Đồng Tháp hoạch định tầm nhìn phát triển mới

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Sau năm 2022 phục hồi nhanh, kinh tế lấy lại đà tăng trưởng, năm 2023, Đồng Tháp tập trung triển khai nhiều dự án hạ tầng giao thông, đặc biệt là cao tốc Cao Lãnh - An Hữu, khai thác tối đa lợi thế từ các “trục động lực” với tầm nhìn quy hoạch mới. Phóng viên Báo Đầu thầu đã có cuộc phỏng vấn ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp xung quanh chủ đề này.
Ông Phạm Thiện Nghĩa

Ông Phạm Thiện Nghĩa

Thưa ông, năm qua, tỉnh Đồng Tháp đã đạt kết quả như thế nào trong phục hồi và phát triển kinh tế?

Năm 2022, mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn nhưng Đồng Tháp đã nỗ lực thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và đạt được những kết quả nổi bật.

Đáng chú ý là tăng trưởng kinh tế (GRDP) ước đạt 9,11%, cao nhất trong 10 năm trở lại đây và xếp thứ 5 trong nhóm các tỉnh tăng trưởng cao của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Quy mô nền kinh tế lần đầu tiên đạt 100.172 tỷ đồng; GRDP bình quân đầu người ước đạt 62,6 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,17%.

Ngành mũi nhọn của Tỉnh - nông nghiệp - có bước chuyển biến đáng kể, tập trung sản xuất theo hướng an toàn, chất lượng. Áp dụng quy trình sản xuất VietGAP, hữu cơ đem lại giá trị cao cho nông sản. Đến nay, Đồng Tháp có 32 hợp tác xã đạt các chứng nhận an toàn thực phẩm (VietGAP, SRP) với diện tích gần 3.000 ha; 31 hợp tác xã được cấp mã số vùng trồng với diện tích khoảng 12.000 ha.

Sản xuất công nghiệp tiếp tục phục hồi nhanh, tăng trưởng khá. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 13,9% so với năm 2021. Kim ngạch xuất khẩu hàng hoá đạt kỷ lục gần 1,5 tỷ USD, tăng 34%. Hoạt động thương mại và dịch vụ phục hồi mạnh mẽ. Các khu, điểm du lịch đón 3,4 triệu lượt khách đến tham quan, tăng 128% so với năm 2021, đứng đầu cụm phía Đông Đồng bằng sông Cửu Long. Tổng doanh thu du lịch ước đạt 1.500 tỷ đồng, tăng 165% so với năm 2021. Đáng chú ý, trong năm, Tỉnh tổ chức nhiều sự kiện, lễ hội tạo ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách, thúc đẩy hoạt động du lịch phục hồi sau đại dịch.

Huy động các nguồn lực đầu tư có ý nghĩa quan trọng, tạo động lực phục hồi kinh tế, ông có thể cho biết Đồng Tháp triển khai nhiệm vụ này thế nào?

Công tác xúc tiến và kêu gọi đầu tư được Đồng Tháp tăng tốc thực hiện, qua đó thu hút được nhiều nhà đầu tư đến tìm hiểu và đăng ký đầu tư. Tuy nhiên, khu vực đầu tư công vẫn là chủ đạo, dẫn dắt xu hướng đầu tư của các khu vực khác và là động lực quan trọng cho kinh tế Đồng Tháp tăng tốc.

Năm 2022, tổng kế hoạch vốn đầu tư công của Đồng Tháp là 5.906 tỷ đồng. Đến ngày 28/11/2022, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt 65,51%, cao hơn 21,65 điểm % so với cùng kỳ năm 2021 (tính đến ngày 30/11/2021 đạt 43,86%). Đồng Tháp đang nỗ lực giải ngân vốn đầu tư công đạt 100%. Tỉnh yêu cầu các chủ đầu tư khẩn trương rà soát, tự xây dựng “kế hoạch 30 ngày tập trung toàn diện, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2022”, trong đó yêu cầu rõ từng nội dung công việc phải hoàn thành, nhiệm vụ của từng cá nhân, bộ phận phụ trách và xác định rõ kết quả quyết tâm phải đạt được trong 30 ngày thực hiện kế hoạch.

Đến nay, từ nguồn vốn quan trọng này, nhiều dự án hạ tầng trọng điểm đã hoàn thành, đưa vào sử dụng như: Dự án Nâng cấp tuyến đê bao, kè chống sạt lở, xây dựng hệ thống cống dọc sông Tiền, TP. Cao Lãnh (giai đoạn 1); Mở rộng Đường tỉnh 846 (đoạn Mỹ An - Bằng Lăng); Mở rộng Đường tỉnh 849 (đoạn từ Đường tỉnh 848 đến Quốc lộ 80); Nâng cấp tải trọng cầu Tràm Chim trên Đường tỉnh 843 và một số dự án giao thông kết nối Tỉnh với các địa phương khác… Các dự án đã phát huy hiệu quả, góp phần cải thiện hệ thống kết cấu hạ tầng cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh hơn trong giai đoạn tới.

Hiện nay, Dự án thành phần 1 của cao tốc Cao Lãnh - An Hữu (giai đoạn 1) đang được Đồng Tháp tích cực triển khai đầu tư.

Bên cạnh đầu tư công, công tác xúc tiến và kêu gọi nguồn vốn đầu tư khu vực ngoài nhà nước được xem là một trong những động lực cho phục hồi kinh tế. Năm 2022, Tỉnh đã thu hút được nhiều nhà đầu tư đến tìm hiểu và đăng ký đầu tư như: NovaGroup, T&T, Phát Đạt, Masterise, Everland, đoàn doanh nghiệp Cheorwon (tỉnh Gangwon, Hàn Quốc), Tổ chức Phát triển Hà Lan SNV…

Hiện Đồng Tháp đã tiếp nhận mới 74 hồ sơ đăng ký dự án đầu tư. Trong đó, đã có 20 dự án được chấp thuận đầu tư. Đối với các dự án đăng ký đầu tư giai đoạn 2020 - 2022, đã có 16 dự án hoàn thành thủ tục đầu tư và đi vào hoạt động; 16 dự án đang xây dựng. Các dự án còn lại đang triển khai thủ tục đầu tư. Các nguồn vốn này góp phần thúc đẩy vốn đầu tư toàn xã hội năm 2022 tăng trưởng khá mạnh, ước đạt 21.088 tỷ đồng, tăng 16,34% so với năm 2021; bằng 21,05% GRDP.

Làng hoa Sa Đéc (Đồng Tháp) dịp Lễ hội hoa Tết. Ảnh: Hiếu Minh Vũ
Làng hoa Sa Đéc (Đồng Tháp) dịp Lễ hội hoa Tết. Ảnh: Hiếu Minh Vũ

Để tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, Đồng Tháp có ưu tiên gì trong điều hành năm 2023, thưa ông?

Năm 2023, các xu hướng mới về dịch chuyển đầu tư, thương mại, chuyển đổi số, hội nhập quốc tế sẽ mở ra những cơ hội lớn để đẩy mạnh xuất khẩu. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh còn tiềm ẩn, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu cùng sự thay đổi nhanh của các mô hình kinh doanh, phương thức sản xuất, tiêu dùng cũng tạo ra nhiều khó khăn, thách thức.

Để tăng tốc phát triển và tạo đà thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, mục tiêu kinh tế - xã hội năm 2023 và cả giai đoạn 2021 - 2025, Đồng Tháp tập trung thực hiện các mục tiêu và ưu tiên trong điều hành phát triển gồm: thực hiện đồng bộ công tác phòng, chống dịch bệnh với phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch theo hướng hiện đại thích ứng với yêu cầu thị trường; huy động, quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư, triển khai nhanh các dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng. Ngoài ra, ưu tiên phát triển đô thị theo lộ trình. Chúng tôi tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, phát triển kinh tế tư nhân, kinh tế hợp tác. Chất lượng nguồn nhân lực, khoa học và công nghệ cũng cần được nâng cao nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển, hội nhập quốc tế.

Các tuyến cao tốc Cao Lãnh - An Hữu, Mỹ An - Cao Lãnh đang được khẩn trương triển khai, để khai thác tối đa lợi thế từ trục động lực này, tầm nhìn quy hoạch của tỉnh Đồng Tháp ra sao?

“Tứ giác huyền diệu” là tầm nhìn phát triển cho khu vực trọng điểm kinh tế nằm ở trung tâm vùng Đồng bằng sông Cửu Long, được đề xuất trong quá trình lập Quy hoạch tỉnh Đồng Tháp và đã được tích hợp vào Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Đây là khu vực nằm giữa 4 tỉnh (Đồng Tháp, An Giang, Vĩnh Long và TP. Cần Thơ), hội tụ các động lực phát triển nhờ vị trí giao nhau của 2 tuyến đường thủy quốc gia (sông Tiền và sông Hậu) và 4 trục cao tốc quốc gia. Tứ giác này có vị trí trung tâm cũng như kết nối đặc biệt thuận lợi về tất cả các phía, vì thế có thể đóng vai trò trung tâm kinh tế thực sự của vùng.

Mạng lưới giao thông quốc gia sẽ tăng cường liên kết vùng, thúc đẩy hợp tác đầu tư, công nghiệp, dịch vụ, tăng trưởng xanh. Đồng Tháp với hai đô thị động lực là TP. Cao Lãnh và TP. Sa Đéc là đối tác rất quan trọng trong cấu trúc này. Việc các tuyến cao tốc trục ngang và trục dọc mang tính động lực như tuyến Cao Lãnh - An Hữu, tuyến Mỹ An - Cao Lãnh được đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 là cơ sở để đảm bảo hiện thực hóa tầm nhìn về “Tứ giác huyền diệu”.

Cao tốc Cao Lãnh - An Hữu là dự án thành phần thuộc Dự án cao tốc Hồng Ngự - Trà Vinh, kết nối các trọng điểm phát triển trên tuyến hành lang kinh tế - đô thị ven sông Tiền, là một trong 3 tuyến ngang quan trọng kết nối 3 trục xương sống của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đồng thời là trục xương sống hướng Tây Bắc - Đông Nam của Đồng Tháp. Còn cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh là một phân đoạn thuộc Dự án Quốc lộ N2, đồng thời là trục không gian có sự chuyển biến mạnh mẽ nhất trong thời gian tới. Đây là hành lang kết nối khu vực phía Đông Bắc - Tây Nam của Tỉnh, cũng là tuyến kết nối liên vùng của các tỉnh thuộc Tứ giác Long Xuyên với vùng Đồng Tháp Mười và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Tin cùng chuyên mục