Gia hạn gói thầu bị kiến nghị

(BĐT) - Trong quá trình tổ chức lựa chọn nhà thầu gói thầu xây lắp hệ thống điện chiếu sáng, Bên mời thầu (BMT) đã nhận được nhiều kiến nghị từ phía nhà thầu về các nội dung của hồ sơ yêu cầu (HSYC). Trước kiến nghị này, BMT đã gia hạn Gói thầu và phản hồi về các kiến nghị của nhà thầu.
Nhà thầu kiến nghị cho rằng HSYC của gói thầu xây lắp hệ thống điện chiếu sáng tạo lợi thế cho một nhà thầu nào đó. Ảnh minh họa
Nhà thầu kiến nghị cho rằng HSYC của gói thầu xây lắp hệ thống điện chiếu sáng tạo lợi thế cho một nhà thầu nào đó. Ảnh minh họa

Tạo lợi thế tuyệt đối cho 1 nhà thầu?

Gói thầu 03XL: Xây lắp hệ thống điện chiếu sáng đường Độc Lập đoạn từ đường Phù Đổng đến đường Nguyễn Hữu Thọ (Gói thầu 03XL) thuộc Dự án Tuyến đường từ phía Bắc Khu du lịch Thuận Thảo đến Làng du lịch quốc tế ven biển thành phố Tuy Hòa (Khu du lịch Bắc Âu), tỉnh Phú Yên. Có 6 nhà thầu đã mua HSYC khi Chủ đầu tư tổ chức mời thầu lần đầu và có 3 nhà thầu tham dự thầu, nhưng không có nhà thầu nào đáp ứng năng lực, kinh nghiệm, nên Chủ đầu tư đã ra quyết định huỷ thầu. Đồng thời phê duyệt lại nội dung HSYC và mời thầu lần 2, phát hành HSYC từ 15h30 ngày 23/11/2016 - 15h30 ngày 30/11/2016. Theo bên mời thầu, đã có 06 nhà thầu trong Tỉnh mua HSYC.

Tuy nhiên, hiện có 3 nhà thầu mua HSYC cùng với 3 nhà thầu không mua HSYC đã cùng nhau gửi đơn kiến nghị phản ánh việc HSYC gói thầu này có những “yêu cầu độc đoán” với chủ ý tạo lợi thế tuyệt đối cho 1 nhà thầu nào đó trúng thầu. “Điều này gây bất lợi cho các nhà thầu khác trên địa bàn tỉnh Phú Yên vì không được cạnh tranh công bằng” – nội dung kiến nghị nêu rõ.

Theo đơn kiến nghị, trong phần đánh giá về năng lực và kinh nghiệm của nhà thầu, việc HSYC quy định hợp đồng tương tự có ít nhất 2 hợp đồng thi công xây dựng hệ thống điện chiếu sáng công cộng có giá trị hợp đồng hoặc giá trị quyết toán từ 3 tỷ đồng trở lên; việc yêu cầu nhân sự chủ chốt làm chỉ huy trưởng và cán bộ kỹ thuật thi công phần điện phải có trình độ từ Đại học trở lên thuộc chuyên ngành điện kỹ thuật hoặc cung cấp điện; cán bộ thi công phần xây dựng phải có trình độ từ trung cấp trở lên thuộc chuyên ngành xây dựng dân dụng và công nghiệp; nhà thầu phải chứng minh sở hữu các thiết bị thi công… là những yêu cầu gây bất lợi cho các nhà thầu khác trên địa bàn tỉnh Phú Yên. 

Gia hạn gói thầu vì đơn kiến nghị

Thông tin với Báo Đấu thầu, đại diện Chủ đầu tư cho biết, theo kế hoạch, thời gian mở thầu Gói thầu 03XL là ngày 30/11/2016, tuy nhiên, do có đơn kiến nghị của các nhà thầu nên BMT đã gia hạn thời gian đóng, mở thầu (lùi lại tới ngày 6/12).

Giải đáp kiến nghị của nhà thầu, đại diện Chủ đầu tư thông tin, HSYC quy định có ít nhất 2 hợp đồng tương tự (về bản chất, về quy mô) áp dụng theo quy định tại Thông tư 03/2015/TT-BKHĐT (TT03) để thể hiện năng lực, kinh nghiệm của nhà thầu. Đại diện này nói rõ, trong TT03 chỉ quy định “mức sàn” của hợp đồng tương tự (là bằng hoặc lớn hơn 70% giá trị của gói thầu đang xét) mà không quy định “mức trần”, do đó BMT làm tròn giá trị của hợp đồng tương tự là 3 tỷ đồng (trong khi giá gói thầu là 2,796 tỷ đồng) là “vẫn tuân thủ đúng theo Thông tư hướng dẫn”.

Theo một chuyên gia đấu thầu, TT03 quy định tiêu chuẩn đánh giá năng lực và kinh nghiệm là những hướng dẫn trong việc xây dựng HSYC của các gói thầu, còn các BMT sẽ quy định cụ thể các tiêu chí để phù hợp với yêu cầu riêng của từng gói thầu. Tuy nhiên, BMT quy định hợp đồng tương tự là 3 tỷ đồng là quá cao so với yêu cầu của Gói thầu. Thông thường, giá trị của hợp đồng tương tự bằng 70% giá của gói thầu đang xét. Thậm chí theo hướng dẫn của TT03, đối với các công việc đặc thù hoặc ở các địa phương mà năng lực của nhà thầu trên địa bàn còn hạn chế, có thể yêu cầu giá trị phần công việc xây lắp của hợp đồng trong khoảng 50% - 70% giá trị phần công việc xây lắp của gói thầu đang xét, đồng thời vẫn phải yêu cầu nhà thầu bảo đảm có hợp đồng thi công tương tự về bản chất và độ phức tạp đối với các hạng mục chính của gói thầu.

Liên quan đến vấn đề nhân lực, BMT cho rằng, ngành điện nói chung là ngành rất rộng, có rất nhiều chuyên ngành (điện công nghiệp, điện - điện tử, hệ thống điện), do vậy khi lập HSYC, BMT chọn một số ngành phù hợp để làm tiêu chí. “Nhà thầu không có nhân sự đáp ứng yêu cầu thì có thể liên danh với nhà thầu khác để tham dự. Hoặc nhà thầu chứng minh rằng các chuyên ngành điện mà nhà thầu đề xuất là tương đương với chuyên ngành mà HSYC đề ra để Tổ chuyên gia có cơ sở để đánh giá” – đại diện Chủ đầu tư gợi ý và nêu rõ quan điểm: “Cần lưu ý gói thầu này là hệ thống điện chiếu sáng công cộng, nhà thầu tham gia dự thầu đề xuất chỉ huy trưởng, cán bộ kỹ thuật phụ trách phần điện tốt nghiệp đại học có chuyên ngành không phù hợp sẽ bị đánh giá là không đạt yêu cầu”.

Chuyên gia đấu thầu cho rằng, đối với những quy định liên quan đến chuyên ngành điện kỹ thuật hoặc cung cấp điện là khá “mở”, nên BMT yêu cầu nhà thầu “chứng minh rằng các chuyên ngành điện mà nhà thầu đề xuất là tương đương với chuyên ngành mà HSYC đề ra” là yêu cầu hợp lý.

Đối với yêu cầu về thiết bị thi công nêu tại HSYC, BMT cho rằng, lo ngại trước thực trạng hiện nay nhiều nhà thầu khi tham dự thầu có hợp đồng nguyên tắc thuê thiết bị nhưng do nhiều nguyên nhân dẫn đến khi trúng thầu không bảo đảm thiết bị thi công. Do vậy, BMT đưa ra yêu cầu các thiết bị thi công phải thuộc sở hữu của nhà thầu.

Về yêu cầu này, một chuyên gia cho rằng, khi tham gia đấu thầu, việc nhà thầu sở hữu thiết bị thi công là “tốt nhất”. Tuy nhiên, Điểm a, Khoản 4, Điều 12 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP nêu căn cứ là “số lượng thiết bị thi công sẵn có, khả năng huy động thiết bị thi công để thực hiện gói thầu”.

Tin cùng chuyên mục