Đổi mới sáng tạo - chìa khóa để phát triển bứt phá và bền vững

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Đổi mới sáng tạo (ĐMST) được giới khoa học, chuyên gia nhận định sẽ là chìa khóa cho các DN muốn phát triển bứt phá, tăng năng suất và giá trị gia tăng cao trong thời gian tới. Tuy nhiên, DN sản xuất của Việt Nam đang gặp phải rất nhiều rào cản để ĐMST và đa số vẫn đang sử dụng công nghệ 1.0 (sản xuất bằng tay) và 2.0 (sản xuất tự động nhưng chưa kết nối với máy tính), có khoảng cách rất xa so với mức 3.0 và 4.0 (kết nối máy tính, có dữ liệu, tự động hóa và tối ưu hóa).
Những ý tưởng ĐMST trong nghiên cứu khoa học công nghệ phải đi đúng, trúng với nhu cầu của thị trường, nhanh chóng được thương mại hóa.
Những ý tưởng ĐMST trong nghiên cứu khoa học công nghệ phải đi đúng, trúng với nhu cầu của thị trường, nhanh chóng được thương mại hóa.

Mất cân đối phát triển công nghệ và hấp thụ công nghệ

Theo các báo cáo về "Khoa học, công nghệ và ĐMST Việt Nam" và "Đánh giá tác động của công nghệ đến tăng trưởng kinh tế" do các nhóm nghiên cứu của Bộ Khoa học và Công nghệ (KHCN) phối hợp với Chính phủ Australia và các tổ chức quốc tế thực hiện vừa được công bố mới đây cho thấy, không chỉ Việt Nam, việc đầu tư khoa học công nghệ của hầu hết các nước đang phát triển Đông Á chưa đạt đến được ngưỡng cần thiết để tạo ra bước nhảy vọt cho nền kinh tế (so với mức thu nhập bình quân đầu người của quốc gia đó), và giữ khoảng cách khá xa so với thực hành tốt nhất về ĐMST trên thế giới.

Trong khi đó, các báo cáo chỉ rõ, Đông Á đang có rất nhiều thách thức mới gây khó khăn cho việc bắt kịp với sự phát triển của thế giới như: mâu thuẫn địa chính trị, thay đổi môi trường thương mại toàn cầu, thay đổi công nghệ, dịch bệnh Covid-19, biến đổi khí hậu, tăng trưởng năng suất toàn cầu chậm lại… Do đó, ĐMST được xem là chìa khóa để giải quyết những thách thức này, nâng cao thu nhập quốc gia, cải thiện tăng trưởng kinh tế.

Riêng đối với Việt Nam, bức tranh ĐMST đang có sự mất cân đối phát triển công nghệ và hấp thụ công nghệ tại DN. Bức tranh ĐMST đang tập trung quá nhiều vào lĩnh vực nghiên cứu phát triển công nghệ; năng lực của DN còn khá yếu, cả về kỹ năng và quản lý, trong khi chất lượng kỹ năng là rất quan trọng để hấp thu công nghệ.

Thực tế, theo Thứ trưởng Bộ KHCN Bùi Thế Duy, đa số DN sản xuất của Việt Nam vẫn đang sử dụng công nghệ 1.0 (sản xuất bằng tay), 2.0 (tự động chưa kết nối máy tính) và có khoảng cách rất xa ở mức 4.0 (dữ liệu, tối ưu hóa).

Thậm chí, mặc dù đã có sự đầu tư về công nghệ, thì năng lực quản trị, mô hình kinh doanh, tư duy đổi mới kinh doanh của DN vẫn chưa theo kịp với dây chuyển sản xuất mang về, chưa tận dụng được tối đa sức mạnh của ĐMST trong DN.

Thực tế từ đại dịch Covid-19 vừa qua đã cho thấy, những DN nào có sự chuẩn bị về chiến lược, chú trọng tới ĐMST khoa học công nghệ đã vượt qua những thách thức phi truyền thống, duy trì sản xuất, kinh doanh và có tăng trưởng tốt.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến chỉ ra rằng, hiện có nhiều thách thức, rào cản đối với các DN trong việc sáng tạo, đổi mới công nghệ.

Trong đó, theo ông Nguyễn Đoàn Thăng - Công ty CP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông (RALACO), thách thức lớn nhất của DN hiện nay là vấn đề nhận thức, mà trước hết là thay đổi thói quen và cách thức làm việc, tiếp đó là thay đổi chiến lược, mô hình kinh doanh, cơ chế điều hành công ty. Muốn thay đổi thói quen, bước đầu, DN đã phải sử dụng biện pháp hành chính.

Thách thức tiếp theo đối với DN là thiếu thông tin. Không có mô hình mẫu nào về ĐMST cho tất cả, mà mỗi DN phải tự tìm bước đi phù hợp với năng lực, nguồn lực và trình độ của mình.

Cần tạo động lực thúc đẩy DN ĐMST

Theo đề xuất của nhóm nghiên cứu các báo cáo nêu trên, cần có tư duy rộng hơn về ĐMST. ĐMST không chỉ liên quan đến việc phát minh mới, mà còn là những tiến bộ đạt được trong việc phổ biến và áp dụng những công nghệ hiện có để nâng cao năng suất lao động, sản xuất, kinh doanh. Từ đó xây dựng khung chính sách bao trùm và toàn diện liên quan đến ĐMST, gắn kết chính sách với các nguồn lực để phục vụ cho nhu cầu phát triển của DN.

Trong thời đại kỷ nguyên số, phải rút ngắn quy trình từ ý tưởng thiết kế, sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng cao cho đến thương mại hóa sản phẩm, trong đó cho phép thử nhanh, sai nhanh, rút kinh nghiệm nhanh - ông Nguyễn Đoàn Thăng - Công ty CP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông (RALACO) nhấn mạnh.

Thứ trưởng Bộ KHCN cũng cho rằng, cần phải tạo động lực mạnh mẽ hơn nữa để thúc đẩy DN ĐMST, ứng dụng thành tựu KHCN trong sản xuất, kinh doanh, để có thể phát triển bền vững trong thời gian tới. Trong hệ sinh thái hỗ trợ ĐMST, các hoạt động phải lấy DN làm trung tâm, tạo chính sách hỗ trợ tài chính và đào tạo nguồn nhân lực.

Chia sẻ kinh nghiệm về 4 lần chuyển đổi số tại RALACO, ông Thăng cho biết, Công ty đã lựa chọn cách hợp tác đầu tư nghiên cứu ứng dụng công nghệ mới, phát triển các mô hình kinh doanh trên nền tảng thương mại số thông qua 3 trung tâm nghiên cứu. Mục đích hướng tới là sáng tạo, thiết kế sản phẩm mới tại Việt Nam, do người Việt Nam sản xuất và mang lại giá trị gia tăng cao.

Qua việc thiết lập mạng lưới hợp tác giữa các DN với nhà khoa học, trường đại học, viện nghiên cứu, theo PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng - Hiệu trưởng Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, những ý tưởng ĐMST trong nghiên cứu khoa học công nghệ bắt đầu đi đúng, trúng với nhu cầu của thị trường, nhanh chóng được thương mại hóa. Bằng chứng mới nhất là việc phát triển thành công 2 bộ Kit test Covid-19 RT-LAMP, RT PCR mang thương hiệu Made in Vietnam phục vụ công tác phòng chống Covid-19 (gọi tên RT-LAMP Covid-19 KIT Thai Duong)...

Theo PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng, mô hình hợp tác này không dừng ở trong nước, mà cần mở rộng hợp tác với các đối tác nước ngoài để phát triển sản phẩm, dịch vụ nhanh hơn, phục vụ cho nhu cầu của thị trường trong nước cũng như cả thị trường thế giới.

Tin cùng chuyên mục