Đổi mới thể chế để tham gia cách mạng công nghiệp 4.0

(BĐT) - Muốn bứt phá, đổi mới tư duy về thể chế là một trong những tiền đề quan trọng nhất để cho những ý tưởng mới, cách làm mới xuất hiện. Đó là khuyến nghị của ông Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương đối với việc thực hiện Nghị quyết 52-NQ/TW về chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) vừa được Bộ Chính trị ban hành.
Tại Việt Nam, thể chế, chính sách chưa bắt kịp sự thay đổi của công nghệ và các mô hình kinh doanh mới. Ảnh: Lê Tiên
Tại Việt Nam, thể chế, chính sách chưa bắt kịp sự thay đổi của công nghệ và các mô hình kinh doanh mới. Ảnh: Lê Tiên

Đổi mới thể chế để theo kịp thực tiễn

Nghị quyết số 52-NQ/TW nhấn mạnh, cuộc CMCN 4.0 mở ra nhiều cơ hội, đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức đối với mỗi quốc gia, tổ chức và cá nhân; đã và đang tác động ngày càng mạnh mẽ đến tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội.

Tuy vậy, mức độ chủ động tham gia CMCN 4.0 của nước ta còn thấp. Thể chế, chính sách còn nhiều hạn chế và bất cập… Nguyên nhân được nhận định là tư duy trong xây dựng và tổ chức thực hiện thể chế phù hợp với yêu cầu của cuộc CMCN4.0 chậm được đổi mới, sức ỳ còn lớn; quản lý nhà nước còn nhiều bất cập, chưa theo kịp diễn biến thực tế.

Vì vậy, việc tham gia CMCN 4.0 yêu cầu phải đổi mới tư duy về quản lý kinh tế, quản lý xã hội, xây dựng, hoàn thiện thể chế cho phù hợp; có cách tiếp cận mở, sáng tạo, cho thí điểm đối với những vấn đề thực tiễn mới đặt ra, tạo mọi thuận lợi cho đổi mới sáng tạo.

Dưới góc nhìn của một chuyên gia kinh tế, ông Nguyễn Đình Cung nhìn nhận, đơn vị đo lường trong CMCN 4.0 là tốc độ. Vì vậy, muốn thúc đẩy đổi mới sáng tạo thì thể chế, chính sách cũng phải thay đổi để bắt kịp sự thay đổi của công nghệ và các mô hình kinh doanh mới. “Nếu dùng tư duy quản lý nhà nước theo kiểu phải làm theo quy định thì sẽ không đạt được sự thay đổi nào, thậm chí triệt tiêu sáng tạo, đổi mới”, ông Cung nhấn mạnh. Trong cuộc cách mạng này, sẽ có nhiều cái mới xuất hiện mà chưa có quy định, chưa thể gọi tên, nên cần tư duy mới để tiếp cận.

Với tư cách là một doanh nghiệp khởi nghiệp đang đầu tư sâu trong lĩnh vực công nghệ, tại Diễn đàn cấp cao về công nghiệp 4.0 vừa diễn ra, ông Trần Thanh Hải, Tổng giám đốc Be Group cho rằng, để giúp doanh nghiệp khởi nghiệp, Chính phủ cần có những chính sách kích thích đầu tư vào những lĩnh vực cơ sở dữ liệu lớn. Chính sách thuế phải khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư sâu, rộng vào các lĩnh vực kinh tế. “Trong tiếp cận các dịch vụ mới, chúng ta không nên cấm đoán, mà nên thử nghiệm dưới dạng sandbox”, ông Hải kiến nghị. 

Đổi mới quan niệm về đầu tư tài sản trí tuệ

Nhìn nhận về việc đầu tư tài sản trí tuệ tại Việt Nam với nhiều đề tài nghiên cứu cấp nhà nước sau khi có kết quả lại được cất trong ngăn kéo, ông Nguyễn Đình Cung cho rằng, đây là một sự lãng phí lớn. Theo ông Cung, muốn bứt lên trong CMCN 4.0, chúng ta cần thay đổi tư duy về đầu tư tải sản trí tuệ. Phải coi đây là tài sản tư nhân được Nhà nước hỗ trợ nghiên cứu. Việc hỗ trợ này sẽ tạo 2 động lực: một là trong quá trình thực hiện đề tài, người thực hiện luôn cố gắng làm tốt nhất; hai là, nếu là đề tài tốt thì có động lực để thương mại hóa. Đây là cách tốt nhất sử dụng trí tuệ và nguồn lực đầu tư thay vì việc thực hiện các đề tài nghiên cứu theo kiểu đặt hàng, giao nhiệm vụ rồi đút ngăn kéo.

Kinh nghiệm của nhiều nước trong hoạt động này cho thấy, nhà nước cung cấp một khoản hỗ trợ tài chính, nhà khoa học nghiên cứu, kết quả cuối cùng là tài sản cá nhân. Như vậy sẽ luôn khuyến khích nhà nghiên cứu lao động sáng tạo để tạo ra được những sản phẩm, dịch vụ tốt nhất…

Để khuyến khích doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, Nghị quyết số 52-NQ/TW yêu cầu hoàn thiện pháp luật về sở hữu trí tuệ, bảo hộ và khai thác hiệu quả, hợp lý các tài sản trí tuệ do Việt Nam tạo ra; khuyến khích thương mại hoá và chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ, đặc biệt là đối với các sáng chế tại Việt Nam trên cơ sở tuân thủ pháp luật trong nước và bảo đảm lợi ích an ninh quốc gia. Khuyến khích các công ty đa quốc gia đặt các cơ sở nghiên cứu và phát triển tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, cần hoàn thiện pháp luật, chính sách về tài chính - tiền tệ, thanh toán điện tử, quản lý thuế và các dịch vụ xuyên biên giới phù hợp với xu thế phát triển của kinh tế số. Hoàn thiện chính sách đặt hàng sản xuất và mua sắm công đối với các sản phẩm công nghệ số do Việt Nam sản xuất…

Tin cùng chuyên mục