Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận: Thêm cơ sở pháp lý để tái khởi động

(BĐT) - UBND tỉnh Tiền Giang và Liên danh nhà đầu tư vừa ký phụ lục hợp đồng (PLHĐ) BOT Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận. Cả Bộ Giao thông vận tải, tỉnh Tiền Giang và các nhà đầu tư, nhà thầu đều kỳ vọng nhiều khi chặng đường mới của Dự án chính thức bắt đầu.
Bộ Tài chính khẳng định đã chuẩn bị bố trí phần vốn ngân sách nhà nước 2.186 tỷ đồng cho Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận. Ảnh: Lê Tiên
Bộ Tài chính khẳng định đã chuẩn bị bố trí phần vốn ngân sách nhà nước 2.186 tỷ đồng cho Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận. Ảnh: Lê Tiên

Bước tiến lớn về thu xếp vốn

Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận cho biết, PLHĐ được ký kết nhằm điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung một số nội dung của hợp đồng và các PLHĐ ký trước đó. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để doanh nghiệp vận hành Dự án, cũng là cơ sở để các ngân hàng thẩm định, giải ngân vốn tín dụng, giúp Dự án về đích đúng hạn như chỉ đạo mới nhất của Thủ tướng Chính phủ.

Cụ thể, theo PLHĐ, tổng mức đầu tư Dự án là 12.668 tỷ đồng (tổng mức đầu tư ban đầu là 14.678 tỷ đồng). Trong đó, vốn ngân sách nhà nước (NSNN) hỗ trợ là 2.186 tỷ đồng; nguồn vốn BOT là 10.482 tỷ đồng (vốn vay từ các ngân hàng thương mại là 7.694 tỷ đồng).

Một nội dung quan trọng của PLHĐ chính là quy định: “Trong trường hợp có thay đổi về tổng vốn đầu tư, vốn BOT thì vốn chủ sở hữu sẽ được điều chỉnh theo cho phù hợp”. Đồng thời, PLHĐ quy định: “Trường hợp nguồn vốn hỗ trợ từ NSNN 2.186 tỷ đồng không được hoặc chưa được bố trí giải ngân trong năm 2019 theo kế hoạch tiến độ của Dự án, nhà đầu tư có quyền đề xuất gia hạn hoặc hoãn, tạm dừng Dự án”.

Mặt khác, PLHĐ cũng chỉ rõ: “Trường hợp các ngân hàng thương mại không thu xếp nguồn vốn vay cho Dự án (mà lỗi không thuộc về nhà đầu tư) hoặc các yêu cầu giải ngân bắt buộc với Dự án mà nhà đầu tư không thể thực hiện được, nhà đầu tư và UBND Tỉnh thống nhất báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét giải quyết, đồng thời đề xuất Chính phủ bố trí nguồn vốn khác để thực hiện Dự án”.

Theo đánh giá của UBND tỉnh Tiền Giang, việc ký kết PLHĐ là bước tiến lớn, tạo tiền đề để thông tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận vào năm 2020 và hoàn thành dự án vào năm 2021 theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ. 

Gỡ từng “nút thắt” tín dụng

Chỉ cách thời điểm ký kết PLHĐ 5 ngày, ngày 7/8/2019, Bộ Tài chính khẳng định đã chuẩn bị kỹ kế hoạch sử dụng nguồn tăng thu năm 2018 để trình Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhằm bố trí phần vốn ngân sách nhà nước 2.186 tỷ đồng huy động cho Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận. Đặc biệt, Bộ Tài chính đã chủ động để phần vốn này sẽ được thông qua và giải ngân trong tháng 9/2019.

Vấn đề khiến các doanh nghiệp tham gia Dự án còn băn khoăn chính là sự tham gia của các ngân hàng thu xếp vốn. Doanh nghiệp dự án là Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận và Liên danh 3 nhà đầu tư (Công ty CP Đầu tư Cầu đường CII, Công ty CP Đầu tư xây dựng Tuấn Lộc và Công ty CP Đầu tư xây dựng B.M.T) trước khi thống nhất cùng UBND tỉnh Tiền Giang ký PLHĐ đều bày tỏ nhiều quan ngại về vấn đề này.

Đại diện Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận cho biết, nếu ngân hàng thu xếp vốn cho Dự án xét thấy vẫn còn các rủi ro, cần phản hồi cụ thể hoặc báo cáo Chính phủ xem xét, xử lý. Bởi với dự án BOT, sự tham gia của ngân hàng thu xếp vốn có vai trò trọng yếu, thậm chí quyết định sự thành bại của dự án. Trong khi đó, Ngân hàng TMCP Công Thương (VietinBank) - ngân hàng đầu mối thu xếp vốn cho Dự án - cho biết, đã chủ động mời các ngân hàng tham gia đồng tài trợ vốn từ tháng 6/2018.

“Trong tháng 7/2019, ngay sau khi có chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, VietinBank cùng các ngân hàng đồng tài trợ đã có nhiều cuộc làm việc để thống nhất, sớm có văn bản chính thức gửi chủ đầu tư về việc cam kết tài trợ tín dụng cho Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận”, VietinBank khẳng định.

Tuy nhiên, điều khiến các doanh nghiệp BOT quan ngại chính là thời gian ấn định cho việc vay vốn vẫn chưa rõ ràng, các ngân hàng tài trợ vốn đang đặt ra quá nhiều điều kiện khắt khe để được thu xếp vốn. Trong khi đó, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo thông tuyến vào năm 2020 và hoàn thành toàn bộ Dự án vào năm 2021.

“Khởi động lại Dự án với sự quyết liệt của Chính phủ đã giúp doanh nghiệp dự án có nhiều động lực. Tuy nhiên, doanh nghiệp mong Chính phủ, tỉnh Tiền Giang có sự chuẩn bị kỹ, đánh giá, dự đoán tốt các rủi ro về lâu dài khi đưa Dự án vào khai thác để tuyệt đối không xảy ra tình trạng mất trị an, ách tắc do phản đối trạm thu phí BOT như các dự án khác đã gặp”, đại diện Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận bày tỏ.

Tin cùng chuyên mục