Giá dầu chạm đáy 2 tuần vì đồng USD mạnh

Tuy nhiên, khả năng Tổng thống Donald Trump rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran vẫn đang hỗ trợ cho giá “vàng đen”...
Phần lớn sự tăng giá dầu trong năm nay là nhờ nỗ lực hạn chế sản lượng của OPEC và Nga - Ảnh: Reuters.
Phần lớn sự tăng giá dầu trong năm nay là nhờ nỗ lực hạn chế sản lượng của OPEC và Nga - Ảnh: Reuters.

Giá dầu thô thị trường quốc tế giảm xuống mức thấp nhất 2 tuần trong phiên giao dịch ngày thứ Ba, dưới sức ép của sản lượng dầu tại Mỹ tăng và đồng USD mạnh lên. Tuy nhiên, khả năng Tổng thống Donald Trump rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran vẫn đang hỗ trợ cho giá "vàng đen".

Lúc đóng cửa phiên giao dịch tại thị trường New York, giá dầu thô ngọt nhẹ giao tháng 6 giảm 1,32 USD/thùng, tương đương giảm 1,9%, còn 67,25 USD/thùng, mức chốt thấp nhất kể từ ngày 17/4. Tại thị trường London, giá dầu thô Brent giảm 1,56 USD/thùng, tương đương giảm 2,1%, còn 73,13 USD/thùng.

Theo tờ Wall Street Journal, đợt tăng giá đưa dầu ngọt nhẹ lên gần ngưỡng 70 USD/thùng đang có chiều hướng chững lại khi các nhà giao dịch dầu lửa chờ xem chính quyền Trump có rút khỏi thỏa thuận hạt nhân mà các cường quốc phương Tây ký với Tehran hồi năm 2015 hay không.

Hôm thứ Hai tuần này, giá dầu tăng sau khi Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố có bằng chứng mới cho thấy Iran không trung thực về kế hoạch phát triển vũ khí hạt nhân mới. Thông tin này củng cố những đồn đoán trước đó rằng Mỹ sẽ rút khỏi thỏa thuận, áp lệnh trừng phạt lại đối với Tehran.

Iran đã trở lại vị trí cường quốc xuất khẩu dầu vào tháng 1/2016, khi nước này được phương Tây dỡ lệnh trừng phạt theo thỏa thuận hạt nhân mà đổi lại Tehran phải hạn chế chương trình hạt nhân. Tháng 4 vừa qua, Iran xuất khẩu 2,6 triệu thùng dầu/ngày, trong đó hai thị trường Trung Quốc và Ấn Độ tiêu thụ hơn một nửa.

Nếu Iran bị trừng phạt trở lại, thì lượng dầu xuất khẩu của nước này sẽ giảm sút, trong bối cảnh nguồn cung dầu của thế giới có chiều hướng thắt chặt do thỏa thuận hạn chế sản lượng giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và Nga. Ông Trump đã đặt thời hạn đến ngày 12/5 sẽ ra quyết định có rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran hay không.

Tuy vậy, mối lo về Iran đã lắng xuống phần nào vào ngày thứ Ba, khi chính quyền Trump chưa đưa ra tuyên bố nào mới về vấn đề Iran.

Đồng USD tăng giá đang gây áp lực giảm giá mạnh mẽ đối với các hàng hóa cơ bản như dầu thô, vì các hàng hóa này được định giá bằng USD. Trong phiên giao dịch ngày thứ Ba, chỉ số WSJ Dollar Index đo sức mạnh đồng USD do tờ Wall Street Journal thực hiện tăng 0,6%, đạt 86,13 điểm, mức cao nhất kể từ đầu năm.

Ngoài ra, sản lượng dầu đá phiến của Mỹ tăng cũng giảm bớt độ hưng phấn của giới đầu tư dầu lửa. Báo cáo công bố hôm thứ Hai của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy sản lượng dầu của nước này đạt mức kỷ lục 10,264 triệu thùng/ngày vào tháng 2.

Số liệu do Viện Dầu lửa Hoa Kỳ (API) công bố ngày 1/5 cho thấy tồn kho dầu thô của Mỹ trong tuần đến ngày 27/3 tăng 3,4 triệu thùng, đạt 432,575 triệu thùng.

Sáng ngày thứ Tư (2/5), giá dầu phục hồi nhẹ. Giá dầu Brent lúc gần 10h theo giờ Việt Nam tăng 0,03 USD/thùng so với đóng cửa hôm qua, đạt 73,16 USD/thùng. Giá dầu ngọt nhẹ tăng 0,16 USD/thùng, đạt 67,41 USD/thùng.

Trong một báo cáo gửi khách hàng ngày 1/5, ngân hàng Goldman Sachs nói rằng cho dù giá dầu đã tăng mạnh từ đầu năm, các nhà đầu tư đang giữ quan điểm thận trọng, bởi không rõ sự tăng giá dầu dựa trên sản lượng giới hạn và căng thẳng địa chính trị có thể duy trì bền vững hay không.

Phần lớn sự tăng giá dầu trong năm nay là nhờ nỗ lực hạn chế sản lượng của OPEC và Nga. Các thống kê cho thấy dự trữ dầu thô trên thế giới đang giảm xuống, về gần mức trung bình lịch sử, báo hiệu tình trạng thừa cung dầu sắp chấm dứt.

Tin cùng chuyên mục