Dự án treo gần 20 năm tại TP.HCM: Áp dụng Luật Đấu thầu để gỡ vướng

(BĐT) - Ngày 22/8/2019, bên mời thầu (BMT) - Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng khu nhà ở cán bộ, giảng viên Đại học Quốc gia TP.HCM (Ban QLDA 245) đã tổ chức mở Gói thầu số 01 Thi công xây lắp hệ thống giao thông, thoát nước mưa, nước thải, cây xanh vỉa hè (trừ đường H và F).
Gói thầu số 01 Thi công xây lắp hệ thống giao thông, thoát nước mưa, nước thải, cây xanh vỉa hè có giá gói thầu hơn 158 tỷ đồng. Ảnh: Quang Tuấn
Gói thầu số 01 Thi công xây lắp hệ thống giao thông, thoát nước mưa, nước thải, cây xanh vỉa hè có giá gói thầu hơn 158 tỷ đồng. Ảnh: Quang Tuấn

Đây là một dự án bị kéo dài gần 20 năm và dù không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Đấu thầu, Đại học Quốc gia TP.HCM vẫn chọn áp dụng luật này để tìm được nhà thầu tốt nhất.

3 nhà thầu lớn tham gia cạnh tranh

Gói thầu nêu trên có thời gian thực hiện hợp đồng là 10 tháng, thuộc Dự án Đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu nhà ở cán bộ - giảng viên Đại học Quốc gia TP.HCM giai đoạn 3; sử dụng nguồn vốn từ những người góp vốn.

Hình thức lựa chọn nhà thầu (LCNT) là đấu thầu rộng rãi, phương thức LCNT là một giai đoạn hai túi hồ sơ. Thời gian phát hành hồ sơ mời thầu (HSMT) từ ngày 2/8 đến ngày 22/8/2019.

Theo Biên bản đóng thầu, trong thời gian phát hành HSMT có 9 nhà thầu mua HSMT. Đến thời điểm đóng thầu, có 3 nhà thầu nộp hồ sơ dự thầu (HSDT) đúng quy định, gồm: Tổng công ty Xây dựng nông nghiệp Việt Nam - CTCP, Liên danh Công ty CP Công trình giao thông Sài Gòn - Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Vận tải Xây dựng Giao thông T&T (Liên danh Sài Gòn - T&T), Công ty CP Thương mại và Xây dựng Tài Phú.

Biên bản mở thầu cho thấy, cả 3 nhà thầu tham dự thầu đều có sự cạnh tranh khá gay gắt khi những thông tin cơ bản đều rất đồng đều. Theo đó, thời gian thi công ghi trong đơn dự thầu của cả 3 nhà thầu đều là 10 tháng, tương đương 300 ngày (kể cả thứ Bảy, Chủ nhật, ngày nghỉ lễ tết theo quy định). Hiệu lực của hồ sơ đề xuất kỹ thuật (HSĐXKT) là 180 ngày kể từ ngày 22/8/2019. 3 nhà thầu đều cung cấp thư bảo lãnh dự thầu của ngân hàng với trị giá 4 tỷ đồng. Sự khác biệt duy nhất giữa các nhà thầu là hiệu lực của bảo lãnh dự thầu (BLDT). Theo đó, BLDT của Liên danh Sài Gòn - T&T có hiệu lực 211 ngày kể từ ngày 22/8/2019, của 2 nhà thầu còn lại có hiệu lực trong 210 ngày. Hồ sơ đề xuất tài chính (HSĐXTC) của cả 3 nhà thầu đều được xác nhận còn nguyên niêm phong, được BMT lưu trữ theo đúng quy định.

Tín hiệu tốt cho dự án ì ạch gần 20 năm

Đây có lẽ là một buổi mở thầu khá đặc biệt, bởi có rất nhiều đại diện có liên quan tham gia. Đó là Ban QLDA 245, Ban giám sát, Ban đại diện người góp vốn… Đây là một dự án có thời gian triển khai gần 20 năm và chứa nhiều mong mỏi của cán bộ, giảng viên Trường Đại học Quốc gia TP.HCM.

Theo kế hoạch LCNT được phê duyệt vào tháng 5/2019, Dự án có 8 gói thầu, trong đó, Gói thầu số 01 có giá 158.584.943.000 đồng.

Được UBND TP.HCM chấp thuận chủ trương đầu tư từ năm 2001, nhưng đến nay đã gần 20 năm, Dự án Đầu tư xây dựng Khu nhà ở cho cán bộ, giảng viên Đại học Quốc gia TP.HCM (gọi tắt là Dự án 245) vẫn nằm trên giấy. Địa điểm thực hiện Dự án là tại phường Phú Hữu, Quận 9. Dự án có quy mô trên 80 ha, tổng mức đầu tư được phê duyệt là 1.263 tỷ đồng. Công đoàn Đại học Quốc gia TP.HCM làm chủ đầu tư, Công ty TNHH Dịch vụ kỹ thuật công nghệ môi trường Sài Gòn (EDICO) làm chủ nhiệm điều hành Dự án.

Khi Dự án được chấp thuận chủ trương xây dựng, Công ty EDICO đã ký 1.065 hợp đồng góp vốn mua nền với cán bộ, giảng viên công tác tại Đại học Quốc gia TP.HCM, đồng thời sang nhượng 145 hợp đồng về quyền sử dụng đất.

Tuy nhiên, tới năm 2008, cán bộ, giảng viên góp vốn vẫn chưa được Chủ đầu tư cấp đất xây nhà ở, nên đã xảy ra kiện tụng. Ngày 27/10/2008, Thanh tra Chính phủ đã có Văn bản số 2284/KL-TTCP chỉ ra nhiều sai phạm của Chủ đầu tư và Công ty EDICO. Sở Xây dựng TP.HCM cũng cho rằng, Dự án có quá nhiều sai phạm như bán đất khi chưa đền bù xong, chưa có quyết định giao đất, bán đất nền dự án sai đối tượng…

Trao đổi với Báo Đấu thầu, ông Dương Văn Tuấn, Phó ban Ban QLDA 245 cho biết: “Dự án đã kéo dài và gây hệ lụy với Đại học Quốc gia TP.HCM cũng như chính cán bộ, giảng viên của Trường là rất lớn. Do đó, trách nhiệm của chúng tôi là cố gắng tổ chức lựa chọn nhà thầu thực hiện Gói thầu số 01 thật tốt, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, các hạng mục thiết yếu để từ đó lập các bước triển khai tiếp theo nhằm đảm bảo quyền lợi của người mua đất”.

Trong khi đó, ông Trần Văn Nuôi, đại diện Ban đại diện người góp vốn cho biết: “Chúng tôi đã theo đuổi Dự án gần 20 năm, mất quá nhiều thời gian và công sức cũng như tiền bạc dồn vào đây. Để đi đến ngày hôm nay, mở thầu gói xây dựng hạ tầng kỹ thuật - hạng mục quan trọng cho Dự án là tín hiệu rất đáng mừng với hàng ngàn gia đình. Mừng hơn là có nhiều nhà thầu tên tuổi tham gia. Phải làm nhanh, bởi có nhiều cán bộ, giảng viên của Trường đã không thể chờ được đến ngày hôm nay”.

Tin cùng chuyên mục