai những chương trình đào tạo và phát triển nguồn nhân lực; chuẩn bị sẵn sàng mặt bằng phục vụ sản xuất để thu hút đầu tư; xác định sản phẩm công nghiệp hỗ trợ (CNHT) tiêu biểu của TP.HCM. Bên cạnh đó, TP.HCM sẽ khuyến khích các DN CNHT tích cực tham gia vào chương trình kích cầu đầu tư. Đặc biệt, tạo cơ chế thông thoáng, ưu đãi và có những điều chỉnh cần thiết để DN CNHT tiếp cận tín dụng dễ dàng hơn với lãi suất phù hợp… TP.HCM đã sẵn sàng tiếp sức cho các DNNVV tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, trở thành nhà cung ứng nguyên, vật liệu cho các tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam.

Tin cùng chuyên mục