Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi): Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, chỉnh lý nhiều nội dung

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Ngày 5/4/2023, Hội nghị Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách được khai mạc tại Hà Nội. Hội nghị diễn ra trong 3 ngày (5 - 7/4/2023) để thảo luận, góp ý kiến về 7 dự án luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV. Dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) được báo cáo, cho ý kiến tại ngày làm việc đầu tiên của Hội nghị.
Toàn cảnh Hội nghị Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ngày 5/4/2023
Toàn cảnh Hội nghị Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ngày 5/4/2023

Theo ông Nguyễn Hữu Toàn - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách (TCNS) của Quốc hội, tại Kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022), Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về Dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi). Ngay sau Kỳ họp, Thường trực Ủy ban TCNS đã phối hợp với Cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan tổ chức Hội thảo khoa học, làm việc với các chuyên gia, nhà khoa học, một số cơ quan là đối tượng chịu sự điều chỉnh trực tiếp của dự thảo Luật để tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại Phiên họp thứ 21 (tháng 3/2023). So với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4, dự thảo Luật trình xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội chuyên trách đã được chỉnh lý 55 điều. Dự thảo Luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý cơ bản đạt được sự đồng thuận giữa cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo.

Ông Nguyễn Hữu Toàn báo cáo 8 vấn đề lớn trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi).

Trong đó, về đối tượng điều chỉnh liên quan doanh nghiệp nhà nước (DNNN), có 2 loại ý kiến. Thứ nhất là nhất trí với Tờ trình của Chính phủ, chỉ quy định các dự án đầu tư của DNNN thuộc đối tượng phải đấu thầu. Theo quan điểm này, dự thảo Luật quy định như Phương án 1 tại Khoản 2 Điều 2. Loại ý kiến thứ hai cho rằng, đề nghị quy định đối tượng áp dụng đối với dự án đầu tư của DNNN và doanh nghiệp có trên 50% vốn thuộc sở hữu của DNNN. Theo quan điểm này, dự thảo Luật quy định như Phương án 2 tại Khoản 2 Điều 2.

Về đấu thầu trước, dự thảo Luật được Chính phủ trình Quốc hội quy định một số trường hợp cho phép đấu thầu trước khi dự án, dự toán được phê duyệt để rút ngắn thời gian thực hiện trong một số trường hợp. Ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) và một số đại biểu Quốc hội đề nghị hạn chế sử dụng hình thức này, tránh tạo kẽ hở trong thực thi Luật. Thường trực Ủy ban TCNS tiếp thu ý kiến UBTVQH và chỉnh lý theo hướng quy định đấu thầu trước chỉ áp dụng đối với dự án sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức, vốn vay ưu đãi, đảm bảo quy định thống nhất với Luật 03/2022/QH15.

Về chỉ định thầu, rà soát, chỉnh lý Điều 23 dự thảo Luật mới theo hướng giảm một số trường hợp chỉ định thầu, trong đó đã loại bỏ các trường hợp chỉ định thầu đối với: “gói thầu tái định cư” tại Điểm g Khoản 1; quy định rõ về “gói thầu thuộc dự án quan trọng quốc gia được áp dụng hình thức chỉ định thầu theo Nghị quyết của Quốc hội khi phê duyệt chủ trương đầu tư dự án”. Đồng thời, bổ sung luật hóa quy định đang được hướng dẫn tại Nghị định về hạn mức áp dụng chỉ định thầu tại Điểm k Khoản 1 Điều 23 của dự thảo Luật chỉnh lý và để bảo đảm tính linh hoạt, bổ sung tại điểm này quy định “trường hợp cần điều chỉnh hạn mức để phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và yêu cầu quản lý nhà nước, Chính phủ báo cáo UBTVQH xem xét, quyết định”.

Về lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt, chỉnh lý theo hướng: quy định rõ điều kiện áp dụng trường hợp đặc biệt đối với các gói thầu không thể thực hiện theo các hình thức thông thường khác và chỉ đối với các trường hợp cụ thể như gói thầu mua sắm thông qua các tổ chức quốc tế; gói thầu mua sắm vắc xin trong quá trình thử nghiệm, có yêu cầu của nhà sản xuất về điều kiện mua, thanh toán, bảo lãnh và luật hóa một số trường hợp thật sự cần thiết quy định tại Quyết định số 17/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ để bảo đảm tính minh bạch, rõ ràng. Đồng thời, quy định rõ trách nhiệm, thẩm quyền quyết định phê duyệt phương án lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt. Vì vậy, nội dung tại Điều này bổ sung một số trường hợp so với dự thảo Luật được Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4, đề nghị đại biểu Quốc hội quan tâm, cho ý kiến để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật trình Quốc hội.

Về đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án có sử dụng đất, Thường trực Ủy ban TCNS tiếp thu theo hướng: Luật Đấu thầu quy định về hồ sơ, trình tự, thủ tục đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án trong trường hợp phải đấu thầu được quy định trong pháp luật về đất đai. Theo đó, giữ quy định tại Điểm a Khoản 3 Điều 2; đồng thời bỏ quy định về “Công bố dự án đầu tư có sử dụng đất”, lồng ghép nội dung giữa Điều 44 và 45 của dự thảo Luật trình Quốc hội thành Điều 47 mới về “Công bố dự án đầu tư kinh doanh”.

Về mua thuốc, vật tư y tế, dự thảo Luật mới cũng có chỉnh lý, tiếp thu để giải quyết các khó khăn, vướng mắc đang được dư luận quan tâm về vấn đề mua thuốc, trang thiết bị y tế.

Về bảo đảm cạnh tranh trong đấu thầu, chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng bỏ quy định tại Khoản 4 Điều 6 dự thảo Luật trình Quốc hội, đồng thời bổ sung quy định để làm rõ yêu cầu bảo đảm cạnh tranh giữa chủ đầu tư, bên mời thầu với nhà thầu là các đơn vị sự nghiệp công lập, công ty con trong tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước. Quy định này nhằm tạo điều kiện cho các đơn vị sự nghiệp công lập có năng lực chuyên sâu tham dự thầu gói thầu do cơ quan quản lý nhà nước làm chủ đầu tư; công ty con tham dự thầu gói thầu do công ty mẹ làm chủ đầu tư để tận dụng lợi thế, sở trường trong các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh chính của các đơn vị sự nghiệp công lập, công ty con (Điểm a Khoản 2 Điều 6).

Dự thảo Luật có sửa đổi, bổ sung về yêu cầu đối với tổ chuyên gia, tổ thẩm định và rà soát, tiếp thu nhiều điều, khoản về nội dung, kỹ thuật lập pháp.

Tin cùng chuyên mục